Thứ năm, 27/5/2021, 19:13 (GMT+7)

Phòng xét nghiệm Covid-19 làm việc suốt ngày đêm

Bắc GiangBên trong căn phòng kín mít rộng chừng 30 m2 là hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm Covd-19 đang được xử lý nhằm truy tìm những ca dương tính trong cộng đồng.

Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, Học viện Quân y đã nhận lệnh mở một phòng xét nghiệm dã chiến tại tỉnh này. Ngay trong ngày 21/5, tất cả máy móc thiết bị cùng nhân lực đã được chuyển tới. Hai ngày sau, một phần tầng 2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang (phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) trở thành phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến với 8 phòng chuyên môn.

Bên trong khu vực nồng nặc mùi chất khử khuẩn Cloramin B là hàng chục nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang và Học viện Quân y đang miệt mài làm việc không kể ngày đêm. Vào ngày cao điểm, hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm được lấy từ những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao được CDC Bắc Giang chuyển tới đây xét nghiệm.

Căn phòng nguy hiểm nhất là phòng xử lý mẫu ban đầu, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2.

Việc liên lạc từ trong phòng ra bên ngoài đều được thực hiện qua bộ đàm. Không ai được phép ra vào khu vực này trừ những người làm chuyên môn. Để phòng việc lây nhiễm, việc chuyển mẫu bệnh phẩm cũng được bố trí một đường riêng.

Phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến có khoảng 100 người chia làm 4 ca làm việc. Theo thống kê sơ bộ, có gần 40.000 mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm tại đây, trong đó phát hiện 75 mẫu dương tính với nCoV.

Tiến sĩ Hồ Hữu Thọ - Trưởng phòng Công nghệ gen và Di truyền tế bào, Học viện Quân y - là người trực tiếp điều hành phòng xét nghiệm.

Ông Thọ cho hay phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến này có năng lực xét nghiệm lên tới 50.000 mẫu mỗi ngày nếu áp dụng gộp 5 mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, bộ kit xét nghiệm Covid-19 sử dụng tại phòng xét nghiệm dã chiến được nghiên cứu phát triển bởi Học viện Quân y, có thể phát hiện được hầu hết các biến chủng của Covid-19 hiện nay. Đây là công nghệ gene đầu tiên trên thế giới, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích kết quả PCR nhằm phát hiện mầm bệnh. Giá thành cũng rẻ hơn một nửa.

Sau khi hoàn tất việc tách chiết, nhân gene..., nhân viên y tế sẽ tiến hành tra mẫu bệnh phẩm vào các ống sinh phẩm trước khi đem đi chạy máy.

Việc xử lý, phân tích các mẫu bệnh phẩm sẽ được thực hiện qua các máy làm giàu gene đích.

Hiện phòng xét nghiệm dã chiến có 15 máy làm giàu gene đích, mỗi máy sẽ thực hiện 10 lượt chạy/ngày, một lượt chạy sẽ thực hiện xét nghiệm cho 96 mẫu bệnh phẩm, mỗi lượt chạy trong vòng 150 phút được 1.400 mẫu.

Sau một ca làm việc, các nhân viên được khử khuẩn kỹ càng. Để hạn chế bớt mồ hôi trong suốt quá trình mặc đồ bảo hộ, các nhân viên chủ yếu mặc quần áo ngắn. Họ sau đó ra thẳng xe chuyên dụng về nghỉ ngơi và chờ đợi tới ca làm việc tiếp theo.

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới