Nếu chuẩn bị tốt trước khi phỏng vấn, khả năng thành công bao giờ cũng cao. |
Dưới đây là gợi ý của thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, hiện học tiến sĩ (Ph.D) ở MIT (Boston, Mỹ), hy vọng sẽ giúp các bạn SV vượt qua một trong những “cửa ải” quan trọng này.
Trước hết, sinh viên cần đọc kỹ chỉ dẫn của Phòng Lãnh sự, mang hồ sơ với đầy đủ giấy tờ cần thiết. Nhân viên Phòng Lãnh sự sẽ yêu cầu bạn trình giấy tờ gốc chứng tỏ bạn đã được nhận vào học tại một trường nào đó; bạn có đủ khả năng về tài chính mà không phải dựa vào hệ thống phúc lợi xã hội của Mỹ.
Và điều quan trọng nhất bạn phải chứng minh mình không có ý định ở lại Mỹ sau khi học xong.
Những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn
Nhiều người lo lắng không biết sẽ được hỏi về vấn đề gì, nên trả lời ra sao vì hai lý do: thứ nhất, trình độ tiếng Anh chưa tốt, nhất là trong lúc phỏng vấn, tâm lý hồi hộp sẽ làm cho bạn không hiểu đúng câu hỏi; thứ hai, phân vân không biết nội dung câu trả lời như thế nào là tốt nhất.
Bạn cần hiểu rõ động cơ, mục đích học tập cá nhân, nội dung chương trình học. Đối với sinh viên cao học và nghiên cứu sinh, bạn cần nắm vững đề tài và kế hoạch nghiên cứu cụ thể, khả năng ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong tương lai ở Việt Nam. Sau đây là những câu hỏi nhân viên Phòng Lãnh sự có thể hỏi bạn:
- Bạn sẽ học ở đâu, chuyên ngành gì?
- Sau khi học xong, bạn sẽ làm gì với những kiến thức và kinh nghiệm bạn có được?
- Đây là lần đầu tiên bạn nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ phải không?
- Nếu câu trả lời là “không”, câu hỏi tiếp theo có thể là: Lần đầu tiên bạn đến Mỹ khi nào? Mục đích của chuyến đi ấy là gì? Bạn học/làm việc ở đâu? Bạn sang Mỹ bao nhiêu lâu?
- Bạn có ý định, có kế hoạch ở lại Mỹ sau khi học xong không?
- Điều gì đảm bảo bạn có thể theo học chương trình mà bạn đã lựa chọn?
- Gia đình bạn, hay người đỡ đầu có đủ khả năng chi trả các khoản tài chính cho bạn hay không?
- Nếu trong giấy tờ của bạn có ghi tên người đỡ đầu, hoặc người bảo trợ, câu hỏi tiếp theo có thể là: Người đó là ai, quan hệ như thế nào với bạn? Người đó sẽ đảm bảo những chi phí nào cho bạn, trong thời gian bao nhiêu lâu?
- Bạn có người thân, cha mẹ, anh, chị em ruột đang sinh sống ở Mỹ hay không? Nếu có, hiện họ đang làm gì ở đó?
- Bạn đã có gia đình chưa? Nếu có, vợ hoặc chồng bạn có đi cùng hay không?
- Bạn có con chưa? Con bạn có đi cùng hay ở lại Việt Nam?
- Bạn định khi nào sẽ tốt nghiệp/hoàn thành chương trình nghiên cứu của mình?
- Điểm đến đầu tiên ở nước Mỹ của bạn là nơi nào?
Và còn nhiều câu hỏi phát sinh trong quá trình phỏng vấn, liên quan đến những thông tin bạn đưa ra trong câu trả lời của mình, cũng như thái độ của bạn và ấn tượng bạn tạo ra cho nhân viên Phòng Lãnh sự.
Bạn nên phân tích những câu hỏi này để tìm ra những câu trả lời thích hợp nhất, đáp ứng những yêu cầu mà nhân viên Phòng Lãnh sự đưa ra.
Điều quan trọng là bạn phải tạo được ấn tượng tốt về mình trong suốt quá trình phỏng vấn bởi vì nhân viên Phòng Lãnh sự có quyền từ chối cấp thị thực cho bạn vì “lý do cá nhân”, nói cách khác vì bạn đã không tạo được ấn tượng tốt về bản thân mình.
Cách gây được ấn tượng tốt: Hãy bình tĩnh, tự tin, ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, khi trả lời câu hỏi nên nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn và luôn mỉm cười. Câu trả lời phải ngắn gọn, thành thật và đi đúng hướng, không trả lời lan man.
Có hai lý do chính để bạn không được cấp thị thực nhập cảnh: 1) Bạn không đủ khả năng tài chính; 2) Bạn không chứng minh được mình không có ý định ở lại Mỹ.
Nếu nhân viên Phòng Lãnh sự cho rằng bạn không đủ khả năng tài chính, bạn có thể không được cấp thị thực nhập cảnh. Vì vậy bạn phải chứng minh được bạn có đủ khả năng trả tiền học phí, chi phí ăn ở, đi lại, sách vở và bảo hiểm y tế.
Thông thường bạn nên mang theo chứng nhận của ngân hàng hoặc giấy tờ của nhà trường hay tổ chức cấp học bổng cho bạn.
Luật pháp Mỹ cho phép nhân viên Phòng Lãnh sự không cấp thị thực nhập cảnh cho bất kỳ ai mà họ cho là có ý định định cư lâu dài ở Mỹ.
Chứng minh bạn không có ý định đó sau khi học xong đồng nghĩa với việc thuyết phục nhân viên Phòng Lãnh sự tin rằng bạn sẽ trở lại Việt Nam.
Cách thuyết phục tốt nhất là bạn trình văn bản chứng minh rằng sau khi học xong, hoặc cơ quan bạn đang làm việc, hoặc một tổ chức nào đó sẽ tiếp nhận bạn.
Cách thứ hai là bạn cho nhân viên Phòng Lãnh sự thấy được bạn có mối ràng buộc chặt chẽ với gia đình ở Việt Nam, ví dụ: mọi thành viên trong gia đình bạn đang ở Việt Nam; bạn là con trưởng hoặc con một, người có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi già yếu; thậm chí tình trạng sức khỏe không tốt của cha hoặc mẹ bạn (nếu có). Đó là những lý do khiến nhân viên Phòng Lãnh sự tin rằng bạn sẽ trở về.
Một lý do nữa có thể đưa ra là bạn có ràng buộc chặt chẽ về tài chính: Bạn sở hữu tài sản lớn, hoặc đầu tư vào một công ty nào đó (tài sản này nằm ngoài tài sản chứng minh bạn đủ khả năng tài chính chi trả cho khóa học của mình).
Cuối cùng, bạn nên thuyết phục nhân viên Phòng Lãnh sự rằng phong cách của bạn là “đi đến nơi về đến chốn”, có nghĩa là bạn đi nước ngoài nhiều lần, nhưng đều trở về nước. Bạn nên mang theo hộ chiếu có dấu xuất nhập cảnh, bạn càng đi nhiều nơi càng khẳng định rõ phong cách của bạn.
Làm gì khi không được cấp thị thực nhập cảnh?
Bạn nên đề nghị nhân viên Phòng Lãnh sự nêu rõ lý do không cấp thị thực nhập cảnh bằng văn bản, liên hệ trực tiếp với trường bạn đến học, hoặc nơi bạn sẽ đến làm việc, nghiên cứu.
Có thể chỉ do một sự hiểu lầm nào đó mà trường bạn có thể can thiệp giải quyết cho bạn được cấp thị thực nhập cảnh.
Trên đây là một số gợi ý giúp các bạn rèn luyện kỹ năng khi đi phỏng vấn. Mỗi người có một tình huống, hoàn cảnh khác nhau, có cách phân tích tình huống và ứng xử khác nhau.
Nhưng nếu chuẩn bị tốt trước khi phỏng vấn, khả năng thành công bao giờ cũng cao.
(Theo Tiền Phong)