Các nhân viên văn phòng ở Manila tranh thủ gởi SMS trong giờ nghỉ. |
Với hơn 200 triệu tin nhắn (SMS) được gửi đi mỗi ngày, SMS không chỉ là cơn sốt mà còn là lối sống tại đất nước Philippines 80 triệu dân. Nó thậm chí còn trở thành một công cụ quan trọng trong giao tiếp, thương mại và các hoạt động của chính phủ. Claro “Lalen” Parlade, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách Không gian ảo cho châu Á - Thái Bình Dương ở Manila - Philippines, nhận xét ngắn gọn: “Người Philippines đang nghiện SMS”.
Cũng như nhiều người dân tại các nước châu Á khác, nhất là những người không có điện thoại cố định, ĐTDĐ nhanh chóng được đón nhận ở Philippines vì những lợi ích mà phương tiện này mang lại. Philippines hiện có khoảng 27 triệu thuê bao ĐTDĐ, nhiều hơn cả thuê bao điện thoại cố định. Thêm vào đó, việc có giá cước thấp khiến SMS càng thêm phổ biến ở Philippines. Người châu Á hiện đứng đầu thế giới về gửi SMS: 40% trong số 2,9 tỷ SMS gửi đi trên khắp thế giới mỗi ngày xuất phát từ châu lục này.
Riêng ở Philippines, nơi máy tính và Internet vẫn chưa phổ biến, SMS đã trở thành một công cụ kết hợp e-mail và tin nhắn tức thì trên máy tính. Đa số người sử dụng SMS ở Philippines có thu nhập khiêm tốn. Họ chỉ tốn khoảng 1,8 USD cho 100 SMS gửi đi, khiến giá mỗi SMS chỉ bằng 1/7 cước phí của một cuộc gọi ĐTDĐ. Dù có giá thấp nhưng SMS đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế Philippines. Năm ngoái, trong lúc các ngành công nghiệp lớn khác lâm vào tình trạng đình trệ hay tăng trưởng chậm, ngành công nghiệp viễn thông lại tăng trưởng đến 17%, phần lớn nhờ vào sự bùng nổ của SMS.
Việc người Philippines thích SMS còn được lý giải bởi những nguyên nhân văn hóa. Chẳng hạn như SMS giúp họ liên lạc tức thì hay thường xuyên với gia đình và bạn bè, một yếu tố quan trọng trong nền văn hóa vốn xem trọng các mối quan hệ cá nhân. Theo một cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu viễn thông XMG-Global ở Manila, hơn phân nửa số SMS cá nhân ở nước này là những câu chào xã giao hay hỏi thăm sức khỏe dài không quá 100 ký tự. Divina Parreno, một người Mỹ gốc Philippines sống tại Milpitas, bang California, Mỹ, bắt đầu nghiện gửi SMS từ khi trở về thăm quê hương năm 2001. Kể từ đó, cô thường xuyên gửi lời chúc mừng hay chuyện đùa cho bạn bè và gia đình ở quê nhà bằng SMS, có tháng cô gửi đến 1.000 SMS.
Theo Người Lao Động, không chỉ là công cụ giao tiếp, SMS cũng được sử dụng vào những mục đích nghiêm túc. Vào năm 2001, phe đối lập đã dùng SMS để kêu gọi được khoảng 1 triệu người dân xuống đường biểu tình chống lại tổng thống khi đó, ông Joseph Estrada. Ngày nay, ĐTDĐ thường được các phe phái chính trị sử dụng để phát động các cuộc tuần hành hay biểu tình. Người dân Philippines giờ đây có thể nhắn tin cho Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo hay những cơ quan chính phủ khác. Trong khi đó, các sở cảnh sát yêu cầu dân chúng gửi SMS cho họ nếu chứng kiến những vụ phạm tội hay có khiếu nại gì.
Bên cạnh đó, SMS cũng bị lợi dụng để phục vụ cho những mưu đồ xấu hay các vụ phạm tội. Trước thềm các cuộc bầu cử, theo ông Parlade, một số đảng phái thường “sáng tác” và lan truyền những chuyện cười qua SMS nhằm phá hoại uy tín của đối thủ. Trong khi đó, các phần tử nổi loạn tại tỉnh miền Nam Mindanao thường thực hiện các vụ bắt cóc và gửi SMS đến người thân của con tin để đòi tiền chuộc.