Sau tượng vàng Oscar "Nam diễn viên phụ xuất sắc" với phim Once Upon A Time In Hollywood và màn cameo hài hước trong The Lost City, Brad Pitt tái xuất đóng nam chính qua Bullet Train (Sát thủ đối đầu). Đã 8 năm, tài tử mới tham gia một dự án hành động.
Anh khắc họa chân dung Ladybug (Bọ Rùa), một sát thủ thâm niên, nợ nần chồng chất và hay gặp xui rủi. Dù đã chán ghét việc đâm chém, anh đồng ý tái xuất giang hồ với nhiệm vụ thu giữ một vali tuyệt mật, trên chuyến tàu ở Nhật Bản. Với Ladybug, chuyện này dễ như trở bàn tay. Nhưng khi chuẩn bị xách vali rời đoàn tàu ở trạm dừng đầu tiên, anh lần lượt đụng độ nhiều sát thủ cũng đang tìm kiếm món đồ này. Hàng loạt tình huống bi hài cùng những trận so găng đọ sức giữa họ xảy ra.
Dự án phim có sự góp mặt của Brad Pitt và đạo diễn David Leitch khiến giới phê bình, khán giả chờ đợi là một tác phẩm tốt cả về hình ảnh lẫn câu chuyện.
Tạo hình của Brad Pitt nhận nhiều lời khen
Thay vì ngoại hình lịch thiệp hay vẻ ngoài thô ráp như nhiều phim trước, tài tử 59 tuổi xuất hiện trong Bullet Train với tạo hình hướng nội, lập dị và lù khù. Anh mặc bộ đồ xanh trầm, đội mũ bucket và đeo kính. Nhà báo Peter Bradshaw trên tờ The Guardian dùng hai chữ "mọt sách" để mô tả về Brad Pitt trong phần mở màn của phim. Qua những cuộc đánh đấm máu lửa về sau, Pitt mới dần lộ diện hình ảnh cơ bắp, già gân.
Diễn xuất hành động nhanh nhẹn, đầy sức sống cùng lối diễn hài duyên dáng của Brad Pitt được đánh giá cao. Cây bút Ben Travis đến từ trang Empire Online cho biết bất cứ khi nào Brad Pitt xuất hiện, phim cũng vui cười. Travis cũng ghi nhận tương tác cảm xúc (chemistry) giữa Pitt và Sandra Bullock (vai người chỉ huy của Ladybug) đầy lôi cuốn, dù họ chủ yếu đối thoại qua điện thoại.
Pete Hammond của trang Deadline cho rằng bộ phim là một cú hích trong sự nghiệp của Brad Pitt. Còn David Ehrlich bình luận trên IndieWire: "Bullet Train không phải là một phim hay nhưng sự vui nhộn tỏa ra từ Brad Pitt chắc chắn làm bạn sảng khoái. Nếu đây là một trong các phim tệ nhất Brad Pitt từng đóng, nó cũng xứng đáng ghi một dấu mốc trong sự nghiệp 30 năm của tài tử".
Trong bài đăng trên Collider, Ross Bonaime viết: "Bullet Train ghi điểm ở dàn diễn viên. Phần lớn phân cảnh hành động có Brad Pitt góp mặt. Thật tuyệt khi được thấy lại anh ở cấp độ phim hành động này".
Bên cạnh nam chính, bộ đôi Aaron Taylor-Johnson và Brian Tyree Henry, vai Lemon (Chanh) - Tangerine (Quýt) giành nhiều thiện cảm từ báo chí quốc tế. Nhập vai bộ đôi sát thủ tính cách kỳ cục, liên tục tranh cãi những câu chuyện vô bổ, hai ngôi sao tung hứng và tạo nên những màn tấu hài đậm tính giải trí.
Tuy nhiên, dàn diễn viên còn lại tuy đều là những tên tuổi lớn lại không có đất phát huy thực tài. Nhân vật của họ bị chê kém hấp dẫn. "Thật khó chịu khi thấy quá nhiều diễn viên có năng lực bị sử dụng kém như vậy", David Rooney của The Hollywood Reporter chỉ trích.
Điên rồ, vui nhộn, sáng tạo nhưng sáo rỗng
Đứng sau thành công của các bom tấn Atomic Blonde, Deadpool 2, Hobbs & Shaw, đạo diễn David Leitch phần nào khiến giới chuyên môn và công chúng mường tượng được chất điên, phá cách trong tác phẩm của mình. Xuất thân từ dân cascadeur và nhiều lần đóng thế cho Brad Pitt, Leitch cũng cho thấy sự ăn ý với tài tử. Song những điều này không đủ giúp Bullet Train tránh được những phản hồi tiêu cực về chất lượng.
Ưu điểm lớn nhất của phim là phần hành động đẫm máu, thu hút thị giác. Gói gọn trong không gian một đoàn tàu, phim liên tục đẩy các nhân vật vào các cuộc đánh đấm. Tương tự Deadpool, tính bạo lực được đẩy lên cao, những chiêu thức giết chóc đầy dị hợm đôi khi có thể khiến khán giả rợn người. Ngoài súng, gươm, kiếm, nhiều món đồ đời thường được trưng dụng làm vũ khí như laptop, máy tính bảng, thậm chí chai nước.
Tính phóng đại của cảnh hành động, tính cường điệu trong những cuộc giao tiếp tạo cho tác phẩm vỏ bọc của một cuốn truyện tranh hay phim hoạt hình, thay vì phim người đóng. Các nhân vật cũng mang lại cảm giác siêu thực.
Tuy nhiên sau khi ra mắt, bên cạnh các lời khen, Bullet Train nhận nhiều đánh giá là không được như kỳ vọng. Nhà báo Matt Donato cho rằng các pha hành động trong phim lặp đi lặp lại một cách lộn xộn, dễ gây nhàm chán. Cây viết Brian Lowry của CNN đánh giá câu chuyện chuyển thể từ tiểu thuyết của Nhật Bản không đủ chất liệu tạo độ dày, sâu cho kịch bản. Với Ben Travis, bộ phim mới dừng lại ở bề nổi.
Chưa kể, tính chiếm dụng văn hóa Nhật Bản, chi tiết mô tả nhà vệ sinh ở Nhật lạc hậu như cách đây 40 năm và việc "tẩy trắng" hầu hết nhân vật từ người Nhật trong nguyên tác thành dân phương Tây trên màn ảnh khiến nhiều người phật ý. Peter Bradshaw gọi phim này là "chuyến du lịch không đến nơi đến chốn".
Phong Kiều (Theo THR, IndieWire, IGN, CNN, Collider, Deadline, The Guardian, Empire Online)