Cám ra rạp ngày 20/9, được giới thiệu là dị bản kinh dị của truyện cổ tích Tấm Cám. Tác phẩm gốc từng gây tranh cãi với loạt chi tiết đen tối như Tấm lấy Cám làm mắm, gửi cho dì ghẻ ăn hay lời hát "Kẽo cà kẽo kẹt/Lấy tranh chồng chị/Chị khoét mắt ra".
So với cổ tích, bản điện ảnh Cám giữ lại xuất thân nhân vật chính: mẹ Tấm mất sớm, cha lấy vợ kế rồi sinh Cám. Tuy nhiên, phần còn lại câu chuyện được hư cấu. Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) bị dị tật bẩm sinh, luôn bị cha - ông Hai Hoàng (Quốc Cường) và mẹ ruột (Thúy Diễm) - ngược đãi, xem là nỗi ô nhục dòng tộc. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất yêu thương em.
Khi trưởng thành, Cám phải lòng Bờm (Doãn Hoàng) - gia nhân có trái tim lương thiện, nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài. Gia đình Cám che giấu bí mật kinh hoàng. Cứ 10 năm một lần, ông Hai Hoàng, vốn là trưởng làng, sẽ thực hiện lễ tế cầu an. Vật hiến tế luôn là gái đồng trinh trong gia tộc.
Nhìn chung cốt truyện Cám dễ hiểu, xoay quanh màn trả thù của nhân vật Cám, kèm những cú plot twist (kỹ thuật tạo tình tiết bất ngờ). Đạo diễn vẫn giữ lại chi tiết "đinh" trong cổ tích như Tấm thử hài, gọi cá bống, chặt cau nhưng góc nhìn khác biệt, có phần đen tối hơn. Nửa sau phim, êkíp giới thiệu nhân vật có tạo hình đặc biệt, tạo nét chấm phá cho kịch bản.
Tương tự Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, đạo diễn Trần Hữu Tấn chú trọng chất kinh dị qua hình tượng, không khí, thay vì thủ pháp jumpscare (gây sợ hãi, hù dọa bằng cách chèn tiếng động hoặc âm thanh đột ngột). Màn hóa trang khuôn mặt Cám và cơ thể Bạch Lão cũng gợi cảm giác ghê rợn. Êkíp khai thác màu sắc tâm linh như lễ hiến tế, nhập hồn, đan xen cảnh máu me khi Cám trả thù.
Là nhân vật trung tâm, Lâm Thanh Mỹ nhiều đất diễn nhất, được các tiền bối đánh giá lột tả tốt tâm lý nhân vật - từ mặc cảm vì cơ thể xấu xí lúc đầu đến vẻ dữ dội đoạn cuối. Diễn viên trẻ học cách diễn xuất bằng một mắt do nửa mặt hóa trang dị dạng. Cám cũng đánh dấu vai người lớn đầu tiên của Lâm Thanh Mỹ, sau loạt vai nhí ăn khách trong Đoạt hồn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bóng đè.
Dàn diễn viên phụ tròn vai. Quốc Cường hóa người cha tàn ác, thể hiện nét dữ dội lẫn đau thương khi nhân tính trỗi dậy. "Dì ghẻ" Thúy Diễm phải diễn cảnh ghét con ruột của mình vì dị tật, khác hẳn cổ tích.
Êkíp đầu tư hơn 200 cổ phục, cho cả diễn viên chính và quần chúng, trong đó ấn tượng nhất là trang phục khi hoàng tử kết duyên Tâm. Phim quay ở Huế, Quảng Trị, đạo diễn Trần Hữu Tấn cùng nhà sản xuất Hoàng Quân phải tìm kiếm, khảo sát những ngôi làng, đình cổ còn giữ nét kiến trúc xưa. Bối cảnh ở rừng hiến tế tạo cảm giác rợn người nhờ gốc cây có hình thù quái dị.
Cám đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc, dán nhãn T18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).
Hiếu Châu