Một nhân viên công ty sản xuất, lắp ráp ô tô lớn cho biết: "Từ trước đến nay khách hàng chính của các hãng là các đơn vị hành chính sự nghiệp Nhà nước, cá nhân cũng có nhưng so sánh thì không đáng là bao so với đối tượng trên. Nhà nước đi mua xe thì bao giờ cũng thích "phết, phẩy", để giá công bố cao thuận lợi cả đôi đường".
Cách đây vài ngày, một ông làm ở một cơ quan hành chính sự nghiệp khoe: "Chỗ tôi vừa mua được một chiếc xe, đại lý giảm tới gần 10.000 USD, giá công bố của hãng là hơn 40.000 USD nhưng mua thực tế chỉ có trên 30.000 USD một chút".
Theo quy định, số tiền chênh lệch trên phải nộp lại cho cơ quan nhưng những người được giao quyền cho đi mua xe đâu có thật thà làm theo quy định. Chưa được gợi ý thì khách hàng đã chủ động đề xuất với đại lý xem có cách nào xử lý số tiền dôi dư kia không. Tất nhiên không muốn mất khách, đại lý phải nghĩ cách. Sự việc được vo tròn đến mức hoàn hảo, số tiền hơn 150 triệu đồng đó sẽ vào túi người mua sau khi họ trả một tỷ lệ khoảng 20% cho người bán.
Hóa đơn trên 40.000 USD sẽ được chuyển cho tài chính, kho bạc xuất tiền. Chẳng có thắc mắc nào cả, giá xe mua đúng với giá công bố của hãng.
Qua đây, cũng hiểu vì sao có một vị mới nhận chức giám đốc sở, xin được cấp xe mới, cơ quan chủ quản đồng ý giao cho văn phòng đi mua nhưng ông giám đốc sở giành bằng được quyền mua chiếc xe đó về cơ quan mình.
Cách đây dăm, bảy năm ở một tỉnh mới tách, chỉ vì chuyện mua xe được giao toàn quyền cho văn phòng ủy ban, các sở ban ngành đã bới lông, tìm vết tố cáo, phế truất cả chủ tịch.
Không có thống kê chính xác nhưng thông thường một tỉnh cỡ vừa vừa thì một năm các cơ quan ban ngành (không kể các doanh nghiệp) cũng phải mua mới 10-20 xe ô tô. Cứ cho là 50% số xe này khi mua hóa đơn được ghi đúng với giá thực mua thì ngân sách của Nhà nước cũng đã mất cả tỷ đồng. Nhưng có ai sẵn sàng nộp tiền thừa cho Nhà ước khi họ hoàn toàn có thể hợp thức hóa được số tiền này?
(Theo Thanh Niên)