Ngày 12/1, TAND quận Hà Đông, Hà Nội mở phiên tòa xét xử Phạm Hồng Kỳ (32 tuổi) về tội xâm phạm mồ mả.
Theo truy tố, Kỳ là nhân viên hợp đồng của công ty cổ phần cơ giới giao thông An Thành, có nhiệm vụ đi tìm địa chỉ đổ đất thải. Ngày 18/8/2010, Kỳ điện thoại cho Dương Văn Sơn (40 tuổi, bảo vệ đoạn đường Lê Văn Lương) hỏi: "Có chỗ đổ phế thải không" và nhờ tìm chỗ.
Sơn đồng ý rồi bàn với Nguyễn Văn Đương (49 tuổi, đội phó đội bảo vệ) về việc đổ đất, có trả tiền. Cả hai thống nhất cho Kỳ đổ đất bùn thải vào vị trí khu nghĩa trang Đồng Trưa (thôn Ỷ La). Ngày 20/8, Sơn và Đương đến nghĩa trang này để khảo sát vị trí cho đổ đất.
Cả hai biết khu vực này có nhiều ngôi mộ. Tuy nhiên họ vẫn thống nhất để Kỳ đổ bùn tại đó. Khoảng 16h 21/8, Sơn dẫn Kỳ ra vị trí đã được thống nhất, và thỏa thuận giá 140.000 đồng mỗi xe. Sơn còn đổi lịch trực cho một nhân viên khác để tránh bị phát hiện.
Tối cùng ngày, Kỳ điều động 4 xe ôtô cấp tập đổ 29 chuyến bùn đất thải từ công trình xây dựng khu đô thị La Khê, Hà Đông vào khu nghĩa trang. Tổng cộng, Kỳ đã phải thanh toán cho Sơn và Đương số tiền 4,6 triệu đồng. Thấy Kỳ có chỗ đổ đất, một đồng nghiệp đã hỏi "mối". Kỳ giới thiệu cho người này gặp Đương và thống nhất 150.000 đồng một xe.
Tổng cộng đã có 49 chuyến xe đổ bùn thải vào nghĩa trang trên. Với hàng trăm tấn bùn, 35 ngôi mộ của người dân đã bị vùi lấp, mất tích.
Kỳ (ngoài cùng bên trái) và các bị cáo tại tòa. |
Vụ việc đổ trộm bùn sau đó bị phát hiện. Ngoài truy tố Kỳ, Đương và Sơn cũng phải hầu tòa vì tội danh xâm phạm mồ mả. Đứng trước vành móng ngựa, cả 3 bị cáo đều quanh co chối tội. Khán phòng chật cứng người bị hại không khỏi bức xúc trước thái độ của các bị cáo. Sau khi bùn đổ vào nghĩa trang, nhiều người đã "khóc dở, mếu dở" vì không tìm được mộ người thân.
Trả lời câu hỏi của vị chủ tọa, vì sao biết có mộ mà vẫn đổ bùn, Kỳ cho rằng "do đứng từ xa, thấy cỏ mọc như làn sóng" nên không biết. Sơn cũng biện minh rằng: "Bị cáo không biết là ở đó có mộ, và cũng do trời tối nên không nhìn rõ".
Trước lời lẽ của Sơn, vị chủ tọa đã phản bác. Theo đó, năm 2006, chính Sơn là người đưa bác ruột đến an táng tại nghĩa trang trên. "Các bị cáo đi quan sát trước đó, thời gian mới là 4 giờ chiều, sao có thể nói là không nhìn rõ", vị chủ tỏa nói. Cả 3 bị cáo không nói được gì.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều gia đình có mồ mả bị xâm hại không được bồi thường về vật chất lẫn tinh thần.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định, việc các bị cáo cho xe ô tô đổ bùn đất thải vùi lấp 35 ngôi mộ chưa cải táng tại nghĩa trang Đồng Trưa đã xâm phạm mồ mả thuộc về thế giới tâm linh theo phong tục và tập quán truyền thống của người Việt.
Chiều nay, sau khi xem xét Tòa đã tuyên phạt Sơn 20 tháng tù, Đương 18 tháng, và Kỳ 12 tháng. Trước đó, ông Đương bị 20 tháng tù treo về tội trộm cắp, chưa thực hiện xong án phạt, đang trong thời gian thử thách, nên số tháng còn lại đã bị chuyển thành án giam, tổng hợp người này phải chịu 29 tháng tù. Ngoài mức án trên, các bị cáo còn phải bồi thường 389 triệu đồng cho các gia đình có phần mộ ở nghĩa trang.
Việt Dũng