Trong chuyến du lịch tới thành phố Quế Lâm (Trung Quốc), vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân Trang (trú tại phố Lương Văn Can, Hà Nội) gặp chị Bùi Thị Hà (sinh năm 1982 quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa), người bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 18 tuổi. Chị Trang cũng kể câu chuyện được nghe về một một phụ nữ người Canada gốc Hoa đang về nước thăm người thân, biết trường hợp của chị Hà, thương cảm trước số phận hẩm hiu, cay đắng của người phụ nữ bị bán như nô lệ nên sẵn sàng làm cầu nối giúp đỡ. Nhờ đó, sau hơn 16 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, chị Hà đang mong được về Việt Nam thăm gia đình.
Nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi lần kể lại việc mình bị bạo hành tình dục khi bị bán sang Trung Quốc khiến chị Hà còn nguyên nỗi sợ hãi, hoảng loạn. Chị kể, 18 tuổi, thời điểm đẹp nhất của cuộc đời, chị bị 2 người phụ nữ dụ dỗ lên biên giới làm việc với lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Ngay khi đặt chân đến đất Quảng Châu, Trung Quốc, chị bị nhóm buôn người lấy hết giấy tờ cùng tài sản rồi bán cho một người đàn ông.
Hoang mang đến tột độ, đêm đầu tiên lợi dụng sơ hở chị trốn được ra ngoài. Thế nhưng, ở nơi đất khách quê người chị không biết đi đâu về đâu. Tiếng cũng không biết nên chẳng thể cầu cứu ai được. Chỉ ngay trong ngày hôm sau, chị bị chính nhóm người đã bán bắt lại. Chúng còn thẳng tay đánh chị không thương tiếc. Chị còn nhớ, kẻ đánh chị hôm đó cũng là một người Việt.
Câu chuyện mới bắt đầu nhưng đã bị gián đoạn bởi những dòng nước mắt. Có lẽ, sau 16 năm chưa bao giờ chị kể với ai những điều mình đã phải chịu đựng. Chị kể tiếp, không chỉ đánh đập thậm tệ, chị còn bị làm nhục. Những kẻ buôn người coi chị như nô lệ tình dục. Tấm thân trinh trắng của cô gái 18 bị chúng giày xéo không thương tiếc. Kể đến đây, chị không còn nói lên được thành lời mà chỉ còn lại những tiếng khóc xé lòng.
Sau 3 năm sống trong địa ngục, một lần lợi dụng sơ hở chị trốn được ra ngoài và lưu lạc đến thành phố Quế Lâm. Chị nói, sau khi trốn thoát, chị ở lại Quế Lâm cho đến bây giờ. Hiện tại, chị đang chung sống với người chồng (39 tuổi, làm công nhân xây dựng) tại thôn An Hoà, huyện Toàn Châu, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Do chị không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân này không có hôn thú. Chỉ là 2 người tự dọn về sống với nhau như vợ chồng. Chị có 2 người con trai, đứa cả 13 tuổi, đứa bé 7 tuổi. Cả 2 đều không phải con của người chồng hiện tại. Sau 2 lần sinh đẻ, chị đã mất khả năng sinh sản nhưng anh chồng hiện tại rất cảm thông.
Chị kể, sau khi trốn được chị may mắn gặp được người chồng hiện giờ. Chị là mối tình đầu của anh, vì thế anh hết mực yêu thương. Mặc dù anh đồng ý để chị về Việt Nam thăm gia đình, nhưng chị nói, thực tình anh không muốn để chị đi. Anh lo lắng, chị về Việt Nam rồi sẽ không còn quay lại với anh nữa.
Sau cú sốc nặng về tâm lý và những trận bạo hành thể xác, nhục dục… đến hoảng loạn. Hiện giờ, anh chồng và 2 đứa con là chỗ dựa tinh thần to lớn nhất của chị. Chị cảm thấy mình nợ anh ấy, vì thế mong muốn của chị là được về thăm gia đình rồi làm thủ tục để vợ chồng chị có thể chung sống hợp pháp với nhau và hơn hết, ở đó nơi đất khách quê người chị còn có 2 người con trai.
Những trao đổi với chị Hà với người đối diện toàn bộ đều bằng tiếng Trung. Hiện giờ chị Hà không hiểu tiếng Việt nhiều nữa. Theo chị Trang, có lẽ những trận đòn, những lần bị làm nhục đã khiến chị bị sang chấn tâm lý nặng. Cộng thêm việc phải sống, giao tiếp trong môi trường không sử dụng tiếng Việt trong một thời gian quá dài đã khiến chị tạm quên, khó giao tiếp.
Trong lần trao đổi bằng điện thoại với bố (ông Bùi Văn Hán), chị chỉ nói được mấy câu: “Bố Hán, con là Hà con gái bố đây. Bố có nhớ con không, có thương cháu ngoại bố không?”. Nhưng chị cũng chỉ nói được có thế, khi ông Hán hỏi lại thì chị không hiểu được nội dung.
Chị Trang cho biết thêm, ngoài chồng và con ra thì chị Hà không tin tưởng ai cả. Vì thế, hơn 16 năm trời chị không dám hé răng nửa lời với ai về câu chuyện của mình. Thậm chí, cho đến lúc này chị vẫn lo sợ nếu tự tìm đường về sẽ lại bị những kẻ xấu lừa bán thêm một lần nữa. Đây cũng chính là lý do mà bằng ấy năm chị không dám nghĩ đến chuyện tìm về, dù thâm tâm luôn mong muốn.
Theo VTC