![]() |
Khuôn viên ĐH Oxford. |
Việc xếp hạng các trường đại học tại Anh được tạp chí The Times khảo sát và tiến hành dựa trên các tiêu chuẩn sau:
Mức độ hài lòng của sinh viên.
Chất lượng nghiên cứu.
Tiêu chuẩn đầu vào.
Tỷ lệ trung bình sinh viên trên mỗi giảng viên của trường.
Chi phí vào thư viện và tin học.
Chi phí phúc lợi gồm thể thao, sức khoẻ, dịch vụ về nghề nghiệp và tư vấn.
Tỷ lệ bằng danh dự.
Tỷ lệ có việc sau khi ra trường.
Tỷ lệ hoàn thành các khoá học.
Oxford lần đầu tiên khẳng định địa vị quán quân trong bảng xếp hạng của The Times năm 2002 sau 9 năm liên tiếp đứng sau Cambridge và giữ vững phong độ từ đó cho đến nay. Tuy nhiên, xét riêng từng tiêu chí, Cambridge lại dẫn đầu về tỷ lệ bằng danh dự và có điểm cao hơn Oxford về chất lượng giảng dạy, chỉ số do trường Dundee và York đứng đầu.
Cambridge thua điểm chủ yếu do mức chi phí phúc lợi, phục vụ các điều kiện cho sinh viên. Phần lớn tiền của Oxford tập trung vào đại học trung tâm, trong khi Cambridge phải chia sẻ nhiều hơn cho các trường cao đẳng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Cambridge và Oxford đã thu hẹp hơn so với năm trước.
Đứng ở vị trí thứ ba là đại học hoàng gia London. Trường này chỉ kém 6 điểm so với Cambridge vào năm ngoái nhưng năm nay, sự cách biệt đã rộng thêm tới 25 điểm. 3 trường đầu bảng này đứng cách biệt hẳn so với các trường còn lại. Tuy nhiên, tổng điểm của 3 trường vẫn thấp hơn 900.
Đối với Edinburgh, đây là năm đầu tiên đại học này lọt vào top 10. Nhảy vọt lên vị trí thứ 5, Edinburgh đã đánh bật St Andrews - nơi mà hoàng tử William đang theo học và sẽ tốt nghiệp trong tháng tới - ra khỏi vị trí trường đại học tốt nhất của Scotland. Tuy nhiên, tỷ lệ dự tuyển vào trường đại học cổ nhất của Scotland này vẫn tiếp tục tăng cao. Năm nay có khoảng 10.865 thí sinh đăng ký so với con số trung bình 6.300 thí sinh trước khi hoàng tử vào học.
Cardiff đứng đầu trong top các trường đại học xứ Wales, cách biệt khá nhiều so với Swanse, đối thủ cạnh tranh của Cardiff. Cả hai trường này đều đang phải đối mặt đối mặt với thách thức giữ vị trí do những khó khăn về tài chính khi mà quy định về học phí sẽ có hiệu lực với các đại học của Anh vào năm 2006.
Warwick giữ vững danh hiệu là trường đại học địa phương tốt nhất của Anh. Loughborough lại trượt xuống vị trí thứ 14 sau khi lọt vào top 10 năm ngoái do việc giảm tỷ lệ trung bình sinh viên trên mỗi giảng viên và tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Bristol quay lại top 10 sau 2 năm bị loại ra ngoài, một vị trí tương đương với đối thủ cạnh tranh của nó Durham. Sau một năm khó khăn bao gồm cả việc phản đối đóng cửa khoa Hoá, Exeter trượt 3 bậc xuống vị trí thứ 34. Northumbria nổi lên là đại học mới thành lập tốt nhất của Anh, đứng ở vị trí thứ 49 mặc dù tổng điểm của trường đã giảm một chút trong năm nay.
Napier là trường có tỷ lệ sinh viên không hoàn thành các khoá học cao nhất 38%, cao hơn rất nhiều mức trung bình của quốc gia 15%. Bolton, Easr London và Abertay Dundee là những trường khác có tỷ lệ sinh viên hoàn thành khoá học dưới 70%.
Thames Valley tiếp tục đứng ở vị trí cuối, do kết quả nghiên cứu thấp nhất và tổng cộng chỉ chi cho phí phúc lợi 27 bảng Anh/sinh viên. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của Thames Valley lại cao hơn gần 20 trường đại học khác.
Hiệu trưởng các trường đại học đã phản đối việc tạp chí The Times tiến hành việc đánh giá và xếp hạng các trường đại học của Anh bắt đầu từ năm 1992. Nhưng hiện nay, phần lớn các nhà quản lý giáo dục đều thừa nhận rằng những thông tin này rất có ích cho sinh viên trong việc lựa chọn một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời.
Khi mức học phí ngày càng tăng và sinh viên đứng trước các khoản nợ tương đối lớn sau khi ra trường, họ càng phải cân nhắc cẩn thận các khoá học và trường học có thể mang lại những giá trị thiết thực cho họ.
Thu Lê