Các nhà sản xuất ôtô trong nước trước nay vẫn cho rằng, cùng với việc sử dụng công nghệ, nhân công và chi phí sản xuất… thì xét về ngoại lực, yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá xe khi tung ra thị trường chính là các cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành. Do đó, khi chính sách được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế, chắc chắn giá ôtô trong nước cũng sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, những chính sách (chủ yếu về thuế) được thay đổi đều phải tuân theo lộ trình dài hạn, và tất nhiên sẽ kéo theo con đường giảm giá của ôtô trong nước không thể một trong một sớm một chiều. Dù chưa có lộ trình cụ thể, nhưng lộ trình cơ bản và những thay đổi về thuế chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ lên các nhà sản xuất.
Như vậy có nghĩa là, để giá bán lẻ ôtô trong nước đạt được mức ngang bằng với các thị trường (trước mắt) trong khu vực cũng cần ít nhất 7-12 năm theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong cam kết gia nhập WTO.
Song các chuyên gia lại cho rằng, khả năng giảm giá ôtô trong nước có thể sẽ diễn ra nhanh hơn bởi bên cạnh những tác động về thuế còn có những tác động khác từ việc rỡ bỏ một số rào cản về nhập khẩu và phân phối ôtô cũ - mới. Rõ rệt nhất chính là quyết định cho nhập khẩu ôtô cũ hồi đầu năm và sắp tới, từ năm 2009 sẽ mở hoàn toàn cánh cửa thị trường với việc các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập để phân phối ôtô.
Nhưng những tác động rõ ràng nhất đồng thời cũng chính là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy thị trường ôtô đang đi vào quỹ đạo thực chất của nó.
Ngay từ đầu năm, cú “sốc” về giá của Toyota Innova đã ít nhiều tác động đến chính sách giá của các nhà sản xuất. Mẫu xe này đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường về doanh số mà nguyên do chủ yếu là giá bán được người tiêu dùng đánh giá là hợp lý hơn cả so với các sản phẩm khác và so với chất lượng của chính nó.
Suốt một quãng thời gian kể từ đó đến hiện tại, mặc dù các nhà sản xuất chưa có những động tác thật sự đáng kể nào để giảm giá bán song qua hàng loạt các hoạt động khuyến mãi và giảm giá nhỏ giọt, thực chất giá ôtô trên thị trường đã “nhẹ” hơn những năm trước khá nhiều.
Từ tháng 9/2006, thị trường bắt đầu bước vào thời kỳ được coi là rầm rộ nhất của ngành công nghiệp ôtô nhưng doanh số bán ra của các nhà sản xuất thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam vẫn chưa có gì chuyển biến. Sự dậm chân tại chỗ này chắc chắn đã khiến các nhà sản xuất tính đến các phương án cụ thể để kích cầu. Đó là chưa kể đến việc, nếu họ không nhanh tay thì rất có thể sẽ là muộn màng nếu để các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc kịp thời gia nhập và chiếm lĩnh thị trường với những lợi thế về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Có thể nhận thấy ngay rằng, đại đa số các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhiều nhất là từ Huyndai Motor Việt Nam với các mẫu Santa Fe, Coupe hay Getz đều có được mức giá khá hợp lý mặc dù các mức thuế nhập khẩu, GTGT hay thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn chưa khác trước là bao. Yếu tố ngoại lực này đã đóng góp một phần vào những dấu hiệu giảm giá của các nhà sản xuất trong nước.
Vừa qua, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam đã tung ra thị trường mẫu xe sang trọng của mình – Camry 2007. Điểm đáng chú ý ở mẫu xe này chính là mức giá được coi là hợp lý hơn rất nhiều bởi đây là mẫu xe sang trọng hơn hẳn phiên bản trước song giá bán chỉ tương đương, thậm chí giá xe Camry 2.4G còn rẻ hơn phiên bản trước 1.000 USD. Đó là chưa kể đến việc, một đại diện của Toyota cho biết khi mua tại đại lý, khách hàng cũng có thể được giảm giá trên dưới 1.000 USD.
Trước đó, một thành viên thuộc Công ty Liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam cũng đã cho biết, ngay sau khi ra mắt, giá của mẫu xe sang trọng bậc nhất Việt Nam hiện nay là E280 phiên bản 2007 cũng đã được giảm giá bán thực tế tại các đại lý trên 1.000 USD.
Như vậy, xu hướng giảm giá là đã rõ. Người tiêu dùng cũng bắt đầu kỳ vọng vào khả năng giảm giá mạnh mẽ và thực chất hơn nữa của thị trường ôtô Việt Nam năm 2007. Tuy nhiên, mọi sự vẫn còn bỏ ngỏ.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)