Sau khi Bộ Tài chính gửi công văn cho các bộ liên quan và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lấy ý kiến về việc giảm thuế nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc xuống còn 80% từ 1/1/2007, hầu như ngay lập tức mọi salon auto lớn nhỏ từ Bắc vào Nam đều rơi vào bế tắc trong việc bán hàng trong những ngày cuối năm.
Thông tin này thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước hoàn toàn có thể điều chỉnh giá xe hơi tại Việt Nam sao cho phù hợp với thu nhập của người dân và phù hợp với lộ trình giảm thuế đã cam kết sau khi Việt Nam là thành viên của WTO, đã ký cam kết trong CEPT/AFTA và ASEAN-Trung Quốc.
Theo phương án thuế mới do Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính đang xây dựng thì kể từ 1/1/2007, thuế nhập khẩu đối với ô tô mới nguyên chiếc sẽ được giảm từ mức 90% xuống còn 80%.
Ngoài ra, đối với mặt hàng ô tô cũ, Bộ Tài chính cũng đang xem xét giảm thuế đối với loại xe từ 2.0 đến 3.0, đồng thời nâng thuế tuyệt đối với dòng xe từ 4.0 trở lên. Theo cam kết khi gia nhập WTO, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô chở người là 100%. Bộ Tài chính cho rằng mặt hàng ô tô chở người đang có mức thuế bảo hộ 90%, phù hợp với cam kết trên, nhưng hiện nay giá xe trong nước vẫn ở mức cao.
Năm thứ 2 liên tiếp khủng hoảng
Đây là năm thứ 2 liên tiếp thị trường ô tô của các liên doanh cuối năm rơi vào khủng hoảng. Nó không giống như các quy luật mà các liên doanh đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm.
Theo giới phân tích, có 3 lý do chính: một, do khách hàng cả nước đã hiểu rất rõ về chất lượng xe ô tô lắp ráp trong nước không thể so với xe ô tô nhập khẩu, do vậy họ vẫn đang muốn chờ một làn sóng mới đến từ các nước châu Âu, Mỹ. Họ sẵn sàng chấp mua xe nhập khẩu cũ hơn, đi nhiều km hơn nếu đem so 2 xe ô tô cùng model, cùng giá tiền.
Hai, giới thạo thông tin về thị trường này ai cũng hiểu từ nay đến tháng 2/2007, chậm nhất là tháng 6/2007, sẽ có một đợt giảm giá nữa do Bộ Tài chính điều chỉnh, biên độ giảm giá ô tô nhập khẩu do Bộ Tài chính có thể tự quyết định trong hành lang cho phép.
Ba, bản thân các liên doanh ô tô trong nước không chịu tái đầu tư để đưa các mẫu xe mới về lắp ráp (trừ 2 mẫu Camry 2007 của Toyota Việt Nam và Mercedes-Benz E280-2007). Người tiêu dùng cho dù không muốn quay lưng với xe sản xuất trong nước thì cũng không thể có lựa chọn nào khả dĩ hơn.
Tình trạng cuối năm 2006 của VAMA giống như một phiên chợ chiều với hàng hoá rất lèo tèo, người bán thì cố gắng mời chào, khuyến mãi để bán nốt, bán bằng được những gì mình đang có mà quên mất cái khách hàng đang cần là gì.
Năm nay người ta chỉ nhìn thấy điểm sáng nổi bật ở VAMA đó là những bản hợp đồng lớn hàng trăm xe của một số liên doanh với các hãng vận tải và taxi. Xe bán sỉ được nhiều không phải vì mẫu mã mới hơn mà vì yếu tố giá cả đã được một số liên doanh chú ý hơn trước. Cụ thể là chiếc Mitshubishi Jolie 2.0 chẳng có gì mới mẻ nhưng được giao bán lẻ trên toàn hệ thống chỉ hơn 18.000 USD mà thôi. Điều đột biến này ngay lập tức có tác dụng khi Mitshubishi Jolie được đưa vào danh sách “best-seller” của VAMA.
Tiếp theo danh sách giảm giá theo hình thức trực tiếp bằng tiền mặt hoặc gián tiếp bằng các tặng phẩm còn có Mitshubishi Lancer Gala, Grandis, Ford hỗ trợ lãi suất khi mua trả góp với lãi suất 0,7%/tháng, Mercedes-Benz với C180 K.
Đúng là trong thời điểm này, vấn đề hạ giá bán xe được xem như liều thuốc duy nhất để kích thích tăng trưởng của làng xe ô tô Việt Nam. Như một quan chức của Bộ Tài chính đã phát biểu: “Mẫu mã không tăng buộc các hãng xe phải giảm giá, đó là quy luật tỷ lệ tương ứng, là sự lựa chọn duy nhất để tồn tại trong thời điểm này”.
Bao giờ cho đến... 2003
Điều đó nghe tưởng chừng như vô lý, nhưng đó chính là niềm mong mỏi của tất cả các liên doanh ô tô thuộc VAMA cũng như khách hàng trong nước. “Ăn cơm mới nói chuyện cũ”, nhưng với sức ỳ của toàn bộ thị trường trong nước như hiện nay thì người ta lại muốn nhớ lại thời kỳ đỉnh cao của VAMA cách đây hơn 3 năm.
Sức tăng trưởng theo cấp số nhân của 11 liên doanh ô tô thời gian đó được coi là phi mã khiến người bán xe không có khái niệm gì về khuyến mãi, hay hỗ trợ khách hàng như hiện nay. Nhưng nay gió đã đổi chiều, giờ đây khách hàng lại là người được quyền đòi hỏi, phán xét chất lượng của những sản phẩm ô tô trong nước được bày bán trong các salon ô tô, được quyền làm “thượng đế” khi có nhu cầu mua xe ô tô.
Đã là thị trường thì việc đó cũng là bình thường, nhưng làm thế nào đây để phá tan tảng băng ngăn cách người tiêu dùng và các hãng xe ô tô?
Người đời vẫn có câu: “Ông có thò chân giò, bà mới thò chai rượu”, vì vậy để đạt tới sự phát triển như năm 2003 thì còn phụ thuộc rất nhiều các yếu tố nhưng các liên doanh ô tô cần phải có những chiến lược và chính sách cụ thể để quyết liệt giành khách hàng về phía mình.
Và có lẽ hơn bao giờ hết, việc hạ giá bán ra của các mẫu xe đang có trên thị trường (tất nhiên mỗi hãng đều có cách làm riêng của mình) sẽ là cách làm hiệu quả nhất, được lòng khách hàng nhất trong thời điểm hiện tại.
Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp, phần lớn các liên doanh làm ăn không hiệu quả. Không hiệu quả vì lý do gì chắc các liên doanh cũng đã hiểu và thấm thía. Vậy, có lẽ đây là dịp tốt nhất, hợp lý nhất để VAMA lấy lại “điểm” với khách hàng, lấy lại thời kỳ “thăng hoa” như năm 2003.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)