Chị Tâm kể với VnExpress, người giúp việc cũ của chị là một cô gái 17 tuổi, mới ở Bến Tre lên thành phố. Trước khi thuê cô, chị đã thỏa thuận mỗi tháng trả 500.000 đồng và sẽ lo cơm, chỗ ở, mỗi năm "bao" thêm 2 bộ quần áo. Tháng đầu tiên chị phải hướng dẫn mọi việc cho cô, từ cách nấu ăn thế nào cho hợp khẩu vị người nhà đến cách hằng ngày chăm em bé ra sao... Nhưng vừa thạo việc, cô ta đã nghe bạn bè xúi bẩy, nằng nặc đòi tăng lương lên 700.000 đồng mỗi tháng. Chị Tâm không đồng ý, cô liền nghỉ việc và xin vào làm công nhân ở một công ty may tại quận Tân Bình.
Chị Tâm đã đến một số trung tâm giới thiệu việc làm ở đường Hồ Hảo Hớn, quận 1, đường Điện Biên Phủ, quận 3 và đường 3/2, quận 11, nhưng các trung tâm đều chưa có người để giới thiệu ngay. "Người giúp việc sẽ thay thế mình làm mọi việc gia đình, sẽ đóng vai trò chính săn sóc nhà cửa, con cái nên phải chọn kỹ. Tôi đã nhờ bạn bè, bà con tìm giúp nhưng chưa được" - chị kể. Chị Tâm nói thích thuê người gốc miền Bắc, miền Trung vì họ chịu khó, ít đòi hỏi quyền lợi. Song tìm người giúp việc bây giờ khó hơn 1 năm trước nhiều. Bí quá chị mới cậy nhờ các trung tâm. Nhưng hầu hết trung tâm đang thiếu nguồn cung cấp cho công việc này.
Bà Trần Thị Túc, Giám đốc Trung tâm Raisy, đường Điện Biên Phủ, quận 3, cho biết: "Một, hai năm về trước, người giúp việc nhà chiếm 15-20% lao động mà chúng tôi giới thiệu cho khách hàng. Nhu cầu về lao động này ở thành phố hiện vẫn cao, mỗi ngày trung tâm có 2-3 khách đặt hàng, nhưng chúng tôi không đủ người để đáp ứng".
Thông thường, người làm oshin là lao động nữ phổ thông ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây, họ tự tìm đến các trung tâm. Khó có thống kê chính xác nhưng hiện nay, lao động nữ phổ thông các tỉnh đổ vào thành phố vẫn nhiều và yêu cầu của họ đã khác. Nếu làm osin thì họ đòi lương khá cao. Chưa có kinh nghiệm, chưa qua đào tạo song các oshin có thể yêu cầu lương khởi điểm 500.000-600.000 đồng/tháng, ăn uống chủ nhà phải lo hết. (trước đây, họ chỉ yêu cầu khoảng 400.000 đồng/tháng).
Hoàng Thị Hà, 21 tuổi, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá, từng làm osin và hiện bán hoa quả rong, tâm sự: "Con gái như em, không có điều kiện học hành, không có tiền, ban đầu cũng nghĩ chỉ đi ở cho người ta thôi. Nhưng vào đây thấy nhiều việc mình có thể làm được, dễ kiếm tiền hơn ngoài quê. Em làm oshin cho một gia đình ở quận 3, vừa trông em bé, vừa lo việc nhà cho người ta, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ, mà lương lậu không đáng kể. Gần 2 năm em để ra chưa tới 3 triệu, thấy mấy đứa bạn bán hoa quả vừa tự do, thu nhập cũng khá nên đi theo".
Bà Túc nói thêm, bây giờ, xu hướng người làm nghề này muốn đi xuất khẩu lao động hơn vì trong khoảng 2 năm, trừ mọi chi phí, họ cũng tiết kiệm được vài chục triệu đồng, gấp 10 lần làm ở Việt Nam. Hiện không ít trung tâm cho người lao động vay tiền trước để sang nước ngoài làm việc và nhiều người đã đi làm oshin ở các nước theo hình thức này.
Theo dự báo của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm ở TP HCM, nhu cầu oshin sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng cao và yêu cầu mức lương có thể cũng cao hơn hiện nay.