Ông Khính có 4 người con (hai trai, hai gái) và 7 cháu. Hàng năm, cứ đến dịp hè, vợ chồng ông lại háo hức đón các cháu từ Hà Nội và thành phố Thái Bình về chơi.
Năm nay, trước khi đón các cháu, ông đã dành nhiều ngày suy nghĩ "làm sao để lũ trẻ có một mùa hè vui, khỏe, có ích". Cuối cùng, ông quyết định viết ra một bảng quy định rõ ràng, mạch lạc, "đầy quyết tâm" treo ngay giữa sân. Ông ghi rõ các cháu chỉ được dùng điện thoại trong ba khung giờ cố định: sáng 9h30 - 10h30, chiều 15h - 16h30, tối 20h - 21h30.

Nội quy được ông Khính viết tay, có chữ ký của các cháu. Ảnh: NVCC
Ngoài thời gian này, mỗi cháu đều được chia việc: vệ sinh cá nhân, quét nhà, gấp quần áo, dọn mâm cơm, ăn uống giữ trật tự, đến giờ là đi ngủ, không để ông bà phải gọi, nhắc. "Các cháu tham gia quét dọn, nhà, sân và làm vệ sinh cá nhân. Anh, em không được mất đoàn kết, ít nói chuyện trong bữa ăn, ăn no đủ tiêu chuẩn. Trước khi ăn các cháu lấy ghế và lấy bia rượu... Các cháu không chấp hành nghiêm thì bị nhắc nhở hoặc gửi về bố mẹ", ông viết.
Mỗi ngày, một cháu được phân công làm tổ trưởng, phụ trách ghi chép hoạt động của các thành viên: ai làm tốt, ai vi phạm nội quy. Cuối ngày, tổ trưởng bàn giao lại cho ông bà, rồi chuyển vai trò cho người khác vào hôm sau.
Trong bảng nội quy, chi tiết "các cháu lấy bia rượu" khiến nhiều người đọc bật cười. Thực tế, đây là phần ông Khính cố tình thêm vào để tạo không khí vui vẻ, bớt cứng nhắc, khiến các cháu cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện.
Ông giải thích từng mục, hỏi ý kiến từng cháu và nhấn mạnh đây là thỏa thuận, không phải ép buộc. "Tôi bảo với các cháu nếu thấy hợp lý thì ký tên vào, để mình cùng thực hiện", ông Khính cho biết.

Ông Khính và 4 cháu. Ảnh: NVCC
Ông nội Thái Bình kể, ba ngày đầu áp dụng bản nội quy, kết quả vượt mong đợi. Ngày đầu, vẫn có vài tiếng than vãn, vài ánh mắt liếc đồng hồ chờ đến giờ "xem điện thoại". Nhưng đến hiện tại, mọi thứ đi vào nề nếp. "Tụi nhỏ nhìn nhau mà làm. Đứa chưa quen thì học theo đứa làm trước. Đến giờ là tự giác đi cất điện thoại, xuống nhà giúp bà, tối đến là đi ngủ đúng giờ. Không cần ai nhắc", ông nói.
Nội quy viết tay của ông Khính sau đó được cháu ngoại là Phạm Bùi Ngọc Anh (21 tuổi) đăng lên mạng xã hội. Ngọc Anh cho biết, cô cảm thấy vui và tự hào về cách ông trông các em trong kỳ nghỉ hè nên muốn chia sẻ, không ngờ lại nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận. Nhiều người bày tỏ sự thích thú: "Khối nghỉ hưu ra quy định cho khối nghỉ hè, quá xuất sắc"; "Kỷ luật mà vẫn đáng yêu, thế này ông cháu lại thêm gắn bó"; "Ước gì hè nào con mình cũng có ông nội như thế!"
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thị Oanh, Viện Tâm lý Giáo dục Braincare, bảng quy định của ông Khính là minh chứng rõ ràng cho việc nuôi dạy trẻ bằng tình cảm, nguyên tắc. "Quan trọng là ông không áp đặt. Ông có buổi nói chuyện trước, có sự giải thích, lắng nghe và hướng dẫn. Đó chính là cách tốt nhất để trẻ hiểu và tự nguyện thực hiện", bà Oanh cho biết.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thị Oanh, Viện Tâm lý Giáo dục Braincare. Ảnh: NVCC
Chuyên gia nhấn mạnh không nên đợi đến khi gửi con về quê mới bắt đầu xây dựng nề nếp. Việc giáo dục cần bắt đầu từ môi trường sống hàng ngày trong gia đình. Nếu ở nhà, bố mẹ không rèn cho con nếp sinh hoạt lành mạnh, thì ông bà với tuổi tác cao, sức khỏe có hạn rất khó làm được điều đó. "Trước khi gửi con về quê, bố mẹ cần nói chuyện rõ với con, giới thiệu trước về ông bà, về thói quen ở quê và cả những nguyên tắc cần thực hiện. Ông bà không phải người giữ trẻ mà là người hỗ trợ duy trì nề nếp cho các cháu", bà Oanh nói thêm.
Chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo rằng, nếu không có sự quản lý hợp lý, kỳ nghỉ hè có thể trở thành khoảng thời gian "trôi tuột" trong thiết bị điện tử. Việc trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá nhiều có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, khó quay lại nhịp học tập sau hè. Về lâu dài, trẻ dễ lệ thuộc vào thiết bị, thiếu kỹ năng tương tác xã hội và cảm xúc.
"Nhiều trẻ sau hè trở nên bướng bỉnh, chống đối, thậm chí cáu kỉnh, đơn giản vì các em đã quen với việc được tự do tuyệt đối khi ở với thiết bị điện tử. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà còn khiến bố mẹ gặp khó khăn khi muốn thiết lập lại nề nếp học tập", bà nói thêm.
Phạm Linh