
Ông Hùng cùng chiếc xe 67 quen thuộc.
Người đàn ông cao 1,6m, dáng người nhỏ gầy, mái tóc dài bạc trắng được buộc gọn phía sau, cẩn thận dừng xe, đỡ vợ xuống. Ông xếp gọn "con ngựa chiến" Honda 67 lên vỉa hè, thong thả bước vào quán cà phê của gia đình trên phố Bà Triệu. Ông là Trần Lê Hùng, 66 tuổi, kỹ sư nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo về hưu, từng cùng con xe 500 phân khối đi qua 39 quốc gia.
Biết có nhóm người yêu mến đến chơi, ông niềm nở giới thiệu người phụ nữ đi cùng "đây là vợ tớ". Ngồi cạnh vợ kể về chuyến phượt để đời của mình, ông Hùng không khỏi hồi hộp, thi thoảng đưa tay sang nắm lấy bàn tay vợ, như một cách nói lời cảm ơn bà. Nán lại một lúc, vợ ông xin phép đi có việc, để chồng thỏa sức nói về đam mê của cuộc đời.
Tìm đến quán cà phê nhà ông Hùng sau khi nghe câu chuyện về chuyến đi của phượt thủ già, Quang Minh (21 tuổi, ở quận Thanh Xuân) vui khi gặp được thần tượng.
"Tôi cũng yêu thích đi phượt, đã đi được nhiều cung ở Việt Nam, nhưng chưa dám thử sức với cung đường quốc tế. Biết được câu chuyện của bác, tôi mê lắm, cũng muốn một lần được như bác Hùng, đi qua biên giới Việt Nam để ngắm nhìn thế giới", Minh chia sẻ.
Ông Hùng vốn có "máu" phượt từ thời trẻ, từng gắn bó với con xe 67 (Honda 67) từ năm 1976, đã nếm trải mọi cung đường ở Việt Nam, từ cực Bắc vào tận cực Nam. Cùng "con ngựa chiến" cũ kỹ ấy, ông có chuyến đi đầu tiên qua biên giới Việt Nam - Lào. Ngày trẻ, vợ chồng ông Hùng thi thoảng phượt cùng nhau lên Hà Giang, Lào Cai, Ba Vì trên xe 67. Giờ ông chở vợ đi loanh quanh những điểm gần Hà Nội.
Trong một lần nhìn ngắm những bức ảnh của Trần Đặng Đăng Khoa - chàng phượt thủ đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, người đàn ông 66 tuổi nuôi ước muốn một lần được như thế.
"Tôi nghĩ, nếu một ngày nào đó, chiếc 67 của mình được đỗ tại những địa điểm này thì sướng biết bao nhiêu", ông Hùng nói.
Ông quyết định tìm kiếm người chung giấc mơ chinh phục những vùng đất mới. Ông tìm đến một đơn vị chuyên dẫn tour nước ngoài. Một năm dài với nhiều lần lỡ hẹn, ông Hùng được giới thiệu chuyến đi 6 tháng bằng xe máy qua hai châu lục.
"Tôi đắn đo thật sự, nhưng khi xem địa điểm, thấy sẽ đi qua nước Nga, tôi liều đi ngay", ông Hùng kể, nhắc đi nhắc lại việc mình liều mới đi được và "về đến nhà mới thấy sợ".

Ông Hùng thực hiện chuyến đi với mong muốn được trở về thăm trường cũ sau 44 năm. Ảnh: NVCC.
Năm 19-20 tuổi, Trần Lê Hùng thuộc lứa lưu học sinh đầu tiên được cử sang Liên Xô du học, chuyên ngành tự động hóa. Nước Nga, nói rộng hơn là Liên Xô, là tuổi trẻ của ông, là quê hương thứ hai với bao mộng mơ, hoài bão.
Theo ông Hùng, một trong những cảm hứng để ông quyết định dấn thân cho hành trình 45.000 km bằng xe máy, chính là khoảnh khắc được quay về thăm trường cũ ở Georgia sau 44 năm. Ông từng sang Nga hai lần, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được nguyện ước này.
Để chuẩn bị cho hành trình được dự đoán sẽ xuyên qua châu Á và châu Âu, ông Hùng mua một xe 500 phân khối nặng 200 kg. Đây là loại xe dành cho người 1,7-1,8 m, không phù hợp với những người nhỏ con như ông.
Để có thể sử dụng, ông độ lại xe, hạ độ cao, thay ghi-đông, lắp thêm hộp để đồ, mua sắm đồ bảo hộ... rồi mang sang trung tâm dạy lái xe tập luyện mỗi ngày. Nửa năm chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài tập xe, ông Hùng tích cực tập thể dục.
"Tôi đi bơi, dù lạnh 10 độ hay dưới 10 độ, tôi vẫn trầm mình ở hồ bơi Quảng Bá hoặc sông Hồng. Những lúc rảnh rỗi, tôi vừa đá bóng, vừa tập võ để có sức khỏe tốt nhất", ông Hùng chia sẻ.
Ngày 1/7/2019, đêm trước ngày khởi hành, ông Hùng lén soạn di chúc rồi giấu người thân gửi luật sư, đề phòng bất trắc trong chuyến đi.
"Đối với người đang còn khỏe mạnh như tôi, viết di chúc để lại cho vợ con trước một chuyến đi quả khó khăn hơn gấp trăm lần những cung đường tôi trải qua trong 6 tháng trời", ông Hùng tâm sự.
Ngày 2/7/2019, ông Hùng tạm biệt người thân, bắt đầu hành trình cùng những người bạn. Ông không nói với các con là đi 6 tháng, do bản thân cũng không xác định được ngày về. Ông chỉ nói với mình vợ bởi bà từng cùng ông trải qua nhiều cung đường nên tin tưởng và ủng hộ chồng.

Ông Hùng tại lâu đài Neuschwanstein ở Schwangau, Đức. Ảnh: NVCC.
Nhờ con chở đến điểm tập kết cùng đoàn, ông Hùng bắt đầu hành trình. Đoàn của ông gồm bốn người trong đó có hai hướng dẫn viên và hai khách. Ngày đầu tiên trên cung đường tại Lào, trên con xe nặng 200 kg, ông Hùng đi được 50 m thì gặp đoạn đường hiểm trở. Ông buộc phải đâm vào cột mốc bên đường để tránh lao xuống vực. Chiếc xe gãy gập cổ nằm sát mép vực, còn ông Hùng văng ra vệ cỏ ven đường.
"Lúc ấy thật sự hoảng loạn, mọi người hỏi tôi có đi được nữa không, sau một hồi trấn tĩnh, thấy mình sống, tôi càng quyết tâm đi bằng được", ông Hùng nói.
Dẫn đoàn liên hệ để sửa xe, chiếc xe gãy cổ, phải cho người từ Thái Lan tháo phần đầu từ một chiếc xe khác, bắt máy bay mang qua biên giới Lào để thay thế. Xe sửa xong, ông đuổi theo đoàn, hướng tới biên giới Trung Quốc. Chuyến đi đã được sắp xếp trước, từ thời gian, quãng đường nên ông Hùng không có thời gian để nghỉ ngơi.
Bình thường, nhóm biker chỉ di chuyển 500 - 600 km/ngày. Vì gặp nạn, để kịp ra ngoài biên giới Tân Cương (Trung Quốc), ông Hùng đã phải đi liên tục 1.000 km, dưới tiết trời nắng nóng 40 độ C.
"Nhưng chặng đó chưa sợ bằng những ngày phải chạy hơn 600 km trong trời lạnh âm 16 độ C khủng khiếp. Bao nhiêu lớp đồ bảo hộ tôi mặc cũng không ăn thua; tay, chân, mặt mũi lạnh đến cứng lại, nước uống trong chai đông đá không tan ra được một giọt", ông Hùng hồi tưởng.
Trên con đường chinh phục đèo Tossor cao gần 4.000 m ở Kyrgyzstan, trời tối đen như mực, lạnh tê tái, cả đoàn gần như kiệt sức. Biker 66 tuổi phải nằm lại trên đèo cùng người bạn dẫn tour, giữa xung quanh tuyết phủ, để chờ gọi cứu trợ.
"Nếu đi tiếp có thể tôi sẽ ngã xuống vực mà chết", phượt thủ già nói.
Không có chăn, ông Hùng mặc hết quần áo lên người, rồi nằm chờ, cả đêm thao thức không thể ngủ, chỉ ngóng tiếng ôtô vào sáng hôm sau.
"Đồ đạc không thể mang nhiều, mỗi thứ mang theo đều được tính toán cẩn thận, thậm chí vừa đi vừa vứt bớt. Nếu các thùng để đồ trên xe chênh lệch về cân nặng sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn", ông Hùng giải thích.
Dù gặp nhiều khó khăn, sốt, số lần ngã xe văng máu không đếm xuể, người đàn ông Hà Nội chưa một lần có ý định từ bỏ chuyến đi. Nhưng do tuổi cao, nhiều cung đường không bám theo được, ông Hùng phải nhờ mọi người đi chậm để theo kịp.
Vừa kể chuyện, ông Hùng vừa quan sát người đối diện rồi xin phép dừng lại vài giây vì "tuổi già không nhớ được hết". Không khoe về chuyến đi, về những nơi mình đến, về số tiền bỏ ra cho hành trình 6 tháng, ông Hùng chỉ nhắc đến những khó khăn gặp phải, những cảnh đẹp được chiêm ngưỡng. Sau một ngày rong ruổi, ông thường facetime cùng gia đình ở Việt Nam để người thân yên tâm.

Những cung đường không chỉ đẹp mà còn nhiều nguy hiểm mà ông Hùng cùng những người bạn đã đi qua. Ảnh: NVCC.
Ngày đặt chân đến nước Nga, đến Georgia, sau hơn bốn thập kỷ, ông Hùng xúc động khi vẫn nhận ra con đường xưa. Đỗ xe trước cổng, ông chậm rãi bước lên bậc tam cấp của trường. Bao ký ức, hình ảnh bạn bè như thước phim quay chậm dần hiện rõ trong đầu ông. Ông Hùng nhặt một quả thông dưới hàng cây ngày trước vẫn thường ngồi mang về Việt Nam làm kỷ niệm.
Người ông muốn gặp nhất là cô giáo đầu tiên dạy tiếng Nga, nhưng cô đã qua đời cách đây 3 năm. Nghe tin, nước mắt ông cứ thế chảy dài.
6 tháng ngồi trên xe máy, hộ chiếu đóng kín mặt, chiếc lốp xe mòn dần vì những đường cua, chiều 19/12/2019, ông Hùng đỗ xe trước cửa nhà ở Việt Nam. Bỏ lại đằng sau 45.000 km, 2.000 lít xăng, với những lần "trốn thoát" khỏi tay tử thần, ông ôm vợ vào lòng rồi thở phào nhẹ nhõm.
"Tôi phải được trời phật phù hộ lắm mới hoàn thành được chuyến đi này", ông Hùng nở nụ cười mãn nguyện.