Cơ quan Điều tra (CQĐT), Bộ Công an và các cơ quan báo chí đã nhận được đơn thư tố giác của nhiều công dân và của ngay cán bộ, công nhân viên PMU 18 tố giác về những hành vi sai phạm của "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng và những người bao che cho sai phạm của đường dây tham nhũng này.
Dư luận đang đặc biệt chú ý đến 2 bữa ăn bị nghi vấn chạy án cho Bùi Tiến Dũng. Bữa ăn thứ nhất do Nguyễn Văn Tùng (em ruột ông Lâm) và bị can Nguyễn Mậu Thôn tổ chức tại nhà hàng Phố Núi (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), với sự có mặt của ông Nguyễn Duy Hồng, Vụ trưởng Vụ 1A, Viện KSND tối cao.
Bữa ăn trưa "tai tiếng" thứ hai diễn ra tại KS Melia do Dũng "Huế" tổ chức. Việc hai anh em ông Tùng - Lâm có mặt ở 2 bữa ăn này khiến dư luận hoài nghi về việc đường dây chạy án đã "nhắm" tới họ và thực tế, sau đó cả hai anh em ông Lâm đã phải giải trình với các cơ quan chức năng.
Tướng Cao Ngọc Oánh rút khỏi danh sách đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần X. Chiều 12/4, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh cho biết, ông đã chính thức gửi đơn đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương cho phép ông tự nguyện rút khỏi danh sách đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh vẫn khẳng định bản thân mình không có gì sai phạm liên quan đến đường dây chạy án của Bùi Tiến Dũng và tự nhận thấy mình vẫn đủ tư cách đi dự Đại hội Đảng, nhưng để việc điều tra vụ án tiêu cực tại PMU 18 đỡ phức tạp... và bảo đảm cho Đại hội Đảng thành công tốt đẹp, nên ông đã xin rút khỏi danh sách đi dự Đại hội. |
Gia đình ông Lâm có nhiều người thân có mối quan hệ đặc biệt với Bùi Tiến Dũng, như: Nguyễn Việt Bắc (anh ruột vợ ông Lâm) là Phó TGĐ Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (đã bị khởi tố cùng Bùi Tiến Dũng); Nguyễn Việt Nam (em ruột vợ ông Lâm), thành viên HĐQT Công ty Hoa Việt (của bị can Nguyễn Mậu Thôn đã bị bắt giữ), vốn là doanh nghiệp "sân sau" của PMU 18; Nguyễn Văn Tùng (em ruột ông Lâm), cán bộ Ban Tổ chức TW, đã bị CQĐT triệu tập vì những nghi vấn liên quan đến việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng. Có nguồn tin cho biết, hành vi tham nhũng, chơi bạc và lộng quyền của Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 từng bị tố cáo lên VPCP những năm trước đây nhưng không được xem xét xử lý trong khi thời kỳ đó ông Lâm là Vụ trưởng Vụ chống tham nhũng của VPCP.
Sau khi ông Lâm nhậm chức Phó chủ nhiệm VPCP được một vài năm, ngày 11/4/2003 đã xảy ra một vụ tai tiếng khi ông vô tình bỏ quên chiếc cặp số (đựng một số tiền lớn) tại sân bay Nội Bài sau chuyến công tác các tỉnh phía Nam về Hà Nội. Khi hành khách lấy hành lý ra về, các nhân viên sân bay phát hiện một chiếc cặp số bị bỏ quên.
Vào hồi 19h30 ngày 11/4/2003, Trung tâm an ninh hàng không, thuộc Cụm cảng hàng không miền Bắc đã lập biên bản kiểm tra hành lý vô chủ đối với chiếc cặp này. Biên bản kiểm tra được lập với sự có mặt của các ông: Nguyễn Văn Cường, trực ban Trung tâm; Trần Mạnh Đoàn, Đội phó Đội cơ động; Phạm Quang Lịch, Tổ trưởng Tổ khẩn nguy; Phạm Quang Diệu, nhân viên Tổ khẩn nguy; Nguyễn Viết Thoảng ở Phòng Cảng vụ sân bay quốc tế Nội Bài và bà Nguyễn Thị Thúy, Trung tâm khai thác nhà ga. Đây là một chiếc cặp số màu đen hiệu Echolac, kích thước 40x50x10 cm, không khóa, có đeo thẻ VIP màu đỏ của Vietnam Airlines.
Khi tổ kiểm tra mở chiếc cặp trên, thấy bên trong có 2 bộ quần áo sơ mi đàn ông, 1 bộ nạp điện thoại Nokia, 1 cuốn sổ màu đỏ và 10 chiếc phong bì đựng tiền (5 phong bì đựng tiền USD, 5 phong bì đựng tiền VN). Trong đó, 1 phong bì có địa chỉ "Tổng công ty Sông Đà, Ban Quản lý dự án thủy điện Sê San 3 A", trong có 5 triệu đồng; 1 phong bì có địa chỉ "Tổng công ty tư vấn thiết kế VTVT, Công ty tư vấn XD đường thủy", trong có 1 triệu đồng; 1 phong bì có địa chỉ UBND tỉnh Phú Yên, trong có 2 triệu đồng; 1 phong bì có địa chỉ UBND tỉnh Bình Định, trong có 2 triệu đồng. Tổng cộng số tiền trong các phong bì là 10.300 USD và 20 triệu đồng. Ngoài ra, trong cặp còn có 1,7 triệu đồng. Sau sự việc chiếc cặp số VIP bị bỏ quên được xử lý theo quy chế hành lý vô chủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có cuộc làm việc với với lãnh đạo Cụm cảng hàng không Nội Bài vì chủ sở hữu chiếc cặp là ông Lâm, Phó chủ nhiệm VPCP là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Bí thư.
Khi giải trình về việc này, ông Lâm thừa nhận: số tiền đựng trong 4 phong bì có địa chỉ (tổng số 10 triệu đồng) là của các đơn vị biếu chung cho đoàn công tác, mà ông là người thay mặt đoàn đứng ra nhận. Còn 6 phong bì không có địa chỉ (tổng số tiền là 10.300 USD và 10 triệu đồng) thì ông Lâm "giải thích" là tiền của anh em bạn bè trong Nam nhờ ông mua "sừng tê giác" và một số thứ khác.
Không hiểu lời giải trình của ông Lâm có được các cơ quan chức năng "cảm thông" hay không, nhưng dư luận vẫn râm ran suốt 3 năm nay cho rằng những điều mà ông Lâm giải thích nói trên là rất khó chấp nhận và có nhiều ý kiến cho rằng cách "bảo vệ" cán bộ (như trong trường hợp này) sẽ tạo tiền lệ xấu.
Tại Trại tạm giam T16 của Bộ Công an, Bùi Tiến Dũng và một số bị can vừa khai ra một đối tượng đã cầm 20.000 USD tiền chạy án để lo lót cho "con bạc triệu đô" trong vụ án này. |
(Theo Thanh Niên)