Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải. |
Đặt chân xuống Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), anh thấy mọi người đang tụ tập lại, vẻ mặt căng thẳng. Một bé gái vừa mới sinh ra, nhưng mẹ cháu đã chết. Hải loáng thoáng nghe mọi người xầm xì với nhau là phải giết con bé đi, vì nó là con ma đã hại mẹ chết, “con ma” phải đi theo mẹ nó, nếu không cả nóc này sẽ bị họa lớn.
Thấy nguy, Hải cố nói to cho bà con hiểu: “Mẹ cháu không được chăm sóc y tế nên khi sinh bị băng huyết và chết do mất máu quá nhiều. Cháu bé chẳng tội tình gì, lại quá đáng thương, từ đây không mẹ, ai sẽ nuôi nấng. Bà con nên thương cháu”.
Dân làng không chịu, quyết phải giết cháu và người ra tay làm việc đó là bà ngoại của cháu. Bà bỏ cháu xuống giữa hai kheo chân, chuẩn bị kẹp cho cháu ngạt thở.
Hải sửng sốt và không hiểu một sức mạnh từ đâu đó, bất chấp luật tục của dân làng, anh lao vào giật đứa bé ra. Anh nói: “Xin bà con cho tôi đứa trẻ này, tôi sẽ nuôi dưỡng cháu”.
Ôm đứa trẻ còn đỏ hỏn trên tay, anh giật mình ngơ ngác. Chưa đến 30 tuổi đầu, chưa vợ con, bồng con nít đã lóng ngóng chân tay chứ nói gì đến chuyện nuôi nấng. Làm sao bây giờ?
Đứa trẻ khát sữa khóc ré lên. Khó bó khôn, rốt cuộc anh đã nghĩ cách chế ra được bình sữa trẻ em tự tạo bằng gỗ, mở lon sữa bò và chế sữa vào đó. Có sữa, lại được ủ ấm bằng mấy chiếc áo của anh, đứa trẻ bú no, ngủ yên.
Mưa lớn, lũ rừng kéo dài gần mười ngày giam chân Hải lại nơi đây. Được uống sữa, sưởi ấm và ôm ấp, bé gái như quen dần gương mặt của người thanh niên mà từ giờ phút oan nghiệt chiều đó, vô tình giữa họ đã ràng buộc với nhau bằng cái tình thiêng liêng nhất trên đời: Cha-con.
Hải cũng quen dần với cảnh “gà trống nuôi con”. Ngày 24/1, ngớt mưa, Hải ôm đứa con trên tay, băng rừng, lội suối đi bộ 2 ngày ròng rã về đến nhà mình ở thị trấn Trà My. Đặt chân vào nhà, mọi người, nhất là mẹ anh, ngỡ ngàng.
Anh kể hết cho mẹ nghe. Nghe xong, bà bật khóc. Hải hiểu rằng, anh đã quyết định đúng. Từ đây, bé gái ở lại với bà nội, sáng tối có cháu có bà. Con bé bây giờ đang học mẫu giáo...
Câu chuyện trên được Hải từ Trà Leng mang về kể lại tại đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam. Cả hội trường xúc động. Tình người sâu nặng của Hải xuất phát từ tấm lòng một thầy thuốc, nhưng có lẽ nó có căn cơ sâu hơn khi anh sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất cơ cực nhọc nhằn, nhà đông con, lam lũ bốn mùa, mà ở đó cái níu kéo cần kíp giữa người với người là tình yêu thương.
Học Trung cấp Y tế, ra trường năm 1992, Hải về Trà My, xung ngay vào đội quân y tế cho các xã khó khăn. Hải về Trà Leng xa xôi, dân cư thưa thớt, nghèo nàn, nặng nề hủ tục. Mấy năm trời lăn lộn ở đó, cùng với anh em, Hải đã góp phần thiết lập mạng lưới y tế thôn bản, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, vĩnh viễn đẩy “con ma” oan nghiệt như số phận con gái anh ra khỏi đầu óc dân bản.
Nói về con với PV Tiền Phong, Hải chỉ mong mai này cháu lớn khôn, học tập tốt hơn, để rồi quay về giúp dân làng mình xoá bỏ những hủ tục lâu đời đã in hằn trong tiềm thức họ.