Trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy tại TAND Tối cao, luật sư Sơn được mời bảo vệ cho một bị cáo và có đơn xin vắng mặt. Luật sư gửi tòa bản bào chữa khá chi tiết theo hướng chứng minh thân chủ của mình vô tội. Rủi thay khi thẩm vấn tại tòa, bị cáo khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy sau khi thư ký tòa công bố lời bào chữa của luật sư, chủ tọa hỏi có đồng ý với quan điểm đó không thì bị cáo trả lời "không đồng ý".
Năm 2003, tòa một tòa án tỉnh xét xử vụ án ma túy đã xảy ra chuyện "cười ra nước mắt" khi luật sư không đến tranh tụng mà gửi lời bào chữa. Trong đó, luật sư xin "HĐXX xem xét bị cáo có tội, nhưng nhân thân tốt, hoàn cảnh gia đình... nên cho được hưởng án treo". Kết quả, bị cáo được tuyên vô tội. Điều này hơn cả mong đợi của luật sư.
Có ý kiến cho rằng, luật sư không có mặt tại phiên tòa, không trực tiếp thẩm vấn, tranh tụng mà lại đưa ra quan điểm bảo vệ của mình khi chỉ căn cứ theo những gì trong hồ sơ thì khó có thể chính xác được chứ chưa nói đến việc bào chữa có đúng và thuyết phục được HĐXX hay không. Chưa kể có tình huống ngoài dự kiến như bị cáo bị luật sư phía đối phương hay đại diện VKS thẩm vấn có tính chất "gài bẫy", gây bất lợi... mà luật sư không có mặt thì làm sao có thể ra tay ứng cứu kịp thời cho thân chủ.
Theo nhiều thẩm phán, có không ít vụ án diễn biến của phiên tòa có nhiều thay đổi so với những gì thể hiện trong hồ sơ. Song vì bài bào chữa đã được chuẩn bị từ trước trên "cái nền" ấy nên luật sư dù giỏi cũng khó lòng có thể đánh giá và lường hết những gì xảy ra tại tòa. Tuy nhiên, vì luật sư đã gửi bài bào chữa nên tòa phải có nghĩa vụ công bố dù cho bài bào chữa đó "tréo ngoe" cỡ nào. Vì vậy mới có cảnh "ông nói gà, bà nói vịt".
Luật tố tụng hình sự quy định về sự có mặt của người bào chữa tại phiên tòa rằng, ngoài một số trường hợp bắt buộc phải có luật sư (bị cáo bị truy tố về tội có khung hình phạt tử hình, là trẻ vị thành niên...), còn nếu người bào chữa vắng mặt tòa vẫn mở phiên xét xử. Trong trường hợp này, luật sư có thể gửi trước bài bào chữa cho HĐXX. Quy định này giúp tòa xét xử được kịp thời, tạo điều kiện cho người bào chữa vì lý do nào đó không tới tham dự phiên tòa được thì bằng việc gửi bản bào chữa coi như đã thực hiện xong nhiệm vụ với thân chủ.
Song ở góc độ khác thì còn nhiều điều phải bàn. Theo tinh thần Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp, bản án phải căn cứ kết quả tranh tụng tại tòa. Hay nói cách khác, quan điểm của luật sư sẽ được ghi nhận và tác động tới bản án đó. Vậy mà luật sư không có mặt ở tòa, không tranh luận liệu có phải đã "đi lùi" so với mục tiêu cải cách tư pháp.
Với việc không tham gia phiên tòa mà chỉ gửi bài bào chữa, thực tế dễ dẫn đến việc lập luận của luật sư hay bị "hớ", thậm chí có thể làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Còn nếu chỉ nêu quan điểm một cách chung chung thì không thuyết phục được HĐXX. Bởi vậy, có ý kiến rằng dù luật không cho phép nhưng nhiều khi luật sư không gửi bào bào chữa xem ra lại... tốt hơn.
Theo Pháp Luật TP HCM, một thực tế là luật sư nhiều khi rơi vào tình trạng "bất khả kháng", cùng một lúc diễn ra 2 vụ án mà họ tham gia bào chữa. Như vậy, luật sư chỉ được chọn một, còn lại là gửi bài bào chữa.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi