Đi vào khu vực dân cư sống ven sông Hồng phía bên kia cầu Long Biên (từ trung tâm thành phố Hà Nội sang), nhìn cảnh tan hoang nhà cửa của một số hộ dân và những phần đất đang sắp sửa bị nước sông cuốn đi, người ta mới thực sự cảm nhận được sức mạnh ghê gớm của dòng chảy. Vùng đất đó thuộc bãi Phúc Xá, nước đang vào mùa cạn, còn dòng nước bên này lại to và chảy xiết. Dường như nước tập trung đổ hết về mé dân ở phường Ngọc Thụy.
Đống bêtông đổ nát của quán Ẩm thực Cội Nguồn. |
Theo bác Bảo, cô Thủy và một số người dân sống cả đời ở nơi này thì chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh nước sông "ăn" đất vào sâu khu vực nhà dân như vậy, có chăng chỉ là vài hiện tượng xói mòn không đáng kể. Cô Thủy cho biết, trước kia, đất kéo dài khoảng 50m so với mép đất còn lại sau trận sụt lở vừa qua. Ai cũng lo ngại rằng chắc chắn nước sẽ cuốn tiếp phần đất đang ngấp nghé với mặt nước sông Hồng. Kinh nghiệm của những người như cô Thủy thì đáng lẽ ra khoảng thời gian này, nước sông đã vào mùa cạn, thế nhưng năm nay nước lại to và mạnh hơn cả mùa nước lên.
Trong số những hộ dân thiệt hại nặng, có gia đình nhà anh Thái. Mấy ngày nay, gia đình anh Thái phải thuê công nhân về dọn dẹp đống gạch, vôi vữa của khu nhà bị nước làm cho đổ sập. Ngay sát mép nước, hơn một tháng trước vẫn còn là "cái bến nhỏ" để anh kinh doanh nhà hàng ẩm thực. Vị thế cũng như không gian thoáng đãng của khu đất nhà anh rất lý tưởng cho công việc làm ăn. Anh đã mạnh dạn đầu tư, mở ra nhà hàng ẩm thực Cội Nguồn phục vụ những người khách thích ngắm sông nước, trời mây. Anh Thái còn dự định dùng chỗ đất ven sông làm nơi đậu thuyền, cho du khách đi thuyền trên sông.
Công việc và kế hoạch là vậy, mà chưa đầy một tháng tất cả trôi theo con nước lớn. Nhà hàng đầu tư tốn bao nhiêu tiền, vốn chưa thu lại được cũng bị đi toong. Cả cái không gian ẩm thực thơ mộng giờ tan hoang hết. Gần tuần nay anh thuê thợ đến chặt gạch, thu gom những thứ "của nả" ít ỏi còn lại và tiếp tục nghĩ đến việc tự kè sông bằng những bao tải cát.
Nhà bác Bảo hiện cũng có 2 ngôi nhà sắo sập nốt. Chỉ cần một trận mưa, nước lên tiếp là chúng sẽ trôi. Ngay bên cạnh gia đình bác Bảo, cả một khu trọ hàng xóm xây lên, một nửa thân nhà cũng đã sụp theo dòng sông. Phần còn lại cũng sẽ nhanh chóng bị ông thần sông "ăn nốt".
Giống như nhà anh Thái, cô Thủy cùng con cái mở ra một cái quán cà phê vườn.. Phải nói vị trí gần sông hợp lý để kinh doanh và phê vườn. Cô Thủy kể: "Buổi tối khách trong thành phố rất thích đến quán. Nhất là vào mùa hè, gió sông thổi lên mát rượi, trăng sáng chiếu xuống. Nhiều khách còn trêu, có cái võng mắc ra đây chắc nằm ngủ luôn một giấc. Thế mà, giờ nền quán nứt toác ra, tường cũng vậy do phần nền phía gần sông bị lún sâu xuống. Khoảnh đất vốn trước để xếp bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê cũng chỉ còn một nửa".
Tường và nền quán cà phê nhà cô Thủy bị nứt và nghiêng đổ. |
Cô chỉ tay xuống phía dưới nói: "May là khóm tre đằng kia vẫn trụ lại, dòng nước chảy tản mác ra không xoáy được sâu thêm, chứ không quán này đâu còn tồn tại nữa. Nhưng nói chung không biết tre sẽ bị cuốn khi nào. Trời thương thì sẽ qua đợt nước lớn lần này". Với hy vọng giữ đất, cô Thủy đã bỏ ra một số tiền hàng chục triệu mua cọc bêtông 22m đóng xuống. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời và "không biết khi nào nước sông cuốn đất đi, không biết cọc đóng có còn lại hay không nữa. Lúc đó, tiền lại một lần đổ xuống sông", cô Thủy bùi ngùi.
Đến bây giờ, tình trạng nước sông cuốn trôi đất đã lan sang cả khu vực Ngọc Lâm, Bồ Đề của quận Long Biên. Khu bị nước sông "ngoạm" nặng nhất là ở tổ 2, phường Ngọc Thụy, do anh Phạm Đình Thạch làm tổ trưởng. Anh cho biết: "Kế hoạch trước mắt là cùng với phường Ngọc Thụy luôn kiểm tra, giám sát tình hình. Đồng thời chúng tôi vận động nhân dân tự di dời. Trong thời gian tới, có lẽ phường sẽ phối hợp với tổ trưởng các cụm để chuyển hết những hộ dân nằm trong tình trạng "báo động" lên khu vui chơi của phường"
Cùng với những hoạt động ấy, phường Ngọc Thụy cũng đang vận động nhân dân tháo dỡ những tài sản có giá trị. Theo kinh nghiệm của bố anh Thạch, ông cho biết, có lẽ tình trạng này xuất phát từ trên thượng lưu của dòng sông. Nhất là khi đập Tứ Liên được xây dựng khiến cho dòng chảy bị chuyển hướng và tất cả đổ dồn về phía cụm dân cư ven sông thuộc phường Ngọc Thụy.
Trước những việc bà con tự đóng cọc bêtông để kè, anh Thạch thẳng thắn thừa nhận, đó cũng chỉ là do tâm lý lo trước mắt của bà con. Nhưng dòng nước thì vẫn chảy mạnh, đất ven sông đa phần là do phù sa bồi đắp nên không chóng thì chày sẽ bị cuốn trôi. Anh đưa ra dẫn chứng rằng có những trụ bêtông đường kính lớn còn bị nước "phạt" ngang. Các anh đã dùng cách thủ công để đo độ sâu của sông bằng cục chì nhưng nước cuốn cả nó đi. Hạn chế được dòng chảy, trước mắt có thể là nắn dòng trên thượng lưu
Quang Việt - Thu Phương