Con ngõ sâu dẫn vào nhà ông bà Đỗ Thị Bình và Đỗ Thế Bòng, bố mẹ Đỗ Trọng Hải - người lừa đảo của 18 khách hàng mua ôtô công ty Toyota Giải Phóng, Hà Nội để chiếm đoạt số tiền khá lớn. Căn nhà vắng vẻ, lạnh lẽo. Hai người già, một nằm trên giường, một đang lúi cúi dọn dẹp nhà cửa khi thấy khách tới vội vàng ra tiếp.
Trước đó, khi hỏi thăm dân ở thôn Liêu Trung, Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên về vợ chồng cô giáo Bình cả thôn đều biết. Phần vì hầu hết các thế hệ đã được cô dạy dỗ, phần cũng bởi vừa qua, con trai cô mới phải nhận án tù, báo chí đăng tải nhiều, bán đầy thôn. Từ ngày con trai duy nhất bị pháp luật trừng phạt cho tội lỗi gây ra, ông bà Bình như chết đi sống lại. Cũng từ ngày đó, cả hai phải uống thuốc nhiều hơn cơm.
Nghẹn ngào khi nói về đứa con “bất hiếu”, ông bà đều không cầm được nước mắt. Ngày nghe tin con bị cảnh sát Hà Nội bắt về hành vi lừa đảo đến khi bị đưa ra kết án 20 năm tù, thấm thoắt gần 1 năm, cả hai chưa gặp được con. Vừa giận nhưng lại thương khi ông Bòng nói về Hải, cậu con trai duy nhất mà ông bà có. “Tội của nó phải bị pháp luật trừng phạt nhưng tôi đau lắm, nhiều năm kháng chiến không chết vì hòn tên mũi đạn, giờ phải khổ sở, chết đứng vì con”, ông Bòng nói trong nước mắt.
Ông bà Bình - Bòng giờ bệnh tật ngày càng nặng, thui thủi một mình. |
Năm 1970, ông Bòng xuất ngũ trở về địa phương để làm ăn kinh tế với thương tật 35% và có ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Kết hôn với cô giáo dạy Toán – Lý, hai người đi lên bằng bàn tay trắng. Cuộc sống khá vất vả nhưng cả hai vẫn nuôi nấng ba người con chu đáo. Hải là con thứ hai, trên còn chị, dưới là cô em. Nhà nghèo, bố bệnh tật, thỉnh thoảng lại di chứng từ chiến tranh khiến ông không kiềm chế và đánh các con nhưng Hải vẫn cố gắng sớm sớm đi ra đồng mò cua, bắt ốc rồi đem về cho mẹ đem ra chợ đổi bán.
Sớm phải lao động chân tay nhưng Hải thông minh hơn những đám bạn cùng lứa. Đây cũng là nỗi đau, sự dằn vặt của những người thân xung quanh khi nhìn lại quãng thời gian trước của Đỗ Trọng Hải. 12 năm học từ lớp 1 đến cuối cấp trung học phổ thông, anh ta đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Nhà tôi gia giáo, có mỗi mụn con trai nhưng không phải vì thế mà chiều chuộng Hải. Ông Bòng nhiều lúc bị bệnh tật, không kiểm soát nổi dùng dao chém cả con, tôi phải đỡ mà nhiều dấu vết còn in trên tay và trán. Có bận đi dạy học về, tôi hoảng hồn thấy cả ba chị em bị bố ném xuống ao và vội vàng xuống vớt. Nhưng đó chỉ là hãn hữu vì di chứng, còn bình thường ông ấy rất thương con, chăm sóc từng ly từng tí”, bà Bình khóc khi kể lại tuổi thơ các con.
Giận khi nói về Hải nhưng khi nhớ lại quãng thời gian đưa con lên tỉnh thi vào trường chuyên bằng chiếc xe đạp cọc cạch, nước mắt người lính già lại rơi. Theo lời kể của ông Bòng, năm đó, Hải học lớp 4, bố đèo con mang cơm nắm lên tỉnh thi. Khi đi qua đường đê bị gió lớn quật ngã cả hai người. Hải phải ăn cơm nắm ướt sũng nhưng vẫn thi đỗ vào trường chuyên tỉnh. Đỗ rồi, gia đình không có tiền cho con trọ học nên phải đưa về trường chuyên huyện. Học ở đây, Hải được bố mẹ vay lãi ngân hàng, người quen lấy tiền để con yên tâm dùi mài sách vở.
Hết phổ thông, Hải thi đại học và đỗ hai trường. Trường Nông nghiệp 1 Hà Nội gần nhà nên Hải chọn theo học. Hàng ngày, Hải đạp xe từ nhà đến trường gần 30 cây số nhưng năm nào cũng dành được học bổng tài năng. Bà Bình kể lại: “Khi Hải tốt nghiệp, chúng tôi muốn con về huyện làm ở phòng nông nghiệp vì dễ xin việc. Hải bảo muốn làm ở Hà Nội để tiếp tục học thạc sĩ”. Khi nghe con trai bảo đã ký được hợp đồng với công ty Toyota Giải Phóng với mức lương ổn định và có cơ hội được nâng cao học vị, ông bà Bình – Bòng vui, phấn khởi, nở mày nở mặt với xóm làng.
Bất ngờ, khuỵu xuống, ngất lịm ngày nghe tin con trai tra tay vào còng số 8, bệnh tật của hai ông bà lại tái phát. Chưa bao giờ cả hai người lại suy sụp như vậy khi nghe cảnh sát thông báo Hải là kẻ lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của 18 khách hàng mua ôtô của công ty Toyota Giải Phóng. Niềm hy vọng trước khi nhắm mắt xuôi tay mà hai ông bà Bình – Bòng mong mỏi đã bị Hải làm tan nát. Mắt ông Bòng mờ đi và có nguy cơ bị mù lòa trở lại. Bà Bình bệnh dính ruột tái phát, liên tục đi mổ. Phần bụng dưới của bà khi cho phóng viên xem chằng chịt những vết mổ.
Chỗ ngủ của Đỗ Trọng Hải trên gác xép. |
Trong lúc kể chuyện về con trai, bà giáo về hưu chỉ cho chỗ ngủ trên gác xép của Hải. Quần áo, đồ đạc và thập cẩm các vật dụng khác để chồng chất. Cánh cửa toang hoác, gió mùa đông lùa vào lạnh thấu xương. Nếu như không có gì xảy ra, cuối năm nay ông bà Bình – Bòng sẽ có cháu nội ẵm bồng. Khi nhắc đến chuyện “nối dõi” của cậu con trai duy nhất, bà Bình không khỏi đau xót khi nhìn chỗ chăn ga, gối đệm cất trên nóc tủ.
“Năm trước Hải có dẫn bạn gái về ra mắt và bảo dự định cưới trong năm 2007. Tưởng được ăn mừng chuyện trăm năm của con nhưng ông Bòng lại phát bệnh, liệt chân không đi được. Hải nói để đến tháng 2 năm 2008 thì cưới vì đợi bố đi chữa trị, thế mà…”, nước mắt người mẹ rơi khi nhắc đến chuyện “suýt” diễn ra.
Cùng đau với vợ, ông Bòng bảo hơn 40 năm tuổi Đảng, chiến đấu vào Nam ra Bắc, xuất ngũ về nhà chỉ mong các con nên người. Chị gái Hải học ĐH tại chức và cũng có việc làm, chồng con. Em gái Hải cũng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương và đang đi làm hợp đồng. Hải - niềm hy vọng của cả nhà bỗng nhiên bị sụp đổ. Ngày Hải ra tòa để chịu sự phán xét từ pháp luật cũng là lúc bà Bình ngất lên ngất xuống, tim quặn thắt. Bố anh ta cũng ngã bệnh, mắt lại có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
Hôm xét xử chỉ có em gái Hải đến động viên anh. Hải đã nhận hết tội lỗi nhưng một mực khai đã đưa cho công ty 400 triệu đồng trong những lần giao dịch chứ không phải 2.000 USD. Song, mọi việc nộp tiền của Hải không có chứng cứ, giấy tờ xác minh nên không có cơ sở để tòa xem xét. Hai ông bà bệnh tật không đến phiên tòa được. Ông Bòng nhất định bảo không muốn làm đơn kháng cáo xin giảm tội cho con vì những cống hiến của bản thân cho đất nước. Tuy nói “Hải gây nên tội, Hải phải chịu trách nhiệm”, nhưng những giọt nước mắt của người lính bị nhiễm chất độc màu da cam đã “phản lại”, ông rất thương con.
Không có con trai chăm sóc, hai ông bà cặm cụi đơn chiếc. Thỉnh thoảng các cháu họ sang thăm nom vì còn cô út cũng phải bươn chải bên ngoài làm việc. Số tiền trợ cấp, tiền lương hưu không đủ để cho hai người chữa bệnh nên họ phải bán dần miếng đất vườn lấy tiền chữa trị. “Anh thấy đó, những người chở cát san mặt bằng trong sân là vì chúng tôi đã bán cho họ từ lâu để lấy tiền chữa bệnh. Giờ còn căn nhà tuềnh toàng, hai thân già lọ mọ sớm tối”, bà Bình tâm sự.
Điều day dứt cuối cùng, ông bà cho biết chắc không đợi được con trai về, không được bế cháu nội vì bệnh ngày một nặng.
Quang Việt