
Nusrat Jahan Rafi. Ảnh: BBC.
Nusrat Jahan Rafi hôm 6/4 bị một nhóm 4 người đội khăn trùm đầu dụ dỗ lên mái ngôi trường Hồi giáo nơi cô đang theo học ở Feni, phía đông nam Bangladesh, rồi đổ dầu hỏa lên người thiêu sống. Nguyên nhân là Rafi không chịu rút đơn kiện thầy hiệu trưởng.
Trên xe cấp cứu, sợ không sống được, Rafi đã ghi âm vào điện thoại: "Thầy ấy đã động chạm vào người tôi. Tôi sẽ chiến đấu với vụ việc này cho tới hơi thở cuối cùng". Rafi cũng xác nhận 4 kẻ tấn công cô đều là học sinh trong trường.
Nữ sinh bị bỏng 80% và qua đời tại Bệnh viện đại học Y Dhaka hôm 10/4. Cái chết của cô làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình khắp cả nước. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng tuyên bố "những kẻ phạm tội sẽ không thoát được sự trừng trị của pháp luật".
Trước đó, hôm 27/3, Rafi đã đi trình báo cho nhà chức trách rằng thầy hiệu trưởng Maulana Siraj Ud Doula gọi cô lên phòng và liên tục sờ soạng, động chạm cơ thể cô. Nạn nhân cho biết Doula đã sàm sỡ mình nhưng các giáo viên trong trường khuyên cô nên giữ im lặng.

Gia đình đau xót trước cái chết của Rafi. Ảnh: BBC.
Lời khai của Rafi với nhà chức trách đã được một nhân viên cảnh sát quay lại và đăng lên mạng xã hội, một hành động trái pháp luật. Trong video, Rafi cầu cứu và cố dùng hai tay che mặt. Trong khi nam cảnh sát lại nói "đây không phải vấn đề gì lớn" và yêu cầu Rafi "ngừng khóc bởi chuyện chẳng có gì nghiêm trọng đến mức đó".
Hiệu trưởng Maulana Siraj Ud Doula đã bị bắt nhưng gia đình Rafi bắt đầu nhận được những lời dọa giết từ những kẻ ủng hộ ông ta và các nam sinh. Ngoài ra, các chính trị gia địa phương cũng kêu gọi thả tự do cho Doula.
Sau khi Rafi tử vong, người dân đã đổ xuống đường hay lên mạng xã hội để thể hiện sự phản đối trước cách đối xử với những nạn nhân bị tấn công tình dục.
Ngày 8/4, cảnh sát bắt giữ 15 người liên quan, bao gồm ba nam sinh, một nữ sinh ở trường vì nghi ngờ đã thiêu sống Rafi. Cảnh sát cũng đã mở cuộc điều tra về việc nhà chức trách xử lý vụ án. Nam cảnh sát chia sẻ video quay cảnh Rafi tới trình báo đã bị thuyên chuyển và đang bị kiện theo Luật Bảo mật Kỹ thuật số.
Hướng Dương (Theo New York Post, BBC)