Gương mặt vẫn còn những nét sắc sảo, đằm thắm của người xứ Lạng, bà Cao Thị Thanh (quê Lạng Sơn) đang phải thụ án 20 năm tù vì tội Mua bán trái phép chất ma túy ở trại giam Thanh Phong, Bộ Công an. Đôi mắt buồn, giọng chùng lại, nữ phạm nhân trung niên này tâm sự về cuộc đời "truân chuyên" trước khi dính tới pháp luật.
Sinh trong một gia đình gia giáo, bố mẹ đều là giáo viên nên cuộc sống cửa cô sơn nữ Cao Thị Thanh êm đềm. Hết cấp 3, với định hướng của người thân, Thanh thi vào sư phạm. Học xong đại học, cô giáo trẻ được phân về trường cấp 2 ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đứng lớp.
Xinh đẹp, tháo vát, khéo ăn nói cộng với công việc ổn định, với người con gái là một "tiền đề" tốt để có cuộc sống hạnh phúc. "Bố mẹ tôi bảo con gái mình có đôi mắt biết nói nhưng thể hiện vẻ lạnh lẽo. Thời con gái cũng không ít người đến với tôi nhưng rồi họ lần lượt quay đi. Tôi nghĩ mình là người cao số", nữ phạm nhân tóc nhuốm màu pha sương tâm sự.
Thất vọng về tình duyên, cô giáo trẻ Thanh "phó mặc" cho cuộc đời. Hằng ngày, Thanh lên lớp, rồi đi chơi với nhóm bạn cùng trang lứa. Ngoài 30 tuổi, bạn bè lần lượt có tổ ấm riêng, trong khi đó, Thanh vẫn "lẻ bóng". "Ông tơ bà nguyệt xui khiến thế nào, tôi gặp được anh ấy, nhà cùng huyện và rất mực yêu thương tôi", bà Thanh trải lòng. Đám cưới ấm cúng được tổ chức, cô giáo Thanh theo chồng về sống chung một nhà.
Đồng lương giáo viên, cộng với thu nhập từ nghề sửa chữa điện tử tại nhà của chồng nên cuộc sống của Thanh cũng không khó khăn. Sau đó, vợ chồng Thanh có lần lượt hai cậu con trai kháu khỉnh, ai cũng mừng cho gia đình nhỏ, ấm cúng này. "Tai ương ập đến bất ngờ, chồng tôi bị bệnh đau đầu. Chữa trị khắp các bệnh viện nhưng không phát hiện ra căn nguyên. Tài sản tích cóp được "đội nón" theo những lần đưa chồng đi viện", bà Thanh sụt sịt tâm sự.
![]() |
Các phạm nhân nữ lao động. Ảnh: Việt Dũng. |
Đang lúc tâm trạng rối bời, người ta mách cho anh ấy uống thuốc phiện để "chữa trị", Thanh làm theo và thấy cũng "hiệu quả". Nhưng có thuốc thì anh khỏe, lúc không có thì bệnh tái phát rồi chồng ngày càng lệ thuộc vào thứ ma túy này. Đến khi bấn bách về tiền nong, nghe lời rỉ tai của những người buôn bán ma túy rủ tham gia, Thanh nghe theo. "Năm 1999, tôi bị bắt vì mua bán ma túy, bị kết án 20 năm tù", người phụ nữ trung niên kể.
Nhắc đến hai cậu con trai sau "biến cố" trên, bà Thanh nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên gương mặt đã nhuốm sắc thời gian. Bà cho biết, sau khi vào tù không lâu, chồng mất, hai đứa con trai không nơi nương tựa vì bên nội ít người, bên ngoại đã "không còn nhìn mặt" vì giận. Mái ấm gia đình của cô giáo vùng cao bỗng chốc sụp đổ.
Thanh bị đưa vào trại 5 thụ án. "Thằng lớn phải bỏ học giữa chừng để chạy chợ nuôi em trai. Nó ra chợ Đông Kinh, ai thuê gì cũng làm để kiếm tiền", bà Thanh khóc tâm sự. Thông tin về các con bà nhận được khi chúng viết thư cho mẹ. Trong tù, người mẹ đau đáu nỗi lo các con không người chăm chút sẽ "nhúng chàm". Mỗi lần được phép gửi thư về cho chúng, bà luôn dặn dò dù đói khổ cũng phải tránh xa ma túy.
Gạt nước mắt khi nói đến hai con trai, bà khoe, cậu lớn bây giờ đã có một sạp hàng ở chợ Đông Kinh, còn đứa út đang học năm cuối một trường đại học ở Thái Nguyên. "Âu cũng là cuộc đời tôi còn chút ý nghĩa, còn có chỗ để bấu víu chứ những ngày đầu vào trại tôi cứ tưởng mình không thể sống được nữa", nữ phạm nhân ngoài 50 tuổi phấn khởi.
Cũng trong thời gian ở trại 5 Thanh Hóa, biết nữ phạm nhân Thanh có nghề giáo viên nên cán bộ đã phân cho bà dạy học cho những người khác. Ngoài ra, bà còn phải làm ở đội may của trại. "Tôi không bao giờ nghĩ còn cơ hội đứng trên lớp để dạy học, truyền lại kiến thức, kinh nghiệm cho người khác", Thanh cho biết.
Cải tạo ở trại 5, do có hạnh kiểm tốt nên bà Thanh được giảm án 4 lần. Năm 2008, khi được điều chuyển sang trại Thanh Phong, bà vẫn nhận sự tin tưởng của cán bộ, đứng lớp dạy xóa mù chữ cho các phạm nhân khác. Trước khi chia tay, cựu giáo viên xứ Lạng này mong mỏi sẽ được tha tù trùng với ngày con trai lớn lập gia đình.
Phương Việt