Sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế, Nguyễn Thị Thủy Tiên từng bỏ qua nhiều cơ hội khi là thủ khoa trường Đại học Huế để đi du học ở Bangladesh xa xôi với một chuyên ngành được cho là "chẳng hot" và "không hái ra tiền": Giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) nhằm cải thiện sự bình đẳng nam - nữ. Tốt nghiệp Đại học Phụ nữ châu Á, Thủy Tiên lại lựa chọn trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội việc làm thay vì tiếp tục phát triển tại nước ngoài. Cô gái 9X, hiện là giám đốc truyền thông nội bộ tại một tập đoàn lớn, tự nhận mình là đại diện tiêu biểu của thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980 đến 1998), dám theo đuổi ước mơ đến cùng. Nguyễn Thị Thủy Tiên hiện cũng được xem là một "hiện tượng mạng" khi được cả 6 sếp mời về làm việc với mức lương cao trong chương trình truyền hình Cơ Hội Cho Ai - Whose Chance.
Nhớ lại bước ngoặt lớn đầu tiên trong cuộc đời mình, cô gái Huế cho biết đó là năm 2012, cô hay đọc và nghe mọi người bàn luận về chính sách, phương pháp giáo dục tại Việt Nam. Khi đó, Thủy Tiên luôn thắc mắc là thế nào được gọi là đúng, là tốt và nhen nhóm ước mơ được trải nghiệm nền giáo dục nước ngoài. Một lần, Tiên được nghe về trường Đại học Phụ nữ châu Á và may mắn liên lạc được với một sinh viên Việt Nam theo học tại đây. Trường được đầu tư vốn phát triển bởi các tổ chức và doanh nghiệp uy tín quốc tế như quỹ Bill Gates, IKEA foundation, L’Oreal. Ban lãnh đạo của trường có cô Cherie Blair, phu nhân cựu thủ tướng Anh Tony Blair, cựu tổng thư kí Hongkong Anson Chan, phu nhân Mỹ Laura Bush... Hệ giáo dục khai phóng mà Thủy Tiên quan tâm lúc đó hứa hẹn đào tạo cho học sinh tư duy phản biện, và các kĩ năng mềm để học sinh có thể độc lập và cởi mở trong tư duy. Vì vậy, cô đã quyết định thi tuyển vào ngôi trường này và đạt được học bổng 100%.
5 năm theo học tại ngôi trường này, Thủy Tiên có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau, được học tập với những giáo sư, tiến sĩ danh tiếng. Từ đó, cô trau dồi được cái nhìn đa chiều khi phân tích các vấn đề trong xã hội và cởi mở hơn với những ý kiến trái chiều. Ngoài ra, khi sống tại Bangladesh, Thủy Tiên được trải nghiệm cùng bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới, biết đến các tín ngưỡng và phong tục tập quán đa dạng. Chính những điều đó đã giúp cô trưởng thành hơn.
Sau khi ra trường, Thủy Tiên có một khoảng thời gian làm việc trong một tập đoàn lớn của Pháp và từng gây quỹ 3.000 USD cho hoạt động cộng đồng. Đứng trước nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, cô gái trẻ bỗng quyết định về nước làm việc với suy nghĩ: "Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất. Tôi biết rằng những gì mình làm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước".
Thủy Tiên bảo mình cũng giống như hầu hết các bạn trẻ thuộc thế hệ millennial (độ tuổi 19-37) được thừa hưởng những "trái ngọt" của nền kinh tế mở cửa và hội nhập văn hóa thế giới. Vì thế, họ mang trong mình tâm lý làm sao để là phiên bản tốt nhất của chính mình, yêu thương và được yêu thương, thành công và được công nhận. Bản thân Thủy Tiên luôn tâm niệm: "Muốn vượt qua cái khó thì phải chọn cái khó" và nhận lời mời làm giám đốc truyền thông nội bộ cũng giống như việc cô thử thách chính mình.
"Đối với người trẻ, cái quan trọng nhất là kinh nghiệm đối đầu với thử thách. Những năm mười mấy hai mươi, khi không có quá nhiều vướng bận, hãy tranh thủ chọn những cái khó nhất để làm, kiểm tra sức chịu đựng của bản thân, thất bại sớm, bớt ảo tưởng sớm, chuẩn bị kĩ hơn. Không thành công thì cũng thành nhân. Mà đã là thành nhân thì thể nào thành công cũng tự đến với mình. Nhưng mà phải giữ cái đầu 'tỉnh' để 'bới móc' được chút hương vị thành công trong đống nợ mình tạo ra. Không gì là thất bại hoàn toàn cả. Rồi vin vào thành công, lấy động lực và niềm tin, gạt nước mắt mà làm tiếp", Thủy Tiên cười vui chia sẻ và khẳng định tiền không phải là tất cả với người trẻ thực sự có đam mê, muốn cống hiến.
Nhận thức được những điểm mạnh của mình nhưng Thủy Tiên cũng thừa nhận điểm yếu của cô là hay bị cảm xúc chi phối. Và khi làm việc trong môi trường khốc liệt, hội tụ những người giỏi, có bản ngã thì đem cảm xúc lên bàn làm việc với Thủy Tiên là một điều tai hạn. Để kiểm soát điều này, cô gái 9X đã tìm đến các bài tập yoga và thiền Vipassana, giúp cô nhận diện cảm xúc của chính mình, hướng đến giải quyết mâu thuẫn một cách dĩ hòa vi quý. Thủy Tiên cũng xem việc quan sát bản thân, quan sát người khác như một cách để rèn luyện trí thông minh cảm xúc (EQ).
Trong tương lai, cô gái Huế mong muốn sẽ trở thành một nhà truyền thông văn hóa - sự kiện - giáo dục và truyền cảm hứng, dẫn dắt cho các bạn trẻ khác.