Nối tiếp thành công của show cá nhân đầu tiên Inflowing năm 2022, NTK Cường Đàm tiếp tục tạo tiếng vang với show diễn giới thiệu bộ sưu tập Rendezvous, diễn ra tại Nhà hát Lớn hồi tháng 8. Xuất thân là dân kiến trúc với nhiều giải thưởng quốc gia, Cường Đàm tiếp cận sự sáng tạo dựa trên tư duy logic về bố cục, hình khối, màu sắc của nghệ thuật kiến trúc. Anh thường khai phá góc nhìn nghệ thuật qua những thiết kế mang tinh thần đương đại với nguồn cảm hứng từ văn hóa Việt.
Cường Đàm chia sẻ với Ngôi Sao về những tư duy của anh trong việc làm nghề, cũng như sự chuyển hướng từ nhà thiết kế sang Giám đốc sáng tạo.
- Hơn một tháng sau show diễn Rendezvous, anh đón nhận phản hồi thế nào từ giới mộ điệu?
- Từ ngay sau show diễn, có nhiều khách hàng, influencers từ cả Việt Nam và thế giới liên hệ với chúng tôi để có trang phục dự sự kiện cũng như chuẩn bị đồ cho các tuần lễ thời trang hoặc những event khác của làng mốt. Với tôi, đây là niềm vui lớn khi được cộng đồng thời trang quốc tế đón nhận hào hứng như vậy.
- Streetwear là khái niệm còn khá mới lạ trong làng mốt Việt, tại sao anh chọn phát triển hướng đi khá mạo hiểm này?
- Xu hướng streetwear đã len lỏi vào thị trường thời trang Việt Nam từ nhiều năm trước, xuất phát từ những local brand dành cho giới trẻ. Tuy nhiên đúng như nhận định này, các nhà thiết kế Việt chưa thực sự khai thác nhiều với streetwear ở phân khúc cao cấp.
Tôi chọn hướng đi này vì hai lý do. Thứ nhất, tôi yêu cảm giác thoải mái và "ngầu" khi bận đồ streetwear. Đồng thời, sau những nghiên cứu tìm hiểu về thị trường, tôi và đội ngũ có chung quan điểm rằng streetwear phân khúc cao cấp là thị trường ngách rất tiềm năng và đáng để đầu tư. Rendezvous đã được ra đời như vậy để thỏa mãn cái tôi của mình và nhu cầu còn thiếu của thị trường.
- Được gắn với những tính từ như "dị biệt", "độc lạ", tính ứng dụng trong những trang phục của anh được thể hiện thế nào?
- Trước khi được biết đến với vai trò Creative Director, tôi có nhiều năm kinh nghiệm với thời trang ứng dụng. Thời trang là để mặc, vì vậy ngoài concept, makeup và làm tóc cùng một số trang phục nặng tính trình diễn trong show để tạo nên dấu ấn riêng của Cường Đàm, tôi tập trung vào việc đề cao khả năng sử dụng của các trang phục ở đời thường. Thay vì cách mix-match khác biệt trong tổng thể một show diễn, nếu bóc tách từng món đồ, bạn sẽ thấy có nhiều món ứng dụng luôn có sẵn trong tủ đồ như quần jeans, áo T-shirt, áo tanktop, blazer... Tùy gu thẩm mỹ của từng cá nhân, những món đồ đó có thể phối theo nhiều cách và đa dạng trong nhiều hoàn cảnh.
- Phong cách streetwear cao cấp được anh sáng tạo thế nào trên các trang phục?
- Trong quá trình phát triển bộ sưu tập, hình ảnh elip tượng trưng cho những quỹ đạo xoay vòng được ứng dụng trên rất nhiều thiết kế. Để những quỹ đạo ấy thể hiện đúng tinh thần streetwear, tôi lựa chọn những chiếc khóa zip kim loại với các cách làm như xoay vòng trên những thiết kế ôm sát, gắn chằng chịt tạo hiệu ứng tua rua... để tạo dấu ấn.
Về chất liệu chủ đạo, tôi chọn denim vì đây là chất liệu có sức sống bền bỉ, thể hiện rõ nét tinh thần streetwear nhất. Ra mắt sau nhiều bộ sưu tập đình đám về denim của nhiều thương hiệu lớn, tôi đối mặt áp lực về việc phải khẳng định chất riêng. Những thủ pháp như dây khóa dài vượt ngoài trang phục, tạo hình khối trên mặt logo, âm bản - dương bản trong hình khối hay mượn dáng dấp của áo dài đưa lên tà váy... giúp tôi thể hiện nét riêng đó.
Trong quá trình nghiên cứu, phát triển thiết kế, team Cường Đàm còn sử dụng những kỹ thuật in 3D, in chuyển nhiệt gradient, in kim loại... nhằm tạo ra cái nhìn tương lai nhất cho bộ sưu tập. Các thiết kế của tôi hướng đến những khách hàng "nổi loạn có học thức".
- Anh định nghĩa thế nào về đối tượng khách hàng "nổi loạn có học thức"?
- Nổi loạn với tôi không hẳn mang ý nghĩa xấu, mà là trạng thái sẵn sàng bứt phá khỏi những khuôn mẫu cũ để tìm ra một vũ trụ mới mẻ, riêng biệt. Khi đặt cạnh nhau hai từ "nổi loạn" và "học thức", tức là đối tượng khách hàng của chúng tôi sẽ có chung đặc điểm: Là những cá nhân luôn tìm cách bứt phá từ nền tảng văn hóa, tri thức hay thậm chí là khoa học, kỹ thuật.
- Tại sao trong các show diễn của anh không có vedette, hoa hậu trình diễn như các fashion show thông thường tại Việt Nam?
- Rendezvous là cuộc hẹn của nhiều vũ trụ, trong đó mỗi vũ trụ có một cái hay riêng, một điều thú vị riêng. Mỗi model diễn trong show đều đại diện cho một tiểu vũ trụ khác biệt, vì vậy tôi không đặt người mẫu nào ở vị thế quá khác biệt, dù đó là những cái tên đình đám như Võ Hoàng Yến, Minh Tú, Denis Đặng... Suy cho cùng, mỗi sự xuất hiện đều có một vai trò nhất định trong tổng thể show diễn. Cách khai triển không vedette, không first face, không hoa hậu trong một show diễn thời trang không mới với thế giới, nhưng tôi tin điều này gây được ít nhiều chú ý với giới mộ điệu Việt Nam.
- Từ khi trở thành "The Face of Brand", Quỳnh Anh Shyn hợp tác thế nào với anh?
- Sau vài buổi gặp gỡ riêng với Quỳnh Anh Shyn hồi tháng 4, tôi mong muốn mời cô ấy trở thành gương mặt đại diện. Mọi người có thể thấy khá nhiều điểm tương đồng giữa chúng tôi: Luôn tìm cách phá vỡ những giới hạn, giấc mơ vươn tầm thế giới, khao khát được cống hiến cho thời trang. Chúng tôi đã "bắt cặp" với nhau từ đó. Việc Quỳnh Anh Shyn xuất hiện cùng tôi trong màn chào kết của show thể hiện sự hợp tác này.
Sắp tới, tôi sẽ đồng hành trang phục cùng Quỳnh Anh Shyn tại một số tuần lễ thời trang quốc tế sắp diễn ra. Quỳnh Anh cũng giúp tôi lan tỏa thương hiệu đến nhiều hơn với các fashionista thế giới. Chúng tôi cũng đang ấp ủ nhiều kế hoạch quảng bá C.Dam tại thị trường quốc tế trong nửa cuối năm nay.
- Tại sao anh chọn hướng đi Giám đốc sáng tạo - vai trò còn khá mới mẻ ở Việt Nam?
- Bước chuyển mình từ một nhà thiết kế tới Giám đốc sáng tạo lấy đi của tôi rất nhiều nhưng cũng trả lại không kém những kết quả. Tôi đánh đổi thời gian, tâm huyết và sức khỏe cho vai trò ấy, để đổi lại góc nhìn đa chiều, sự phát triển bản thân toàn diện, sự ủng hộ của bạn bè, cộng sự và cả những giây phút thăng hoa trên sân khấu.
Thay vì chỉ tập trung vào thiết kế, Cường Đàm trong vai trò Giám đốc sáng tạo đã phải thay đổi rất nhiều về tư duy để có cái nhìn bao quát trong kinh doanh thời trang. Trong quá trình dài, tôi học cách nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu khách hàng và chuỗi cung ứng, từ đó vạch ra chiến lược kinh doanh cho thương hiệu. Song song, tôi cùng đội ngũ xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phù hợp tiềm lực doanh nghiệp. Tôi của hiện tại cũng chịu trách nhiệm phát triển, quản lý thực thi những mảng lớn trong thương hiệu như truyền thông, quan hệ công chúng, sáng tạo, sản xuất và quản lý chất lượng... Theo nhận định của tôi, Giám đốc sáng tạo chính là người chịu trách nhiệm cho sự thành bại của doanh nghiệp thời trang.
Rendezvous không hẳn là tuyên ngôn đầu tiên của tôi với vai trò Creative Director. Ở các show trước đó, tôi đã phần nào thể hiện khát vọng trong sáng tạo. Show Rendezvous là một phần trình diễn phức hợp với đa loại hình nghệ thuật: Thời trang, Opera, múa đương đại, âm nhạc điện tử. Trong vai trò Giám đốc sáng tạo, tôi đã lên ý tưởng, ráp nối và điều phối các mảng miếng để tạo ra bức tranh tổng thể.
- Anh đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của vị trí Giám đốc sáng tạo tại Việt Nam?
- Là một đất nước đang phát triển, chúng ta có rất nhiều tiềm năng và cơ hội ở đa dạng lĩnh vực. Trong thời trang, Việt Nam đang chứng kiến một lớp những nhà thiết kế đầy mới mẻ, sẵn sàng phá bỏ lề lối cũ, tạo nên những thương hiệu có tầm ảnh hưởng ngoài khu vực.
Tôi tin chỉ trong thời gian ngắn tới đây, sẽ có nhiều bạn trẻ theo đuổi vị trí Creative Director trong lĩnh vực thời trang. Họ chính là những người sẽ viết nên những tuyên ngôn mới, đưa Việt Nam tới gần hơn bản đồ thời trang thế giới.