NSƯT Kim Oanh tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1999, có nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tuổi Trẻ, trước khi chuyển sang làm biên tập viên đài truyền hình và đạo diễn sân khấu.
Trên màn ảnh, Kim Oanh được ghi nhận thực lực với nhiều vai phản diện khiến khán giả ghét cay ghét đắng. Các phim nổi tiếng của cô gồm Sóng ở đáy sông, Những ngọn nến trong đêm, Ma làng, Cầu vồng tình yêu... Thời gian này, Kim Oanh có phim Người vợ cuối cùng chiếu tại rạp.
- Phim ‘Người vợ cuối cùng’ có ý nghĩa thế nào với chị?
- Đây là phim điện ảnh đầu tiên của tôi, có buổi ra mắt tại TP HCM đúng sinh nhật tôi. Đúng ra, khoảng năm 2001-2002, tôi đã có một vai diễn điện ảnh rồi. Nhưng về sau, hãng phim truyện đổi đạo diễn, diễn viên bị thay đổi theo. Từ đó, tôi nghĩ mình đen (cười).
Gu diễn viên điện ảnh ngoài Bắc ngày ấy là kiểu đẹp phổ cập: mặt bầu bĩnh, trái xoan, phúc hậu; da hơi ngăm; mắt hơi to. Còn tôi mặt mỏng và nhọn. Nhưng tôi nghĩ nếu mảnh đất đó không hợp với mình, thì mình khai hoang ở mảnh đất khác, rực rỡ ở vùng trời khác.
- Cơ duyên nào đưa chị đến với vai diễn bà cả trong phim này?
- Khi được anh Victor Vũ gửi lời mời, tôi không lăn tăn gì, chỉ hy vọng anh đừng đổi ý. Sau khi đọc kịch bản, tôi đề nghị được casting, nhưng anh Victor không yêu cầu tôi casting, chỉ nhờ một số bạn trẻ ở Hà Nội đặt máy quay, tôi diễn thử một đoạn. Không hiểu sao hôm đó tôi run quá, vấp liên tục, nói một câu không ra hồn.
Trước mặt không có đạo diễn nhưng tôi vẫn hồi hộp và run lắm, vì sợ mình không làm được. Thường cái gì tôi thích quá, tôi sẽ hơi căng như vậy. Quay xong đoạn phim đó, tôi nghĩ chắc mình không được chọn nhưng cuối cùng vẫn được giao vai diễn.
- Làm nghề đã hơn 20 năm, tại sao chị vẫn run đến vậy?
- Giờ lên sân khấu, tôi vẫn run bình thường. Các anh chị lớn như chị Lê Khanh, chị Ngọc Huyền, anh Anh Tú ngày xưa hay nói lúc nào ra sân khấu cũng run. Tôi cũng từng ngạc nhiên các anh chị toàn lão tướng mà còn như vậy. Đến giờ, tôi đã hiểu được cảm giác đó.
- Bao nhiêu năm nay, chị gắn liền với các vai phản diện. Vai bà cả trong ‘Người vợ cuối cùng’ có gì khác biệt?
- Lần này, tôi được ác theo kiểu người có quyền lực, là hình tượng tôi chưa hóa thân bao giờ. Tôi đã từng mong chờ được trở thành người đàn bà ác nhất trên màn ảnh Việt. Tôi nghĩ vai này có thể được xem là như vậy. Nhưng tận cùng cái ác phải có bi thương.
Sự bi thương đó là điều kịch bản không mô tả, đạo diễn cũng không khai thác, nhưng tôi tự làm lý lịch cho nhân vật. Tôi tự đặt câu hỏi điều gì đã đẩy mình đến mức ác thế này. Một nghệ sĩ chuyên nghiệp lúc nào cũng làm việc như vậy để có thể diễn sâu.
Tôi có xin anh Victor cho thêm một cảnh để lý giải tại sao bà cả độc ác. Đó là một cảnh cận nước mắt tôi chảy ra. Bà cả lấy quan tri huyện nhưng không sinh được con, lấy vợ hai rồi vợ ba cho chồng, mong chồng có con nối dõi, mang thuốc cường dương đại bổ cho chồng uống để chồng có thể sinh con với vợ ba. Tôi nghĩ với phụ nữ, không nỗi đau nào bằng nỗi đau này.
Khi tôi đề nghị quay thêm, anh Victor và biên kịch đều đồng ý. Nhưng ở bản phim chiếu rạp, cảnh này chỉ được giữ lại một phần.
- Với bộ phim có bối cảnh ngoài Bắc, chị hướng dẫn, hỗ trợ các diễn viên miền Nam thế nào trong vai trò một người tiền bối trong nghề và một người ‘chủ nhà’ miền Bắc?
- Tôi đâu dám chỉ dạy gì. Tôi có thể phân tích nhân vật giỏi hơn các bạn nhưng với điện ảnh, tôi là người mới, không thể bằng Kaity Nguyễn và Đinh Ngọc Diệp. Tôi thấy các bạn tài năng quá, không biết mình làm được không. Nghe thế, có thể mọi người sẽ cười nhưng sự thật là vậy. Lần đầu đóng điện ảnh, tôi có những lo lắng nhất định, đôi khi vẫn phải tự lên dây cót tinh thần.
- Kết hợp với anh Quang Thắng có gì thú vị với chị?
- Tôi và anh Thắng làm việc chung từ phim Sóng ở đáy sông, đã đóng chung rất nhiều, vào vai vợ chồng cũng nhiều. Chúng tôi diễn ăn ý, chơi thân với nhau. Nhưng cả hai đều thích sáng tạo, nên mỗi lần diễn vẫn có sự tươi mới, bất ngờ.
Một số cảnh của tôi, anh Thắng và Đinh Ngọc Diệp vốn không phải cảnh hài. Nhưng lúc quay, một số tình huống nảy sinh, chúng tôi ứng tác tại chỗ. Ví dụ lúc đóng cảnh ăn cua, con cua bám vào râu của anh Thắng, ba chúng tôi thoại theo tình huống đó luôn.
- Chị gặp những khó khăn nào với cổ phục, trang sức trong bộ phim này?
- Ngoài Bắc, các đoàn phim thường nghỉ một thời gian sau Tết, đến tháng 3 hoặc tháng 4 mới quay. Còn Người vợ cuối cùng quay đúng mùa xuân, thời tiết se lạnh, tôi thỏa sức mặc cổ phục mà không bị nóng, không đổ mồ hôi. Đây là lần đầu tôi được quay phim vào mùa này.
Tôi không nhớ mình có bao nhiêu bộ đồ, chỉ nhớ mỗi phân đoạn là một bộ, không trùng lặp. Hai thứ khó với tôi là đôi giày vải và tràng hạt tôi đeo từ đầu tới cuối phim. Đôi giày làm tôi hầu như hôm cũng bị trầy da chân. Tràng hạt quấn chặt để dựng đứng trên cổ. Mỗi lần cởi ra, tôi ngứa hết cổ, bị hằn và trầy da. Có lúc, tôi chỉ sợ dây quấn chặt vậy sẽ hưởng tiếng nói, nhưng làm vậy mới đúng kiểu các cụ ngày xưa, dù đôi khi khó tránh xô lệch.
Cả cuộc đời diễn viên, lần đầu tôi gặp một họa sĩ phim tỉ mỉ như ở Người vợ cuối cùng. Anh quan tâm từng cái nhẫn tôi đeo, từng cái trâm cài đầu và nếp gấp áo. Vì là đạo diễn sân khấu, tôi hay ngó nghiêng xem các anh làm thế nào để học hỏi. Thấy tôi tò mò, anh cũng cởi mở chia sẻ, cho tôi xem cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam do người Pháp biên soạn đầu thế kỷ 20. Trong đó có nhiều ảnh chụp trang phục, kiểu tóc của phụ nữ Việt thời xưa. Đóng phim này, tôi như được học thêm một khóa về cổ phục.
Tôi cũng bất ngờ trước bàn tay dàn dựng bối cảnh của đoàn phim. Mỗi lần bước vào không gian phủ tri huyện được dàn dựng, ngay cả khi chưa thay cổ phục, tôi cũng thấy mình là bà cả, chứ không còn là diễn viên Kim Oanh.
- Nối tiếp ‘Người vợ cuối cùng’, chị có định hướng thế nào với điện ảnh?
- Có lúc, tôi nghĩ mình nên nhường sân cho các bạn trẻ. Sau này, tôi nhận ra các bạn có thể vẽ nếp nhăn, nhưng khó có được trải nghiệm để vào vai người trung niên.
Tôi thích đóng điện ảnh lắm, nhưng tôi không chủ động tìm kiếm. Tôi luôn nghĩ vạn sự tùy duyên. Năm nay là một năm quá rực rỡ với tôi rồi, từ đầu năm đến giờ tôi nhận nhiều giải thưởng sân khấu.
Người vợ cuối cùng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái (bố vợ Victor Vũ). Phim đặt trong bối cảnh Bắc Bộ thế kỷ 19, xoay quanh cuộc đời làm vợ lẽ khổ mệnh của Linh (Kaity Nguyễn). Những ngày thanh xuân chôn vùi trong phủ quan tri huyện, cô gặp lại người bạn thanh mai trúc mã Nhân (Thuận Nguyễn). Cuộc tình vụng trộm cho cả hai niềm tin để sống nhưng cũng đẩy họ vào đau thương. |
Phong Kiều thực hiện