Hàng nghìn nông dân ở miền nam Trung Quốc đang kêu gọi nhà chức trách cho phép tiếp tục nuôi ếch trước lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã - được cho là nguồn lây nhiễm nCoV được ban hành hôm 24/2. Lời kêu gọi được đưa ra trong hai bản kiến nghị đăng trực tuyến bởi một nhóm các nhà lai tạo giống ở tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.
"Cục lâm nghiệp đã cấm buôn bán động vật hoang dã, bao gồm 10.000 tấn ếch hổ Thái Lan đã thuần hóa của chúng tôi. Rồi chúng tôi sẽ đi về đâu đây?", bản kiến nghị gồm tên, số điện thoại và chữ ký của hơn 100 người ở Quảng Đông viết.
"Nuôi ếch không còn là kế sinh nhai của chúng tôi nữa. Chính phủ khuyến khích chuyển sang loại hình mới nhưng chúng tôi có thể làm gì giữa tình hình hiện nay?", bản kiến nghị viết và cho biết hiện có 10.000 nhân công trong ngành nuôi ếch chỉ tính riêng ở vùng nông thôn Taishan, Quảng Đông.
Bản kiến nghị ở Hải Nam có chữ ký của hơn 700 người cũng kêu gọi các quan chức xem xét tác động kinh tế của việc đóng cửa ngành chăn nuôi vốn là nguồn sống của khoảng 6.000 người và liên quan đến 8.000 tấn vật nuôi.
"Trước hết, chúng tôi không nuôi động vật hoang dã. Thứ hai, ếch nuôi có thể bảo vệ và cải thiện môi trường. Thứ ba, nó mang lại cho nông dân Hải Nam một giải pháp lâu dài trong sự phát triển của nền kinh tế nông thôn", nhóm nông dân Hải Nam kiến nghị.
Nông dân Trung Quốc bắt đầu nuôi ếch hổ Thái Lan làm nguồn thức ăn từ những năm 1980. Theo báo cáo của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc năm 2017, ước tính riêng nghề nhân giống ếch đã có khoảng 1 triệu lao động và ngành công nghiệp này trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,15 tỷ USD) vào năm 2016. Tại một số khu vực nghèo nhất của Trung Quốc như Quảng Tây, chăn nuôi động vật hoang dã được xem là chìa khóa xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lây lan của nCoV, được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cấm buôn bán và tiêu thụ sản phẩm này. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 24/2 khiến nhiều nông dân lâm cảnh khốn đốn.
Chen Weiwen, một trong những nông dân đã ký bản kiến nghị ở Quảng Đông, cho biết ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền: "Chúng tôi đang rất tuyệt vọng và mong rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường".
Ông Chen đã không thể bán hàng trong nhiều tuần qua và đứng trước nguy cơ mất gần toàn bộ vốn liếng trị giá 80.000 nhân dân tệ (11.400 USD). "Làm sao tôi có thể thay đổi công việc ngay lập tức? Tôi đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ếch và có một doanh nghiệp khá lớn. Việc nuôi ếch an toàn và chúng tôi vẫn ăn thứ mà mình nuôi", ông nói.
Không chỉ có ếch, tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, chính phủ đã cấm ăn thịt chó mèo và chỉ cho phép tiêu thụ 9 loại thịt, gồm thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt thỏ và hải sản.
Shi Haitao, Giáo sư khoa học đời sống Đại học Hải Nam, cho rằng chính phủ nên xem xét đưa ra các biện pháp giúp nông dân thực hiện chuyển đổi sang các hình thức tạo thu nhập khác trong bối cảnh hiện nay.
"Trước đây, nhiều nông dân đã tham gia vào ngành này theo lời kêu gọi của chính phủ nhằm khuyến khích thuần hóa và chăn nuôi các loài ngoại lai. Đặc biệt, việc chăn nuôi động vật hoang dã đã được sử dụng như một biện pháp xóa đói giảm nghèo. Về mặt chính sách, chúng ta có thể cho họ một chút thời gian để từ từ tiêu thụ hàng tồn kho. Mặt khác, không chỉ những nông dân này sẽ chịu tổn thất, mà câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xử lý số vật nuôi này. Nếu chúng được thả ra môi trường tự nhiên sẽ tạo ra nguy cơ xâm lấn sinh học và phát tán nhiều nguồn bệnh khác", giáo sự Shi Haitao nhận định.
Sơn Nam (Theo SCMP)