Nhiều phụ nữ trở thành món đồ thế chấp cho món nợ của gia đình. Ảnh: CNN. |
Hình ảnh một con gia súc oằn lưng kéo chiếc bừa, theo sau là người nông dân gày gò chắc chỉ có ở thời xưa nhưng ở nơi xa xôi, hẻo lánh của vùng nông thôn Ấn Độ, Bundelkhand, công việc ấy vẫn diễn ra đều đặn hàng ngày. Để tồn tại trong những năm tháng khó khăn, nhiều nông dân phải làm thuê cho người giàu hoặc vay tiền từ họ. Khoản vay đó thường có lãi suất "cắt cổ".
Theo CNN, khi lãi tăng lên, các chủ nợ hùa nhau đi đòi nợ. Nhiều người phải chịu cảnh làm thuê mướn cả đời để mong trả hết nợ. Những người khác thì cho rằng vì trời hạn hán quá lâu, mùa màng thất bát khiến họ buộc phải đi vay tiền để sống. Để có được chút tiền, họ chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của chủ nợ. Không ít khi, yêu cầu đó là những người vợ của họ.
Một phụ nữ cho biết: "Điều đó đôi khi xảy ra với người nào vay tiền mà không có khả năng hoàn trả. Chủ nợ đã mua tôi. Đó là lý do tại sao ông ta nói rằng tôi đã bị bán".
Trường hợp khác ở ngôi làng kế bên cũng bi kịch không kém. Chủ nợ yêu cầu vợ con nợ tới nhà mình để giúp việc vì vợ ông ta bị ốm. Người đó đồng ý và còn cho cả hai con gái cùng mẹ đi xóa nợ. Tuy nhiên, người phụ nữ trên chẳng bao giờ quay về nữa. Người đàn ông bất hạnh tin rằng vợ mình đã bị chủ nợ đánh cắp còn hai cô con gái thì kể rằng, mẹ đã bị bán cho người đàn ông khác.
Giới chức trong làng đã điều tra và tìm ra rằng, người phụ nữ đó khai mình không bị bán mà đơn giản là tới sống với người mình yêu. Trong khi đó, hai cô con gái lại khẳng định đó không phải sự thực bởi bố mẹ chúng đã bị yêu cầu phải giữ bí mật với chức sắc trong làng.
Một phụ nữ khác ở vùng Bundelkhand tâm sự, cô bị bán để trả món nợ của bố mẹ từ 14 năm trước. "Bố mẹ tôi vay tổng cộng 200 USD. Đó là lý do tại sao họ bán tôi". Cô cho biết mình mới 12 tuổi tại thời điểm bị chồng mua. Cô chưa bao giờ nghĩ sẽ tới cầu cứu các nhà chức trách bởi cô chẳng biết đi đâu, tới đâu. Những người phụ nữ như cô đành chấp nhận và coi đó là số phận. Bây giờ cô đã có con gái và muốn mọi thứ sẽ phải thay đổi. "Tôi sẽ không cho phép con bé bị bán. Tôi muốn điều đó xảy ra với nó. Con bé sẽ kết hôn với ai nó yêu".
Theo Ranjana Kumari, nhân viên trung tâm nghiên cứu xã hội Ấn Độ, việc khai thác vụ nữ là tình trạng phổ biến ở Bundelkhand. "Chẳng ai hỗ trợ hay giúp họ cả. Nếu gia đình không giúp thì chẳng ai đoái hoài tới họ, không ai biết hoàn cảnh của họ", Ranjana nói.
Bình Minh