![]() |
Cửu vạn gùi hàng lậu nhanh chóng biết mất trong rừng. |
9 giờ ngày 20/11, chiếc xe khách 12 chỗ ngồi qua cầu Nước Sốt hướng về cửa khẩu Cầu Treo. Đường 8 dốc ngược lên như sợi chỉ màu đen nhòa trong sương mờ, ôm lấy từng eo núi chạy dài vòng vo. Bỗng vù... vù...vù. Liên tiếp từng tốp xe máy phân khối lớn tắt đèn uốn lượn, lao rầm rầm xuống dốc như xiếc. Bác tài xế nhanh tay vặn vôlăng tấp xe vào sát bìa rừng, giọng hoảng hốt: “Bọn buôn lậu thú đấy. Chúng đang tăng tốc chuẩn bị qua trạm kiểm tra liên ngành Nước Sốt. Tí nữa chúng rú ga lên 120-140 km/h thì phải biết".
Theo Tuổi Trẻ, vô phúc cho ai đi trên đường không kịp tìm chỗ tránh là nó cán không thương tiếc. Biết bao vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do đám xe chở thú này gây nên. Công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm mỗi khi nhìn thấy xe "điên" xuất hiện đều lắc đầu ngán ngẩm. Trong ánh sáng chập choạng trên đường chỉ có xe "điên" trùm kín áo bạt, những túi thú được buộc chặt hai phía trước và sau xe lao vun vút.
20h30, chiếc xe chở tê tê từ bên kia biên giới cách cửa khẩu Cầu Treo 10km vừa dừng bánh. Hàng chục cửu vạn người Mông ở bản Thoọng Pé, xã Na Pê, huyện Cam Kớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) chạy xộc ra tranh nhau gùi hàng. Trong chớp mắt họ đã biến mất trong dải rừng trước mặt.
23h, thượng tá Từ Quốc Lệ, Trưởng ban trinh sát Bộ chỉ huy biên phòng Hà Tĩnh cùng 12 lính đặc nhiệm khác nằm rải rác sau từng ụ đá, gốc cây phục hướng đoàn cửu vạn đi tới. Trời đổ mưa, rừng nổi gió. Tín hiệu đoàn cửu vạn đã lọt vào vòng vây của năm chốt trong bán kính 3 km, lính đặc nhiệm bắt đầu thả chó săn truy đuổi.
Khi nghe lên tiếng hô: “Đứng lại, không ai được chống cự”. Đám cửu vạn lùi chân, tung vôi bột quanh những gốc cây rừng trước mặt, dọa: “Ai bước qua vạch vôi ta chém đứt từng phát”. Một khoảng lặng phắc trong rừng đêm. Vòng vây cứ siết chặt. Đám cửu vạn đồng loạt vứt gùi bỏ chạy tán loạn về phía bên kia biên giới, để lại tại chỗ 370 kg tê tê lấm lem bùn đất.
Theo Trưởng phòng pháp chế Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh Đặng Hữu Cư, nạn buôn thú quý này bắt đầu rộ từ năm 2003, bùng phát mạnh vào năm 2004, nhất là từ khi dân buôn lậu ở biên giới Trung Quốc cần nhập tê tê với giá 450.000-600.000 đồng/kg”. 11 tháng qua, kiểm lâm đã bắt 1.981 kg thú quý trong địa bàn và 391 kg bắt ngoài tỉnh. Công an, biên phòng, kiểm lâm đã khởi tố hàng chục vụ án, thu giữ hàng chục ôtô con, ôtô khách nhưng nạn buôn thú vẫn không hề giảm.
Tại quán cà phê cóc cuối đường Đào Tấn, thành phố Vinh (Nghệ An), một thanh niên chừng 25 tuổi đầu tóc rối bù, gương mặt ngái ngủ, ôm cái túi dù lép kẹp đang vừa rít thuốc lào vừa rao bán... hổ. Y rao: “Con hổ nặng 7 tạ xẻ làm bốn khúc còn ướp tươi trong tủ lạnh. Ai cần nội trong ngày mai có mặt tại Phố Châu hỏi Đức “Hổ”. Máy di động số 0912...”.
Tuy nhiên, Đức "Hổ" cho biết, con hổ đó đã được bán ngay trong ngày bởi không đại gia nào dám lưu giữ hổ, beo, gấu vài giờ trong nhà. Những thú quý này thường xuyên được di chuyển bí mật từ điểm này sang điểm khác. Nếu gặp đúng khách, chỉ cần liếc mắt hoặc làm việc qua điện thoại là số phận con thú được đặt giá hàng chục triệu (đối với gấu ngựa), hàng trăm triệu (đối với hổ lớn) trong tích tắc.
Đức “Hổ” cũng cho biết, nếu không có vốn lớn, không có ô dù thật mạnh thì đừng mơ hành nghề buôn thú. Sau gần chục năm, hơn 30 tay buôn ở cái “rốn” thú này giờ chỉ còn lại năm đại gia như Hoàn “Rắn”, Dũng “Beo”, Tài “Tê Tê”... Số này sau khi đè bẹp lớp đàn em đã chuyển nghề kinh doanh đất, mở đại lý hàng điện tử hoặc hình thành những đường dây buôn thú cỡ lớn xuyên quốc gia. Số đàn em không thể cạnh tranh nổi phải bỏ nghề làm cửu vạn đi thu gom thú về nhập.