Ông Nguyễn Sĩ Hiển (ngoài cùng bên phải). |
Nhiều chuyện “tày đình” và búa rìu cứ liên tiếp giáng xuống đầu vị trưởng đoàn đang oằn mình với nỗi lo của ĐTQG. Trái với dự liệu, ông Hiển giữ im lặng, không thanh minh, chẳng phản bác những thông tin đang chống lại mình. Thất vọng trước những điều mà ông cho rằng đang bôi nhọ mình, ông Hiển gần như tránh tiếp xúc với báo giới.
“Trước những gì mà người ta nói, viết về cá nhân trong thời gian vừa qua, tôi không muốn thanh minh hay phản bác mà làm gì. Tôi có lòng tự trọng, danh dự của mình. Là một con người đi lên từ chân đất, áo số và bao năm lăn lộn gắn bó với bóng đá… và tôi thấy thanh thản trong công việc và cuộc sống. Tôi buộc phải lên tiếng bởi nó không phải là vấn đề của riêng cá nhân tôi mà còn liên quan đến ĐTQG. Bởi thế, tôi chỉ muốn được một lần, nói rõ, thẳng thắn và minh bạch trắng đen tất cả, để thanh thản sống và làm việc”.
Trưởng ban Sỹ Hiển chậm rãi nối từng sự kiện mà ông cho rằng có một số người đang cố tình bôi nhọ mình:
“Người ta nói, 2 năm trước, tôi với tư cách là Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam ở Tiger Cup 2002 đã không về nước cùng cả đội mà lại “dung dăng” một mình ở lại đất Thái, dù ĐTVN thua tan nát. Thế nhưng, chính ở Tiger Cup đó, ĐTVN dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đã giành HCĐ trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ và giới chuyên môn. Với một đội hình đang ở buổi giao thời, đó là một sự thành công.
Sau giải, tôi đã cùng ĐTVN trở về Việt Nam trong sự đón tiếp nồng nhiệt của người hâm mộ. Tôi còn nhớ đã trả lời rất nhiều phóng viên ở sân bay Nội Bài. Thực ra, người “đánh” tôi đã nhầm về thời điểm khi đưa thông tin về sự kiện đó. Tôi có sang Thái Lan, nhưng là 4 năm trước (2000), chứ không phải thời điểm Tiger Cup 2002! Lúc đó, tôi đã xin phép Chủ tịch VFF Mai Văn Muôn và được chấp nhận. 4 năm trước, tôi đã giận tím tái mặt mày vì thông tin đó và cực chẳng đã, tôi đã phải giải thích cặn kẽ ngay sau đó. Bây giờ, lại một lần nữa người ta nhắc lại sự bịa đặt trắng trợn và xúc phạm đến gia đình tôi.
Tôi ở lại Thái Lan khi đó mà không về Việt Nam ngay vì muốn được thắp nén nhang cho nhạc phụ (vợ của ông Hiển là một Việt kiều tại Thái Lan). Mà phần mộ của ông cụ thân sinh ra vợ tôi cách Bangkok đến hơn 300 km. Chả lẽ, tôi không có quyền để làm tròn đạo lý với người đã sinh ra vợ mình?
Lại nữa, người ta vu cho tôi đi Áo rồi tạt ngang tạt dọc thăm người thân tận bên Pháp. Thánh thần ơi! Tôi đã bao giờ đến Áo đâu mà chụp mũ như thế! ĐT U23 có đi Áo tập huấn 1 tháng, nhưng trong thành phần của đội làm gì có tôi. Tôi cùng anh Lê Thế Thọ, Ngô Tử Hà chỉ đi cùng đội sang Thái Lan và sau đó quay về chứ làm gì có được sang châu Âu “ngao du” như báo chí nêu”.
Không kìm nén nổi cảm xúc ông Hiển giãi bày với Bóng Đá: “Có những điều mà người ta không biết hay cố tình không biết?! Tôi là Trưởng ban các ĐTQG và được giao nhiệm vụ sâu sát cùng ĐT U23 VN 1 năm trước ở SEA Games 22. Nhưng xin được nói lại là tôi không phải là Trưởng đoàn mà chỉ là một thành viên “ăn kèm” đội bóng (cả đoàn thể thao việt Nam tham dự chỉ có một trưởng đoàn duy nhất: ông Nguyễn Hồng Minh).
Cả đoàn bóng đá chỉ được phép đăng ký 25 thành viên, trong đó có 18 cầu thủ, 2 bác sĩ, 4 trợ lý và HLV trưởng A.Rield. Tôi mà đứng vào đó để “xí” lấy một chỗ cho mình thì bắt buộc phải loại một người. Loại ai ra? Tôi đã tình nguyện không đăng ký thành viên chính thức mà chỉ đi cùng đội nên tất nhiên, không có quyền đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì cả. Tôi chấp nhận và đến cả bộ quần áo thể thao mà tất cả các quan chức, HLV VĐV Việt Nam đều “diện” ở SEA Games 22, cũng là do Giám đốc TTHLTTQG 1 Đặng Ngọc Tuấn tặng làm kỷ niệm, khi thấy tôi không nằm trong diện được phát. Đi cùng ĐT nhưng đến giờ ăn, không có suất chính thức, tôi phải xuống bếp khu chuyên gia ăn. Thấy tình cảnh đó, ông Đặng Ngọc Tuấn kiên quyết yêu cầu tôi về nhà ăn của Trung tâm Nhổn ăn cùng các VĐV.
Sau SEA Games, toàn đội được thưởng, nhưng tôi làm gì có tên trong danh sách mà đòi quyền lợi? ĐT U23 đuợc Thủ tướng tặng bằng khen, tôi không có tên. Ai cũng bảo tôi là Trưởng đoàn, nhưng trong danh sách đăng ký không có tên ông Nguyễn Sỹ Hiển, nên đâu dám đòi hỏi quyền lợi. Nhưng với trách nhiệm của mình, tôi phải làm hết sức mình để đội tuyển giành được thành tích khả quan nhất. Vậy nên, dù có “ăn theo”, hữu danh vô thực tôi cũng phải bám đội từng ngày, từng giờ.
Tôi coi thành công của ĐTQG là vinh dự chung của toàn dân tộc. Thất bại có một phần trách nhiệm của mình. Tôi là Trưởng ban Các ĐTQG, dù không phải là Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tại SEA Games 22. Lại nói về trận đấu với Thái Lan, có người bảo tôi không đủ bản lĩnh để đấu tranh cho quyền lợi của ĐT U23. Họ đâu biết rằng, việc phân công trọng tài, giám sát là do BTC SEA Games. Tôi chỉ được đi họp 1 lần ở phiên họp kỹ thuật của giải thì làm sao có thể đấu tranh?
Thật khó khăn để nói những điều này. Nhưng vì danh dự, vì thành công của ĐTQG trong thời khắc nhạy cảm, tôi buộc phải lên tiếng”.