![]() |
Các bệnh nhân xếp hàng ngồi đợi trước phòng tia Cobalt. |
"Xin phép được tự giới thiệu, chúng tôi là những bệnh nhân ung thư đang và sẽ điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: 42 phố Thanh Nhàn, Hà Nội. Ung thư. Các anh chị có hiểu không? Khi biết bị ung thư đất trời sụp đổ, tất cả đều tan biến, chỉ còn bản án tử hình đang chờ phía trước.
Chữa bệnh ung thư thực chất là kéo dài thời gian sống: 5 năm, 5 tháng, 5 ngày... kể cả 5 giờ, miễn là còn trên dương thế, còn được ở bên cạnh người thân.
Nhưng thời gian sống quý báu được định trước một cách khắc nghiệt đó, người bệnh ung thư sẽ sống như thế nào: đau đớn quằn quại về thể xác, suy nhược về tinh thần, hay khỏe mạnh tươi tắn để ra đi?
Hầu hết bệnh nhân ung thư (95%) phải điều trị bằng tia xạ. Đa số bệnh viện ung thư ở Việt Nam dùng nguồn cobanlt 60. Tia gama cobalt 60 sẽ tiêu diệt các ổ phát sinh hoặc tập trung tế bào ung thư, giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian sống. Cho nên tia xạ là cực kỳ quan trọng với chúng tôi.
Thế nhưng, chiếc máy cobalt đang điều trị cho bệnh nhân ung thư tại phòng tia xạ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội không biết có đang giúp đỡ chúng tôi điều trị ung thư, có đang góp phần mang lại sự sống cho chúng tôi? Hay sự đày đọa do nó gây ra sẽ làm cho chúng tôi chết nhanh hơn!?
Nguồn cobalt 60 là chất phóng xạ tiêu diệt các tế bào sống, nên được sử dụng “rất hạn chế” vào việc diệt các tế bào ung thư. Do tính chất tự phân hủy liên tục, nên hạt cobalt bị nhốt trong một quả bom chì đường kính gần 1m, đặt trong căn phòng có tường đổ bê tông trộn Barit (chất chống phóng xạ) dày 1m2.
Kỹ thuật viên ra ngoài phòng, đóng cửa chì, bật máy và theo dõi qua Camera. Motor sẽ mở cửa sổ đưa hạt cobalt từ giữa quả bom ra phía ngoài, để hạt cobalt phóng tia xạ vào vị trí có tế bào ung thư.
Do sự tự phân hủy (phóng xạ tự nhiên), nên nguồn phóng xạ yếu dần đi, thời gian phát xạ điều trị sẽ phải tăng lên. Viện năng lượng nguyên tử quốc tế đã khuyến cáo: “Sau 5 năm, phải thay nguồn cobalt mới”.
Nhưng ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Nguồn cobalt đã qua thời gian sử dụng 16 năm, gấp ba lần thời gian khuyến cáo. Một bệnh nhân ung thư vú bây giờ phải nằm dưới nguồn xạ khoảng 20 phút, trong căn phòng dày đặc tia thứ cấp rất nguy hại, thiếu oxy - do oxy đã bị đốt cháy trong quá trình tia xạ trở thành Ozon.
Chưa kể, chiếc máy lưu giữ, vận hành nguồn cobalt đã qua 16 năm sử dụng, hỏng liên tục. Mỗi lần hỏng, chúng tôi lại phải ngừng điều trị từ ba đến năm ngày, có khi nửa tháng trời.
Thực sự chúng tôi, những người đã bị tuyên án tử hình - đang khao khát thời gian sống, đang kiệt quệ về sức lực và tiền bạc, lại đáng bị đày đọa thế ư?
Chúng tôi đáng phải thế sao? Ngày ngày chờ đợi đến lượt tia xạ (phải chờ đợi vì hiện nay thời gian một bệnh nhân tia xạ quá lâu), mòn mỏi, héo hắt vì những cái không đáng có...
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội (Trước là khoa khối u, bệnh viện Thanh Nhàn) đã làm tờ trình xin thay nguồn cobalt cách đây 12 năm, khi nguồn cobalt sắp đến thời hạn phải thay.
Nhưng Sở Y tế nói phải chờ. Và mới đây, Bệnh viện cho biết, hết năm sau (2006) vẫn chưa có máy mới! Một chiếc máy Cobalt mới trị giá 7 tỷ đồng. Chúng tôi nghĩ: 7 tỷ đồng có đáng là bao so với nguồn ngân sách thành phố?
Trong khi đó, chỉ đấu thầu một lô đất là thành phố đã mua được 10 cái máy. Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết mong muốn thành phố mở hầu bao, mua cho Bệnh viện ung bướu một chiếc máy mới, càng sớm càng tốt.
Mặc dù Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mới được thành lập, nhưng chúng tôi được biết trong chương trình xây và trang thiết bị mới cho bệnh viện, không có dự án thay máy cobalt.
Chúng tôi được biết, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội được thành lập với mục đích trở thành một Trung tâm chuyên sâu, mũi nhọn duy nhất trong phòng chống ung thư của Thủ đô Hà Nội.
Chúng tôi cũng biết, đang có một dự án lớn mang tên “Tầm soát ung thư vú trên địa bàn Hà Nội” do một Phó Chủ tịch Thành phố làm chủ đề tài, nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư vú.
Vì ung thư vú là loại chiếm tỷ lệ cao nhất và gây tử vong nhiều nhất. Nếu phát hiện sớm để phẫu thuật và tia xạ, thì thời gian sống sẽ lên đến 10 – 15 năm và cao hơn.
Nhưng rồi, những phụ nữ có bệnh ung thư vú được sự quan tâm của thành phố, mặc dù phát hiện ra bệnh sớm hơn, sẽ lại vào chỗ chúng tôi điều trị ư?"
Có đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mới chứng kiến hết được những nỗi khổ tâm của người bệnh. Hành lang khoa tia xạ sâu hun hút, những người bệnh lặng lẽ đi lại trong thứ không khí dậy lên “mùi bệnh viện”. Ở một góc hành lang, bên cạnh khung cửa trổ ra bên ngoài, có hai bệnh nhân một già một trẻ đang thẫn thờ ngắm nhìn trời đất.
Anh Nguyễn Hữu Thắng, bệnh nhân trẻ quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, hiện công tác tại Hà Nội ngồi bên hành lang bệnh viện, nhăn mặt lại khi có người nhắc đến chiếc máy Cobalt: “Cũng là tia xạ nhưng nếu như bên Bệnh viện K trung ương bệnh nhân chỉ tia độ khoảng 3 phút thì bên này phải mất trên 10 phút.
![]() |
Một bệnh nhân đang nằm để tia xạ Cobalt. |
Tôi bị u xơ thần kinh ở cuống họng, bản thân cũng ý thức được rằng chữa trị bằng máy cũ thì không thể hiệu quả bằng máy mới, nhưng nghe nói bên viện K đang bị quá tải về bệnh nhân nên cũng không dám chuyển sang đó điều trị. Nên đành phải nằm lên cho máy nó “hành”, chẳng biết hiệu quả đến đâu”.
Bệnh nhân già Trương Minh Thưởng, trú tại ý Yên, Nam Định chép miệng than thở: “Tôi bị ung thư phổi, đến bệnh viện này các y bác sỹ thì rất dịu dàng, tận tình chu đáo nhưng chiếc máy Cobalt thì đối với bệnh nhân chẳng “dịu dàng” tí nào.
Máy tia xạ ở đây nói chung là kém rồi, có lúc máy phải nghỉ đến 17-18 ngày để sửa chữa. Bệnh nhân bị “tắc nghẽn” lại, trong khi tế bào ung thư thì phát triển từng ngày.
Nhiều bệnh nhân ung thư khác ở Bệnh viện ung bướu Hà Nội có dịp đều bày tỏ sự thất vọng đối với chiếc máy đang duy trì niềm hy vọng về sự sống cho họ.
Đa số họ là những bệnh nhân nghèo. Nghèo đến mức để dành tiền tia xạ họ phải bớt khẩu phần ăn đi. Có người đi tia xạ về, cổ khô rát, bước chân lảo đảo nhưng chỉ dám ăn suất cơm bình dân toàn đậu phụ và rau.
Thực đơn không thể “xa xỉ” hơn bởi để đến được đây họ đã phải “dốc túi”... Mà dường như cũng chỉ có người nghèo mới phải chấp nhận nằm trên chiếc máy cobalt quá đát, còn người giàu có nhiều sự lựa chọn hơn thì chữa trị bằng gia tốc hoặc ra nước ngoài điều trị.
Thạc sĩ Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội không hề ngạc nhiên khi đề cập đến tình trạng của “cụ” máy cobalt: “Chúng tôi biết cả, nhưng con nhà nghèo thì phải mặc áo rách thôi. Với các bệnh viện điều trị ung thư thì máy tia xạ được xem như là một... đặc sản. Hiện nay trên cả nước còn khoảng 13 máy tia xạ, mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thực tế của người bệnh. Về chiếc máy tia xạ của bệnh viên chúng tôi thì quả thật tôi cũng đang mong muốn được thay chiếc máy này hơn ai hết".
Tuy nhiên, kinh phí cả ngành y tế Hà Nội chỉ có 1,2 tỷ đồng để mua thiết bị mới hàng năm, trong khi đó trị giá một chiếc máy tia xạ mới đã là trên 7 tỷ đồng. Ông Khoa cũng thừa nhận, hiện nay Bệnh viện ung bướu Hà Nội đang phải kéo dài thời gian một lần tia xạ của bệnh nhân lên gấp đôi so với trước đây.
“Nếu như trước đây bệnh nhân chỉ nằm tia xạ khoảng 5 phút thì bây giờ họ phải nằm tới 10 phút”, anh Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Vật lý Phóng xạ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội giải thích: “Do máy cũ nên chúng tôi phải kéo dài thời gian tia xạ để đảm bảo liều xạ trị cho các bệnh nhân. Với trường hợp máy hỏng hóc phải sửa chữa dài ngày, chúng tôi cũng tính toán để đảm bảo đủ tổng liều xạ trị cho bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày chúng tôi xạ trị cho khoảng 50 bệnh nhân, nếu như máy mới thì chỉ tiến hành từ 8h sáng đến 2h chiều là xong, nhưng hiện nay chúng tôi đang phải làm việc miệt mài từ sáng sớm đến nửa đêm. Đây có thể nói là những áp lực tâm lý rất nặng nề đối với cả bệnh nhân và các bác sĩ, nhân viên ở bệnh viện”.
Ông Nguyên Xuân Kử, Trưởng Khoa máy Vật lý phóng xạ bệnh viện K Trung ương, là chuyên gia thường xuyên được mời đến “điều trị” chiếc máy tia xạ ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mỗi lần chiếc máy này hỏng hóc.
“Cá nhân tôi cho rằng chiếc máy đó nên được thay càng sớm càng tốt vì đó là chiếc máy có chất lượng tồi tệ nhất Việt Nam”, đó là câu đầu tiên ông Kử nói khi đề cập đến chiếc máy tia xạ ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Với giọng bức xúc ông Kử cho rằng việc bệnh nhân phải nằm trên máy tia xạ với thời gian quá lâu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lý do: “Với người bệnh, để duy trì việc nằm yên trên máy khoảng thời gian trên dưới 10 phút là rất khó, thời gian bệnh nhân nằm trên máy càng kéo dài thì sai số càng lớn. Theo phản xạ tự nhiên người bệnh sẽ phải cử động dù ít hay nhiều, như vậy tia xạ chỉ cần dịch chuyển khoảng 1cm là thay vì khối u nhận phóng xạ thì chỗ lành trên cơ thể bệnh nhân lại phải nhận phóng xạ”.
Theo ông Kử, “Chiếc máy này tôi đã thuộc lòng từng bộ phận của nó, vì thường xuyên phải tháo ra. Nó quá già cỗi. Trước cửa phòng tia xạ vẫn có những người bệnh mòn mỏi ngồi chờ đến lượt mình.
Mỗi lần tia xạ là mỗi lần nhen lên hy vọng sống, mỗi lần kéo dài thêm thời gian sống. Đúng ra phải là như vậy. Nhưng có thể sự thật lại khác. Biết trách ai? Không thể đổ lỗi cho cỗ máy kia, nó cũng đã quá tải, đã gồng mình suốt 16 năm, và đáng lẽ ra đã được nghỉ.
Không thể đổ lỗi cho tập thể Ban giám đốc bệnh viện, vì họ muốn mua máy Cobalt mới hơn ai hết... Chỉ biết thời gian cứ trôi đi, nếu chẳng có sự quan tâm, sự đổi thay tích cực gì thì ở một góc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sẽ vẫn có những gương mặt “rúm lên vì sợ hãi, mòn mỏi vì chờ đợi quá lâu trong căn phòng nhiễm xạ”.
(Theo Tiền Phong)