![]() |
Nhân viên khách sạn cao cấp sau bề ngoài nhàn nhã là những nỗi niềm. |
Thành tốt nghiệp Trung cấp Du lịch Hà Nội, với đầy đủ ưu thế, đã không khó khăn để được vào làm trong một khách sạn 5 sao trên hồ Tây. Công việc mà Thành được giao là quản lý hành lý, xe cộ... của khách. Thế nhưng, vì là "lính mới tò te" nên khi vừa mới vào, cậu bị "mấy anh vào trước mình" đẩy ra đứng gác cửa hai tháng. Mỗi ngày đứng gác như “trời trồng” đủ 8 tiếng đồng hồ cả lúc nắng lẫn khi mưa khiến Thành nhiều khi thấy nản vô cùng. "Có lúc em muốn bỏ việc lắm, nhưng nghĩ lại thấy chẳng còn cơ hội nào tốt hơn nên lại thôi", Thành nhớ lại giai đoạn tập sự cách đây một năm.
Làm việc trong khách sạn "nhiều sao", tiếp xúc với đủ hạng người, nhưng đa phần là có học thức, ít xô bồ hơn những nơi khác. Tuy vậy, trách nhiệm đặt lên vai những nhân viên như Thành sẽ nặng nề hơn. Ở khách sạn Thành làm, việc mất mát đồ đạc của khách rất hãn hữu, nhưng lơ đễnh là "chỉ có mà đi ăn mày", vì khách nghỉ đều là những người lắm tiền, nhiều của; giá trị tài sản của họ rất lớn, nhất là xe cộ...
Công việc hằng ngày của Thành chủ yếu dùng chân tay, vậy mà đầu óc lúc nào cũng phải căng thẳng, trông chừng sếp, lơ là một chút mà bị bắt gặp thì chẳng khác nào đại họa, nhẹ thì bị mắng như tát nước, nặng hơn là trừ thưởng, đuổi việc. Không loại trừ nhiều trường hợp bị đồng nghiệp chơi xấu. Với Thành, những chuyện như vậy giờ là bình thường. "Không rắn mặt thì khó có thể trụ lâu được", Thành lạnh lùng.
Theo Thanh Niên, một trong những nguyên tắc đầu tiên trước khi vào làm mà Thành phải thuộc là "khách hàng luôn đúng". Chính vì lý do "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" này mà lắm phen cánh lễ tân như Thành phải ngậm đắng, nuốt cay.
Ví như việc có vị khách nước ngoài uống cà phê rồi làm rớt xuống drap trải giường trong phòng ngủ, chẳng biết vì lý do gì mà cố đổ sống đổ chết cho lễ tân. Không cãi lại được, nhân viên phụ trách phòng đó phải xuống nước xin lỗi, lại còn bị quản lý “sạc” cho một trận ra trò. Hay như vợ chồng ông Tây nọ, hễ cứ đi về đến khách sạn là bắt Thành vác túi xách "to" bằng cái ví lên phòng cho họ, lẽo đẽo đi đằng sau mà Thành cảm thấy chạnh lòng. "Nhiều lúc họ coi mình không bằng đầy tớ", Thành ngán ngẩm.
Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhiều lời đề nghị khiếm nhã khác. Mới tuần trước, một khách trọ đưa cho Thành 10 USD, đang hí hửng tưởng được tiền “tip”, Thành giật mình bởi lời đề nghị như ra lệnh: "Tìm gái cho tao". Lại có vị khách nam mời Thành lên phòng ngủ với anh ta, bù lại Thành sẽ được thưởng rất hậu hĩnh.
Tất nhiên, với những trường hợp như vậy, Thành phải rất khéo léo từ chối, nếu không "khách kiếm cớ gây sự với mình thì khốn". Đối với các nữ nhân viên, những khó khăn, áp lực còn nặng nề hơn nhiều.
Một tháng, cộng cả lương và tiền bo, Thành cũng kiếm được ngót nghét 4 triệu đồng. Thu nhập như vậy, Thành không có gì phàn nàn, nhưng "cái gì cũng có giá của nó", tiền nhiều thì phải phục vụ khách gần như không có điều kiện. "Em định làm thêm một thời gian nữa, đủ kinh nghiệm và có mối quan hệ sẽ ra ngoài làm ăn riêng", Thành bật mí, "như anh Hoàng ở chỗ em đấy, bây giờ mở được công ty riêng và làm giám đốc rồi".