![]() |
Ông Đặng Đình Vinh đang chăm sóc vụ đào cuối trước khi làng đào La Cả bị xóa sổ. |
Chẳng mấy nữa, những vườn đào dọc hai bên đường dẫn vào làng La Cả, xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, biến mất để nhường chỗ cho dự án xây đô thị, trường học. Bán hết vụ Tết này, những gốc đào được di cư đi đâu thì tùy, còn không sẽ chịu để ủi đi. Cả một vùng trồng đào đang thấp thỏm ngày xóa sổ... Vườn đào tủa đầy những búp bị phủ lên bởi một màn đất bụi từ ôtô chở đất băng qua. Ruộng đào trông như bỏ hoang. Thấp thoáng sau những luống cây, một người đàn ông đã luống tuổi đang cần mẫn ngắt những lá đào muộn. Ông tên Vinh, 46 tuổi, trồng đào và sống được với nghề này đã bảy năm nay. Chăm sóc vụ đào cuối trên mảnh đất của mình, người đàn ông không khỏi xót xa, tiếc nuối: "Mất đất, sợ rằng sẽ đói mất thôi. Năm sau không còn đào để thu hoạch nữa rồi, cũng chẳng biết phải làm gì để kiếm sống. Kinh tế của gia đình trông chờ vào hơn một sào đào và vài vụ rau. Không trình độ, không nghề nghiệp cũng chẳng còn đất canh tác, đi làm thuê bây giờ người ta cũng cần người có bằng cấp".
![]() |
Cũng như bao hộ khác trong làng, ông Vinh nhận khoản tiền đền bù để ôm mối lo tương lai. |
Ông Vinh tâm sự, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch năm vụ rau và một vụ đào. Tính rẻ ra mỗi mẻ rau mang về cho ông hai triệu, nếu được giá cao được từ ba đến bốn triệu. Mỗi sào đào trồng khoảng 150 gốc cũng đem về cho ông khoản thu nhập không nhỏ, từ 50 đến 70 triệu đồng. Giờ bị lấy mất toàn bộ số đất cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ sản nghiệp ra đi, ông cũng như bao hộ trồng đào khác chỉ biết ngậm ngùi nhận số tiền đền bù vài trăm triệu để rồi ôm cả một mối lo tương lai.
Vợ chồng ông sinh được bốn người con, hai đứa lớn đã lập gia đình, hai đứa nhỏ vẫn đang học cấp hai. Cả một quãng đường dài phía trước ông phải lo toan cho chúng mà vẫn chưa biết trông chờ vào đâu. Làm gì với số tiền đó để nó vừa sinh lời lại vừa giúp ông duy trì cuộc sống là nỗi niềm khiến ông trằn trọc nhiều đêm không ngủ. Còn ruộng, lũ trẻ dẫu thất nghiệp cũng có chỗ bám víu, không lo chết đói. "Đời ông bà, đời chúng tôi sẽ ăn sung mặc sướng, hưởng thụ tuổi già với số tiền ấy nhưng còn con cháu? Cả một đoàn tàu ăn theo phía sau khiến khoản tiền này chẳng mấy chốc là hết. Hết tiền hết đất rồi cuộc sống sẽ ra sao?". Ông Vinh trầm ngâm tự hỏi rồi lại tự tìm ra câu trả lời trong nỗi bế tắc.
Ông kể, cả làng đấu tranh để không bị mất đất nhưng cuối cùng cũng đành chịu. Mấy hôm nay, ngày nào ông Vinh cũng ra ruộng chăm sóc cây, ngắm nghía những gốc đào 6-7 tuổi rồi lại thở dài. Ông dự định, sang năm sẽ vào Nam làm thuê để nuôi hai đứa con ăn học. Bước sang vườn đào nhà bà Nhinh bên cạnh, ông Vinh góp chuyện cùng mấy người hàng xóm. Chủ đề của họ lại xoay quanh chuyện đất đai, cây cối. Ngừng tưới nước cho mấy luống cải cấy dưới những gốc đào, bà Nhinh lại buồn rầu nhìn cánh đồng hoa vẻ xót xa: "Vụ đào cuối cùng này chắc sẽ được giá, cái tết năm nay chắc sẽ tươm tất nhưng từ năm sau sẽ chẳng còn gì để trông đợi nữa".
![]() |
Bà Nhinh đang lo lắng năm sau không biết sẽ trông chờ vào gì để sống. |
Bà Nhinh cũng tính chuyện ngồi chợ nhưng "có phải ai cũng buôn bán được đâu". Bà cũng định đi làm thuê cho các xưởng bánh kẹo ở làng La Phù kế bên nhưng ngặt một nỗi "cả làng cùng đi thì lấy đâu xưởng cho đủ". Chỉ có vài chục triệu đồng tiền đất, gia đình bà chưa biết chia thế nào cho đủ, làm nhà thì ít quá còn kinh doanh lại không có mối.
"Nhà tôi có sáu người nhưng chỉ có ba người có ruộng, lại còn cả một đàn con cháu... Chúng nó thi đỗ, thành đạt thì may, còn không thì đói vì chẳng có gì để làm cả. Rồi lại đua đòi, sa vào tệ nạn mất thôi", bà Nhinh vừa nói vừa chỉ về phía ngôi làng hàng xóm và kể một vài "tấm gương" ăn chơi hết tiền đền bù giờ "nghèo vẫn hoàn nghèo".
Hết ruộng, hết đào, cũng như bao hộ trong làng khác, bà trở nên thất nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ ấy khi bà nhắc tới tương lai của những đứa con, đứa cháu. Bà bảo, mọi người khuyên mua xe máy, sắm sửa mọi tiện nghi trong nhà nhưng suy đi tính lại, số tiền chẳng đáng là bao, mua hết rồi lấy tiền đâu lo cho con ăn học. Bà khuyên con cái học hành tử tế để sau đi làm công nhân có lương nhưng "xem ra, chúng chẳng có khiếu học hành".
Đang mải bần thần vì những suy nghĩ vẩn vơ, bà Nhinh chợt bật dậy, nghển cổ nhìn về phía có tiếng quát tháo ầm ĩ của mấy bà trong làng. Hóa ra, những chiếc xe tải chở đất làm đường đang quần qua vườn đào nhà họ. Một đám người đang đứng ra chặn chiếc xe không cho qua làm bẩn hoa sẽ rất khó bán. "Chắc họ xót của. Mà không xót sao được, chẳng còn mấy nữa là thu hoạch rồi", bà Nhinh buông tiếng thở mệt mỏi.
Bình Minh