![]() |
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Nguyễn Văn Cừ, phía trước Trường THPT Lê Hồng Phong thường xuyên đông khách. |
Chiều 9/6, tại nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở số 109 Bis Phạm Ngũ Lão, quận 1. Vừa mở cửa một phòng vệ sinh dành cho nữ, PV Người Lao Động giật mình dội ngược trở ra khi thấy kim tiêm, ống chích vương vãi đầy trên sàn và trong sọt rác. Thế nhưng ngoài cổng NVSCC này có ghi dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng các chất ma túy!”. Người phụ nữ phụ trách NVSCC này không ngần ngại cho biết: “Bên dãy dành cho nam còn nhiều hơn!”.
Khu vực NVSCC Công viên 23/9, bề ngoài trông rất khang trang nhưng bên trong luôn bốc mùi hôi thối. Cánh cửa của những phòng vệ sinh bị... thủng từng mảng và không hề có chốt cài. Cách đây 4 tháng tại NVSCC này, người ta đã phát hiện một người chết vì say thuốc!
Công bằng mà nói, không phải NVSCC nào cũng dơ bẩn, hôi thối hay trở thành ổ của tệ nạn. Một số NVSCC khá sạch sẽ, thoáng mát phải kể đến như địa điểm dưới chân cầu Sài Gòn, ở đường Tân Thành (quận 5). Thế nhưng chính ấn tượng không tốt về NVSCC đã khiến nhiều người, nhiều địa phương ngán ngại sự có mặt của nó.
Tháng 4/2001, UBND TP HCM giao cho Lực lượng TNXP xây 100 NVSCC nhưng 4 năm qua chỉ mới xây được 16 cái!
Ông Lê Huy Cường, Phó Giám đốc Xí nghiệp Phục vụ Công cộng thuộc Công ty Dịch vụ Công ích TNXP, giải thích: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi xây NVSCC vì cả chính quyền địa phương và nhân dân đều không ủng hộ”.
Ông Cường dẫn chứng, xin đặt NVSCC khu trung tâm thì quận 1 lắc đầu bảo rằng đã có Công ty Công trình công cộng quận lo. UBND quận 3 thì “gật” nhưng UBND các phường... không “gật” nên cũng bị ách luôn. Thậm chí, năm 2004, Phòng QLĐT quận 4 đã đồng ý cho xây nhưng đang thi công bỗng nhiên một ngày nọ, cán bộ quận xuống... rút giấy phép!
Việc xây NVSCC của cấp quận cũng khổ không kém bởi việc đặt NVSCC ở đâu phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng tình của... phường và ý kiến của người dân. Theo thống kê của Công ty Công trình Công cộng quận 1, đơn vị trực tiếp quản lý NVSCC trên địa bàn, thì toàn quận chỉ có 27 NVSCC. Các tuyến đường trung tâm, đông người qua lại như Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi lại không có NVSCC.
Anh Trương Văn Sáu, nhà ở đường Mai Xuân Thưởng, phường 5, quận 6, nơi có nhiều cử tri đang kiến nghị quận di dời NVSCC ở chợ rau Mai Xuân Thưởng, cho rằng: “Không phải “công cộng” thì muốn đặt đâu cũng được. Tôi nghĩ, TP cần đặt NVSCC ở những nơi tập trung đông người như công viên, chợ, cây xăng, nhà ga, trạm dừng xe buýt... Nếu NVSCC đặt ở những nơi này không những tạo “góc khuất” cho người sử dụng mà còn không làm ảnh hưởng đến môi trường sống ở khu dân cư”.
Theo ông Lê Huy Cường, mô hình NVSCC lắp ghép đang được sử dụng phổ biến vì tiện lợi trong việc di dời nhưng giá thành lại rất cao (90-100 triệu đồng). Mặt khác lại có nhược điểm là hầm phân thuộc dạng “ủ” dễ có mùi hôi nên không bảo đảm vệ sinh. Trong khi đó, nếu sử dụng NVSCC được xây dựng cố định thì giá thành chỉ bằng một nửa, lại bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, để mô hình NVSCC cố định được sử dụng phổ biến thì điều cần nhất là TP phải quy hoạch ổn định vị trí đặt các NVSCC.
Một mô hình NVSCC được Công ty Công trình công cộng quận 1 thực hiện thí điểm thành công là NVSCC ngầm, đặt tại góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi (quận 1) khá hiện đại và tiện nghi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, kinh phí đầu tư xây dựng NVSCC ngầm rất tốn kém. Chưa kể, việc xây dựng ngầm có thể bị vướng các công trình ngầm như điện, điện thoại.
Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm CLB Kiến trúc sư trẻ TP HCM: "NVSCC phải đẹp, sạch và thân thiện".
Thực tế, NVSCC không chỉ thiếu trên đường phố mà ngay cả ở các khu giải trí, trung tâm mua sắm, số lượng nhà vệ sinh cũng hạn chế. Trong khi ở các nước, trong các cao ốc, khu mua sắm ở trung tâm luôn là một chuỗi liền kề với rất nhiều NVSCC. Cách làm này sẽ “giảm tải” sự xuất hiện NVSCC lộ thiên trên đường phố trung tâm. Ở TP HCM, việc thiếu về số lượng và yếu về chất lượng NVSCC là do tập quán sử dụng của người dân chưa nhiều. Các điểm đặt nhà vệ sinh chưa hợp lý, thiết kế chưa đẹp mắt, chưa thân thiện, chưa sạch sẽ và an toàn. Giải quyết vấn đề này không khó. Điều cần nhất là TP cần có một cuộc điều tra nhỏ để nắm được số lượng NVSCC còn thiếu. Từ đó đặt hàng các nhà thiết kế, quản lý đô thị để tìm ra vị trí và mô hình NVSCC phù hợp. Vấn đề khai thác và xã hội hóa NVSCC cũng đặt ra để kêu gọi nhiều thành phần tham gia. Để tránh đặt lộ thiên trên vỉa hè, cần “gắn” các NVSCC ở những công viên, quảng trường, khu vui chơi với kiến trúc xinh xắn, chất liệu đơn giản nhưng đẹp, sạch sẽ và thân thiện. |
