Phụ nữ thường than rằng mình có cả trăm nỗi khổ… nhưng không phải ai cũng hiểu cho những nỗi khổ của đàn ông. Trông họ thì mạnh mẽ, hoành tráng nhưng không ít người phải chịu cảnh "bên ngoài cười nhạt, bên trong khóc thầm". Đã mang danh đàn ông thì dù có khổ mấy cũng đành phải để "nước mắt chảy vào trong" và âm thầm chịu đựng…
Vợ chồng Minh lấy nhau đã 11 năm, cuộc sống cũng có của ăn của để nhưng căn nhà vẫn thấy lạnh lẽo vì vắng tiếng cười trẻ thơ. Đã lâu rồi, Minh không về quê vì mỗi lần về là một cực hình, bố mẹ và cả họ hàng cứ gặp anh là hỏi: "Chúng tôi sắp có cháu bế chưa?".
Bà nội Minh chua chát nói: "Số nhà ta vô phúc. Tôi có mỗi thằng con trai, đẻ được mụn cháu mà giờ vẫn chưa có con, chắc tôi chết cũng không được nhìn mặt chắt đích tôn. Không biết kiếp trước ăn ở ra sao mà khổ thế này…". Gia đình anh vẫn tưởng "lỗi" thuộc về Hà. Minh chỉ biết câm lặng, nước mắt mặn mòi trong cổ họng. Anh hiểu tập tục ở quê nên hiểu sự lo lắng của gia đình nhưng không dám nhận mình mới chính là người bị vô sinh, anh thấy thương vợ, giận số phận của mình hơn…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Hai vợ chồng Minh lấy nhau 11 năm thì có 8 năm đưa nhau đi chữa bệnh. Minh nói với tôi: "Nhiều khi, cứ nhắm mắt ngủ là tôi mơ thấy bệnh viện, trong giấc mơ chỉ toàn thuốc, kim tiêm, dao kéo và quần áo trắng toát. Tôi thấy sợ bệnh viện, sợ cả mùi thuốc bắc mỗi chiều về đến nhà".
Hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội, TP HCM anh đều đến, cứ nghe bác sĩ đông tây giỏi là đến xin chữa bệnh. Minh nói: "Chẳng biết vợ tôi nghe ai rồi bảo có ông lang B. ở Nhân Chính, xứng danh "thần y" về trị bệnh hiếm muộn. Tôi xin nghỉ phép dồn mấy năm đến chầu trực gần 1 tháng mới đến lượt, mất toi gần chục triệu đồng để nhận thêm cái bực vào người". Minh từng đưa vợ đi Sơn La chữa thuốc dân tộc, mời thày ở Hà Nam về tận nhà, cúng bái ở nhiều điện nhiều chùa, đã thuê một thày cúng cao tay về để "cưới lại cho đẹp ngày"… nhưng sự mong mỏi vẫn cạn dần theo năm tháng…
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe bạn bè nói vợ chồng Minh đã nhận con nuôi, thật mừng cho vợ chồng Minh. Nhưng nỗi buồn vẫn không buông tha anh, đứa con họ nhận về từ bệnh viện bị dị tật bẩm sinh, cháu bị bệnh đao nên đã gần 4 tuổi mà cứ vẫn ú ớ như đứa trẻ 10 tháng.
Sức ép từ phía gia đình, sự chế nhạo của bạn bè khiến Minh rơi vào trầm cảm. Tháng 4 vừa rồi, vợ Minh đã phải đưa Minh nhập viện tâm thần. Gặp ai Minh cũng nói những câu tưởng vô nghĩa nhưng ngẫm ra mới thấy đau lòng: "Tôi là hòn đá… Tôi là sỏi đá, đừng bắt tôi có con".
Cứ mỗi lần gặp nhau, tôi thấy Trung lại tăng về tửu lượng. Tôi ngạc nhiên vì cách đây 3 năm, chỉ cần nửa chén rượu vang Thăng Long là mặt hắn đã đỏ như gấc rồi say túy lúy, vậy mà… Khi tôi ngỏ ý muốn học hỏi kinh nghiệm, thấy hắn mặt buồn so: "Ông động vào nỗi đau của tôi rồi. Tài giỏi gì chuyện uống rượu, tôi phải uống, vợ tôi 'đọc lệnh" đấy. Nói ông đừng cười, tôi hơi yếu "khoản ấy"…". Rượu vào, câu chuyện của Trung nghe sao buồn thế, đề tài mọi người thường đùa cợt nhau "trên bảo dưới không nghe" nay nghe Trung nói một cách nghiêm túc lại thấy xót xa.
Ngay sau khi cưới vợ, Hưng đã cảm thấy một điều gì đó không ổn, cô vợ cũng ngượng ngùng không nói, nhưng có đêm khi chợt tỉnh giấc Hưng thấy vợ mình đang khóc… Rồi cũng chính vợ Hưng đi khuân về cá ngựa, tắc kè, dâm dương hoắc, ba kích, Minh Mạng thang, rễ cau lộ thiên… đem ngâm rượu bắt chồng uống. Từ chỗ khi có bạn bè mới uống một ly Hưng đã trở thành con nghiện, rượu uống mãi không say. Những thang thuốc không giúp được Hưng nhiều, mà tác dụng của thuốc cũng không còn nữa khi mỗi đêm Hưng đều về nhà trong trạng thái say sỉn.
Một tối, khi vợ đang tắm thì điện thoại của vợ có tin nhắn, Hưng lén đọc và biết vợ mình có bồ. Sau phút điên cuồng là sự đau đớn và chán chường tột độ, cảm giác bị "cắm sừng" không đau bằng nỗi cay đắng của kẻ bất lực. Cách đây một tháng, vợ Hưng làm đơn xin ly dị vì: "Anh là người tốt nhưng em thành thật xin lỗi. Em không vượt qua được bản thân, hãy để em đi". Trung ra khỏi nhà như một kẻ mộng du sau khi ký vào đơn ly dị.
Là trưởng phòng kế hoạch một công ty lớn nhưng cuộc sống của ông Hoan chưa bao giờ hạnh phúc. Ông đã gần 50 tuổi, đã qua "ba lần đò", cả ba người vợ đều rời bỏ căn nhà sang trọng mà không một chút hối tiếc. Ông mắc căn bệnh "chưa đến chợ đã hết tiền", vì bệnh mà trở nên ích kỷ, độc đoán đến bệnh hoạn. Lúc nào, ông cũng lo vợ ngoại tình nên thuê người theo dõi vợ lúc đi làm, cấm vợ gặp gỡ bạn bè, không cho vợ mặc quần áo đẹp, không cho vợ xem phim tình cảm…
Ông lại gặp may khi qua mối lái một cô sinh viên tỉnh lẻ vừa tốt nghiệp đồng ý lấy dù chênh nhau gần 30 tuổi. Hai năm sau, người có bầu rồi sinh con nhưng chồng chẳng thấy vui. Ông Hoan đã đến bác sĩ xin tư vấn, và được giải thích "người bị bệnh như anh hoàn toàn có thể sinh con". Tuy nhiên, ông không tin và tìm mọi cách tra khảo vợ mặc cho vợ khóc lóc thanh minh cả năm trời. Có lần cô vợ ức quá mắng lại: "Ông bất lực nên lúc nào cũng chỉ sợ thằng khác làm thay "phần việc" của mình. Tôi cũng chán đến cổ rồi". Trước tình hình đó vợ Hoan đòi ly dị, sau nhiều lần khẩu chiến, Hoan tuyên bố: "Nếu cô đi lạy tất cả mọi người trong họ nhà tôi thì tôi đồng ý ly dị". Hoan không ngờ cô vợ đã đến từng nhà họ hàng mình quỳ lạy xin được "giải phóng".
Dũng cũng không may mắn khi bị thứ bệnh tế nhị mà quái ác kia bám lấy. Học xong đại học và đã đi làm được vài năm, gia đình thúc giục chuyện vợ con anh vẫn tìm cớ khất lần. Một lần đi Sa Pa du lịch, anh rủ tôi vào bản kiếm thuốc. Câu chuyện buồn của anh lại kết thúc có hậu, cuối năm vừa rồi anh lấy vợ, một cô giáo phổ thông cơ sở xinh xắn. Tôi cũng lo cho anh nhưng mỗi lần gặp đều thấy anh say sưa nói về vợ với sự yêu thương và vị nể cũng khiến tôi yên lòng. Tâm sự của anh đã giải toả lo lắng của tôi: “Số anh thật may mắn khi lấy được người vợ biết cảm thông chia sẻ.
Chị ấy đã động viên anh rất nhiều, anh đã khóc khi nghe vợ an ủi: “Anh đừng buồn, ông trời lấy mất của người ta thứ này sẽ cho người ta thứ khác. Anh có một sức khỏe tốt, một công việc phù hợp và được mọi người yêu mến… anh còn có em nữa. Tình yêu lớn sẽ vượt qua tất cả”. Rồi cô ấy nghe mọi người mách đã về tận Quảng Ninh mua thuốc cho anh. Không bị mặc cảm, được vợ yêu quý và dùng thuốc Nam đều đặn anh thấy tình hình tốt hơn nhiều”. Anh cười thật tươi, ánh mắt lấp lánh: “Giờ thì ngon rồi, vợ anh đã có bầu 4 tháng”.
Đã là con người ai cũng muốn những điều may mắn, tốt đẹp đến với mình, nhưng không ít người phải chịu những thiệt thòi sâu kín. Với đàn ông, việc bị mang tiếng là bất lực khi “chuyện ấy” có vấn đề là nỗi đau. Chính vì tính sĩ diện đàn ông mà không ít người đã bị vô sinh vì ngại đến bệnh viện khám và chữa bệnh hoặc chỉ đến khi tình hình đã “quá xấu”.
Giáo sư Trần Quán Anh, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, nói: “Đàn ông đâu hiểu rằng, những chuyện “tế nhị” lâu ngày không dám nói ra, nếu kéo dài sẽ trở thành bệnh vô sinh. Vì vậy, các ông chồng nên đi kiểm tra sớm nếu thấy cơ thể bất thường”. Theo giáo sư, vô sinh nam giới phải có những giải pháp chữa trị rất chuyên biệt. Đây là một bệnh khó chữa, có nhiều dạng khác nhau. Hiện nay tỷ lệ vợ chồng vô sinh chiếm 15%, trong đó một nửa nguyên nhân do “tội” của nam giới, và trong số này chứng bệnh bất lực (còn gọi là rối loạn cương) chiếm gần 16%”.
Những trường hợp đó, phải có sự hy sinh, hay nói đúng hơn cần có một "tình yêu lớn" từ phía người vợ để giúp chồng tự tin vào cuộc sống. Chị Hương, vợ anh họ tôi, tâm sự: “Đàn ông mắc bệnh bất lực khổ lắm. Động viên mãi anh ấy mới đến gặp bác sĩ, chị thở phào khi được trả lời anh ấy vẫn có thể có con. Cần phải vượt qua bản năng, cuộc sống đâu chỉ có “chuyện ấy” mới hạnh phúc. Anh Dũng là người đàn ông tốt, giỏi giang, chị tự hào khi được sống bên anh ấy”.
(Theo Pháp Luật và Xã Hội)