1975, 1978, 1985, 1986... Người quản trang dẫn tôi đi lang thang trong nghĩa trang thị xã, lẩm nhẩm điểm tuổi của những ngôi mộ mà chị biết là chết vì ma túy và AIDS... Đó là những ngôi mộ không bao giờ được bốc.
Nghĩa trang Bó Ẩn, cái tên thông dụng và ngắn gọn vốn được dùng thay cho cụm từ “Nghĩa trang nhân dân thị xã Sơn La”, dưới những cơn mưa như trút nước của cơn bão số 4 đã trở thành một vũng nước khổng lồ và lầy lội. Nước tuôn xuống từ những khe núi bao bọc xung quanh nghĩa trang, biến thành những con suối chảy xen giữa những ngôi mộ cuốn theo cơ man những nắm đất đỏ rực như màu máu.
Dừng lại bên một vài ngôi mộ được xây kiên cố nằm ngay trong khu mộ chưa cải táng, chị Nguyễn Thị Tuyết, quản trang nghĩa trang Bó Ẩn, ngậm ngùi rằng chỉ trong hai năm trở lại đây, những ngôi mộ như thế này xuất hiện nhiều với mức độ bất thường. Đội thợ xây mộ trong nghĩa trang được yêu cầu xây sẵn mộ theo kiểu ba bề được đổ xi măng chắc chắn, bên trong đổ cát với nắp đậy bê tông để chôn vĩnh cửu, trái hẳn với phong tục chôn 3 năm rồi phải cải táng của người Việt. Tám tháng đầu năm 2005, chị đã chứng kiến gần 30 ngôi mộ xây theo kiểu vĩnh cửu như thế này...
Có những đám ma gia đình nạn nhân cũng chẳng buồn giấu giếm rằng con mình có HIV, coi đó là một điều bất hạnh trong gia đình, chôn cất là thôi và cũng không muốn xới lại nỗi buồn ấy làm gì. Có những ngôi mộ là con cháu của một số vị chức sắc... Chị Tuyết đọc vanh vách lý lịch của một ngôi mộ đặc biệt, nhưng chỉ xin một điều đừng đưa tên họ lên cho khỏi tủi vong linh của kẻ đã qua đời, mà một phần cũng khỏi đau lòng những người đang sống...
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Sơn La, trong 5 tháng đầu năm 2005 đã có 22 bệnh nhân AIDS tử vong. Số người có HIV được phát hiện tích luỹ từ tháng 10/1998 đến 5/2005 đã lên tới 1.940 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS được phát hiện lên tới 109 người.
Hiện nay, toàn bộ 11/11 huyện, thị của tỉnh Sơn La đã có người có HIV; 119 xã, phường trên tổng số 201 xã, phường trong toàn tỉnh có người có HIV/AIDS được phát hiện. Qua kết quả giám sát điểm, nguyên nhân chính xảy ra đại dịch HIV/AIDS bắt nguồn từ nhóm người nghiện ma túy, chiếm tới 95,2%. Lứa tuổi có HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 20-39, chiếm tới 78,1% số lượng người có HIV. Bản đồ có HIV/AIDS tập trung quanh các huyện dọc quốc lộ 6. Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, đến đầu năm 2005, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở Sơn La đã xấp xỉ 9.000. Trung bình cứ 100 dân có 1 người nghiện. Ma túy tràn ngập 11/11 huyện, thị của Sơn La. Riêng lứa tuổi từ 15-35, số người nghiện quản lý được là 4.457 người. Số lượng người dân tộc Thái nghiện ma túy đứng đầu với 3.607 người, tiếp theo là người Mông với 2.796 người, người Kinh là 1.810 người. |
Chị Tuyết cho biết, khu nghĩa trang Bó Ẩn này chủ yếu chôn cất những người sống ở thị xã Sơn La (cũng là địa bàn có số người có HIV/AIDS cao nhất tỉnh: 36,9%) và chủ yếu là người Kinh. Nếu tính cả số người dân tộc Thái và Mông được chôn cất tại các nghĩa trang riêng của từng bản xung quanh thị xã thì hẳn con số những ngôi mộ kiểu này không dừng lại ở những điều chị biết.
Không những thế, số lượng những ngôi mộ phủ hoa trắng do các con nghiện trẻ sốc thuốc chết thì còn nhiều hơn nữa. Chưa bao giờ như trong vòng 2 năm nay, chị chứng kiến cái cảnh cứ 10 đám ma thì có đến 6 đám là người trẻ. Những vòng hoa trắng cứ nối tiếp nhau phủ lạnh cả cái nghĩa trang Bó Ẩn này. Ám ảnh nhất có lẽ là cảnh những gia đình con đang còn sống mà bố mẹ đã lên đặt sẵn đất, xây mộ kiên cố chờ con đi...
Khu đồi Khâu Cả, còn gọi là đồi Thanh niên, cứ đến tối là dập dìu ánh đèn pha xe máy. Đồi Khâu Cả được coi là trung tâm tụ tập của thanh niên thị xã Sơn La, đứng từ đây phóng mắt có thể bao quát được toàn bộ thị xã.
Đồi được chia thành từng khu vực rõ rệt: khu đèn sáng nhất cho lên đến đỉnh đồi là nơi tụ tập của đám choai choai chuyên rú ga và bốc đầu xe máy; khu bóng tối phía bên kia đồi từ nhà tù Sơn La trở xuống là nơi tình tự của các đôi tình nhân, và khu tối hẳn dành cho đám nghiện ma túy. Thành chỉ phía một tốp lố nhố hơn chục thanh niên cỡ tầm 17-19 tuổi nói nhỏ: 12 thằng thì một nửa "thoát", nửa còn lại nghiện hết!
Theo lời Thành, chơi heroin đang là "mốt" đối với thanh niên ở thị xã Sơn La! Trừ những thanh niên thi đỗ đại học hoặc cao đẳng, đi nghĩa vụ quân sự hay đi làm xa là "thoát", hễ cứ thất nghiệp ở nhà là thể nào cũng rủ rê nhau vào con đường nghiện ngập. Riêng lứa cấp III của Thành vừa ra trường được 1 năm, điểm mặt đã có hơn chục trường hợp nghiện ma túy.
Đau lòng là ở chỗ không chỉ có người Kinh, những bạn học là người Thái vốn chỉ biết đi học rồi đi nương cũng dính vào ma túy. Cũng chả ở đâu như ở đây mới có cái kiểu "mốt" nhiều thanh niên đi chơi đêm phóng xe máy ngoài đường mà cứ đeo khẩu trang trên mặt. Thành cho biết cái "mốt" này xuất phát từ chuyện một số thanh niên trong các bản sâu bị AIDS đã phát ra đầy mặt nhưng vẫn đeo khẩu trang ra đường đứng bán heroin, đám thanh niên hiếu kỳ thấy hay hay là lạ cũng đem về áp dụng.
Cái bóng dáng của sự bất an hiển hiện ngay giữa ban ngày tại công viên trung tâm thị xã. Khi khách vào uống nước nhờ ra đằng sau rửa tay, bà chủ quán tốt bụng người miền Nam đã phải ngay lập tức nhao ra đứng trông đồ cho khách, dù chỉ là chiếc mũ bảo hiểm. Bà cho biết chỉ cần hở ra thì bất cứ thứ gì bọn nghiện đều lấy đi hết. Đảo một vòng quanh thị xã, những "điểm nóng" chúng tôi điểm mặt đều thấy thanh niên ngồi lố nhố nói cười rôm rả. Từ khu điện lực Sơn La đi vào, khu Huổi Hin “nức tiếng” là điểm nóng về ma túy của thị xã, cứ đến đúng tầm 3 cữ chích thuốc là đám con nghiện ngồi tràn cả ra ngoài đường, thậm chí thản nhiên săm soi khách qua đường.
Ông Lò Kim Trọng, cháu đời thứ 42 của Tộc trưởng Lò Làng Trượng, người đã cầm quân mở đường cho người Thái từ Nghĩa Lộ vào Sơn La khi xưa... cứ thần cả người ra khi nói đến thảm cảnh ma túy. Là nhân vật có uy tín trong cộng đồng người Thái, nay ông cũng lâm vào cái cảnh bất lực khi những già bản đến tham vấn xin chỉ cho họ biết phải làm như thế nào trước cảnh tượng này. Quanh thị xã Sơn La, những bản Giảng, bản Lầu, bản Hẹo... cũng đã có tiếng vì nhiều người nghiện. Thậm chí, địa danh Thôm Mòn trên mạn Thuận Châu một thời còn nổi danh cả nước vì trở thành lô cốt ma túy, cả bản cùng buôn, cùng bao che cho nhau bán ma túy.
Cuộc sống gia đình ông Lò Văn Sùng cũng như những gia đình bản Tông này bao lâu vẫn bình lặng và yên ả, nếu không có cơn bão ma túy ập vào. Thanh niên trong bản nghiện la liệt. Chưa bao giờ bản Tông lâm vào cái cảnh có gia đình chẳng dám nuôi gà vì cứ hở ra là mất. Gia đình ông thấp thỏm trông chờ và giữ gìn Lò Văn Cường, cậu con trai độc nhất, lớn lên từng ngày, rồi tốt nghiệp cấp III... trong cái cảnh từng đám thanh niên cùng lứa tuổi lần lượt sa chân vào ma túy...
Con đường vòng qua thị xã đi Mường La sắp được mở, gia đình ông được đền bù tới 300 triệu, một số tiền khổng lồ đối với gia đình, nhưng ông cứ thờ ơ không thấy vui. Ông rơm rớm nước mắt cho biết sẽ chỉ vui khi thằng Cường một là được đi học đại học, hai là được đi nghĩa vụ quân sự... rồi thoát ra khỏi cái bản Tông này, rồi được Nhà nước, được Quân đội rèn cho nên người. Nếu không, đối với ông, tất thảy những điều khác chẳng có ý nghĩa gì...
Chị Tuyết mời tôi ở lại dùng bữa cơm rồi đầu giờ chiều theo chị đi dọn kim tiêm quanh những ngôi mộ. Chị cho biết cứ vài ngày lại dọn được một rổ đầy. Biết chị là quản trang mà nhiều khi chúng cứ ngang nhiên chích thuốc ngay trước mắt chị. Những gương mặt ấy trẻ lắm, toàn con cái của những người sống trong khu dân cư mà chị đã quen mặt thôi... "Sợ nhất là cái cảnh đến một ngày bố mẹ chúng lại đến nói khó với tôi rằng xin đặt trước một ngôi trong cái dãy mộ vĩnh cửu mà tôi đã xây sẵn thành dãy đấy thôi", người phụ nữ đất Ninh Bình lên Sơn La lập nghiệp bằng cái nghề chẳng vui vẻ mấy này cười buồn...
(Theo Công An Nhân Dân)