Những cái chết từ bệnh tật, tai nạn, tự tử trong sinh viên là những cái chết dễ bị "đồn thổi", "thêu dệt" nhiều nhất. Không cần biết có quen người đó hay không, thế nhưng nghe-một-người nào đó "buôn chuyện" về người đã chết, lập tức trí tò mò của bạn nổi lên.
Và theo một phản ứng dây chuyền kiểu như "cái lông gà bay từ tầng 5 xuống tầng 1 đã thành một con gà chết", chúng ta thỏa sức "buôn đi bán lại" câu chuyện mặc cho sự thật đi đến đâu. Người mất không thể lên tiếng mình oan còn người sống thì đang trở thành những kẻ vô tâm.
Nhưng còn một loại bệnh "nan y" hơn thế đang lây lan và cũng đang trở thành vấn nạn trong đời sống sinh viên, đó chính là bệnh thờ ơ, vô tâm.Và khi có bất cứ ai xung quanh mà chúng ta "nghe nói" là nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc là lập tức chúng ta nhìn bạn bè mình bằng con mắt khác, cũng không quên những lời cay độc, nguyền rủa dành cho họ. Xót xa nhưng lại là sự thật, chúng ta chỉ nhắc nhiều tới họ khi họ đã chết...
Đầu tháng 9, ĐH Sư phạm Thái Nguyên xôn xao về cái chết của sinh viên tên Khoa (học năm thứ 3, khoa Tin học). Không ai chịu tìm hiểu xem tại sao bạn chết, họ vội buông ngay những lời đồn thổi hết sức phi lý, thậm chí còn "độc ác". Những bà "chuyên bán dưa lê" nơi quán nước cổng trường không biết chuyện đã đành, nhưng thật buồn khi những lời đồn đại đó lại xuất phát từ chính bạn bè trong lớp của Khoa.
Họ bàn tán, thì thầm với nhau rằng Khoa chết là do đam mê điện tử. Vài ngày trước khi qua đời, Khoa đã ngồi liên tục 3 ngày 3 đêm để chơi game dẫn đến suy kiệt sức khỏe mà chết. Rồi lại cũng có những lời đồn từ các "hội nhậu" kiểu như Khoa là con sâu rượu, toàn uống rượu "xếch", rượu chay không đồ nhắm trong một thời gian dài nên mới bị suy gan, suy thận mà chết.
Đáng buồn hơn, lúc sống thì ít quan tâm, nhưng đến lúc chết lại bị đưa ra làm "đầu câu chuyện", làm chủ đề "buôn bán" cho mọi người những lúc rảnh rỗi.
Minh Hùng, sinh viên năm thứ 2 ĐH Sư phạm Thái Nguyên thành thật: "Thực ra, đồn thổi về những chuyện như thế này trong sinh viên không phải là hiếm, mình cũng đã từng là một trong những người góp phần đưa những thông tin kiểu như đồn thổi ấy bay xa hơn... Có lần, chỉ vì vui miệng, mình hỏi một câu bâng quơ rằng "thằng H có phải nghiện không đấy mà tao thấy nó dạo này gầy thế kia? Vậy mà, mai ra quán nước ngồi, đã thấy các bạn truyền tai nhau là thằng đấy nghiện. Choáng! Không tin nổi".
Câu chuyện của P. sinh viên năm 3 Đại học Thái Nguyên thì khác, cậu bức xúc: "Khi một cậu bạn của tôi mất vì một căn bệnh hiểm nghèo, tôi là người trực tiếp ở bên cậu trong suốt những ngày cuối cùng ấy, tôi là người hiểu rõ nhất tất cả mọi chuyện. Một hôm đang ngồi trong quán nước, tôi giật mình khi thấy một cậu bạn khác ngồi nói chuyện của bạn tôi. Tôi không tin vào tai mình nữa, bạn tôi đang từ một học sinh ngoan ngoãn bỗng trở thành một kẻ rượu chè cờ bạc vì nợ nần nên tự tử. Tôi đứng phắt dậy, người nóng bừng tức giận, hôm ấy nếu không có mấy người bạn ngăn cản, thật không biết đã có chuyện gì xảy ra rồi. Tôi không hiểu nổi nếu bố mẹ của bạn tôi ở quê mà nghe được những câu chuyện này về con cái họ thì họ sẽ nghĩ ra sao".
Trong vai những người bạn quan tâm đến cái chết của Khoa, tới phòng y tế của ĐH Sư phạm Thái Nguyên để hỏi cho chính xác về nguyên nhân cái chết.
Nhà trọ của Khoa cách phòng y tế chỉ 3 phút đi bộ, vậy mà khi hỏi, cô y tá trưởng phòng đã buông một câu lặng ngắt: "Chúng tôi không biết. Cậu ta chưa một lần qua chỗ chúng tôi khám xét xem là bị làm sao".
Đã thế, cô còn "tâm sự" lúc nhìn thấy Khoa gọi taxi (hôm cuối cùng) để đi ra bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thì "chúng tôi cảm thấy tự ái lắm, nó chẳng coi chúng tôi ra gì, không qua xin giấy chuyển viện, cái chết ấy không liên quan gì đến chúng tôi cả".
Sự thật là, lần cuối cùng, khi thấy sức khỏe có vẻ suy yếu, Biên người bạn cùng phòng đã đưa Khoa đến trạm xá. "Bác sĩ ở trạm nói nó chỉ bị tụt huyết áp, về pha cho cốc nước đường uống đỡ. Vậy mà", Biên nói. Bác chủ nhà trọ của Khoa xót xa kể: "Khổ thân nó, thằng bé trắng trẻo ngoan ngoãn hiền lành là thế mà xấu số. Lên Bệnh viện Đa khoa, người ta bảo nó bị suy gan, suy thận nặng quá, không cứu nổi. Thế mà các cô ở phòng y tế lại không biết, giá như phát hiện sớm thì đâu đến nỗi".
Không thể phủ nhận một điều rằng, tình trạng một bộ phận sinh viên của chúng ta chết do tự tử hay mắc phải những căn bệnh mà nguyên nhân của nó bắt nguồn trực tiếp từ lối sống và thói quen không lành mạnh ngày càng gia tăng. Nghiện hút, rượu bia, cờ bạc đang là những vấn nạn tràn ngập mà khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Nhưng còn một loại bệnh "nan y" hơn thế cũng đang lây lan và trở thành vấn nạn trong đời sống sinh viên đó chính là bệnh thờ ơ, vô tâm. Hàng ngày, chúng ta sống chỉ biết tới mình, cùng lắm là một vài người bạn thân. Cuộc sống của chúng ta cứ bị bó hẹp trong "căn - phòng - có - một - cửa". Và khi có bất cứ ai xung quanh mà ta "nghe nói" là nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc là lập tức chúng ta nhìn bạn bè mình bằng con mắt khác, cũng không quên những lời cay độc, nguyền rủa dành cho họ. Xót xa nhưng lại là sự thật, chúng ta chỉ nhắc nhiều tới họ khi họ đã chết...
Đã bao giờ, bản thân chúng ta đặt câu hỏi tại sao những người bạn "xấu xa" của chúng ta lại lao vào rượu, vào game, vào các tệ nạn khác. Hay vẫn chỉ là một lối nghĩ tiêu cực.
Như tâm sự của bạn T.: "Thực sự thì mình muốn hòa nhập với bạn bè lắm, nhưng dường như họ không hợp và coi khinh mình. Hoạt động của trường thì không đủ sức thu hút bọn mình. Quanh đi quẩn lại chỉ mấy trò hát hò, diễn kịch. Mà nói thật chỉ khi nào cần thành tích thi đua thì trường mới tổ chức. Và điều hiển nhiên, xung quanh mình có quá nhiều thứ hấp dẫn để lao vào hơn thế. Mình cũng biết cái gì quá cũng đều không tốt. Nhưng khi đời sống đã chống lại bạn, thì bạn cũng sẽ có những hành động bất cần tới nó".
(Theo Sinh Viên Việt Nam)