Có những người bệnh tâm thần không kiểm soát, làm chủ được hành vi của mình. Mỗi bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện tâm thần là một câu chuyện buồn, một kỷ niệm buồn. Từ những người bị mắc chứng tâm thần phân liệt, người bị hoang tưởng, những người bị stress nặng. Mỗi bệnh nhân là một cảnh đời khác nhau.
Chăm sóc bệnh nhân hơn cả người nhà trong gia đình
Là người có kinh nghiệm hơn 15 năm công tác tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội, bác sĩ Đỗ Văn Thắng - Trưởng Khoa Cấp tính nữ, trải lòng: “Thời gian làm việc ở đây có rất nhiều kỷ niệm, nhưng chủ yếu toàn kỷ niệm buồn. Công tác chăm bệnh nhân vô cùng vất vả, từ việc giải thích, động viên, tạo niềm tin động viên cho người bệnh, khuyên giải họ điều trị chữa bệnh đến việc chăm, lo cho bệnh nhân từ bữa ăn, giấc ngủ. Tính đặc thù không như các cơ sở y tế khác, tại Bệnh viện tâm thần, ngoài công tác chuyên môn như thăm, khám và yêu cầu điều trị bệnh đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ở đây còn phải dành cả thời gian chăm sóc những bệnh nhân hơn những người nhà của mình”.
Từ việc bón cho bệnh nhân ăn, rửa tay, chân cho họ, ngay cả việc vệ sinh cá nhân của người bệnh đều có bàn tay của những người thầy thuốc. Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn khó hơn, nhiều khi các bác sĩ, nhân viên còn phải dỗ dành, tâm sự nói chuyện với bệnh nhân để họ bớt nghịch ngợm, chịu khó nghe lời. Có những trường hợp người nhà đem người bệnh đến bệnh viện xong rồi để luôn tại đó, không thấy lên thăm nom người bệnh gì, viện phí cũng không nộp rồi mất liên lạc luôn, khi có vấn đề gì Viện cũng không biết liên lạc với ai. Nhiều khi trong cảnh “dở khóc, dở cười, bỏ thì thương, vương thì tội”.
Có những bệnh nhân không chịu tuân theo lời điều trị của bác sĩ, có người dạo vài vòng quanh sân rồi đòi về nhà, có những người cười nói không rõ ràng cứ đòi mẹ… là những tình huống mà các bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội thường xuyên gặp phải.
Bệnh nhân không dám ăn cơm vì sợ cơm có độc
Xã hội ngày càng phát triển, sức ép từ cuộc sống nhiều hơn thì số lượng bệnh nhân bị các chứng bệnh về rối loạn tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi nặng dẫn đến các triệu chứng tâm thần cũng nhiều hơn. Mỗi ngày tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội trung bình tiếp nhận tới 5-6 bệnh nhân nhập viện. Các trường hợp từ trẻ già, lớn bé đều có cả, cả những người có chồng, người chưa có chồng trong Viện đều có. Các bệnh nhân đến đây điều trị chủ yếu ở khu vực Hà Nội và một số khu vực lân cận khác như Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình.
Các triệu chứng, dạng bệnh tâm thần khác nhau đều có cả. Nhưng chủ yếu là các chứng tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, stress… Có những người bệnh đến đây một mực khăng khăng phủ nhận bệnh lý của mình, có trường hợp vào viện cứ liên tục nói họ bị “điên” đâu mà đưa họ tới đây. Có những người lại mắc chứng hoang tưởng, không dám ăn cơm vì nghi ngờ cơm có độc, người thì nghi ngờ không hợp tác để điều trị. Tâm lý của những bệnh nhân này cũng rất thất thường, không ổn định do vậy công tác thăm khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân vô cùng cơ cực.
Lấy tay gạt đi giọt nước mắt lăn trên má, anh Trần Văn Hướng (ở Hải Phòng, chăm con gái đang điều trị tại Viện) cho biết: “Con gái tôi bị chứng bệnh hoang tưởng, nó cứ nghe thấy tiếng người nói xấu nó văng vẳng bên tai nên nó rất dễ đau đầu. Có một mình chăm con ở đây cũng khá vất vả. Nhiều khi nằm ngủ chỉ có nằm một bên được vì con nó nằm hết cả cái giường, rồi những hôm phải trắng đêm để trông con. Tôi nghĩ mà vừa thương con, vừa tội nghiệp. Nhưng gia đình cũng xác định điều trị bệnh là quá trình lâu dài nên cứ cố gắng còn nước còn tát. Nhiều cán bộ cũng rất nhiệt tình, cởi mở, vừa có chuyên môn mà vừa tận tụy với công việc. Công việc chăm con như thế tôi thấy đã vất vả lắm rồi, nhưng nhìn cảnh bác sĩ chăm sóc bệnh nhân ở đây còn vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần.”
Theo Lao Động
* Tên nhân vật đã được thay đổi