Hoàng Yến Anh
Nếu ở Việt Nam, Tết cổ truyền là ngày lễ lớn nhất trong năm thì ở Đức, Giáng sinh là kỳ nghỉ lễ được họ coi trọng nhất. Tôi là một người khá may mắn, vì ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Đức, tôi đã được hòa mình vào không khí đầm ấm trong dịp lễ Noel ở đây.
Bắt đầu từ tháng 11, tôi và mọi người lục đục đi mua quà cho nhau. Tôi có thể lang thang cả ngày ở siêu thị hay những chợ trời thường mở cửa vào các ngày cuối tuần trong tháng 12 để "săn lùng" quà. Noel cũng là dịp để tôi được "thổ lộ" những điều ước của mình, vì nếu cứ im lặng mà để cho mọi người chọn quà thì có lẽ những món quà ấy sẽ "ngủ yên" trong tủ mất.
Thông thường, bắt đầu từ tháng 12 mỗi nhà sẽ treo một vòng nến trang trí bằng lá thông và hoa quả khô trong đó có 4 ngọn được thắp vào 4 ngày chủ nhật của tháng 12. Và cũng vào thời điểm này, bọn trẻ được ba mẹ cho một tờ giấy nguyện ước. Trong đó chúng sẽ ghi lại tất cả những ước mơ và khao khát bấy lâu nay. Bọn trẻ tin rằng tờ giấy nguyện ước ấy sẽ đến tay ông già Noel và rồi vào đêm 24, ước mơ của chúng sẽ trở thành hiện thưc. Ở các thành phố lớn người ta thường tổ chức các trung tâm từ thiện, chuyên phân phát quà cho những bé có hoàn cảnh neo nớt...
Những người làm từ thiện đôi khi phải bật cười bởi những ước mơ hết sức ngây thơ của các bé như: "Ông già Noel ơi, cháu ước năm nay sẽ không bị chí bám vào đầu nữa". Nhưng họ cũng gần như rơi lệ khi một bé gái 8 tuổi viết: "Ông già Noel ơi, cháu không ước gì vĩ đại đâu. Cháu chỉ ước sao mẹ cháu chóng khỏe bênh lại thôi, cháu không muốn căn bệnh ung thư ấy sẽ lấy đi cuộc sống của mẹ cháu đâu".
Ngày đầu tiên của tháng 12, mỗi trẻ sẽ nhận được một cuốn lịch từ bố mẹ chúng, cuốn lịch mà người Đức thường gọi là Advendkalender. Người ta có thể mua sẵn những cuốn lịch ấy ở trong siêu thị , thông thường trong mỗi cuốn lịch đều chứa socola , hoặc người ta cũng có thể tự tay làm nó cho những người thân yêu nhất của mình.
Mỗi ngày trẻ sẽ mở một cánh cửa, giống như xé một tờ lịch... cứ như thế cho đến ngày thứ 24. Tôi là một người khá may mắn khi có những năm được nhận tới 2 cuốn lịch. Một cuốn của ba mẹ nuôi và một cuốn của cô bạn thân người Đức. Bạn ấy đã tự tay làm cuốn lịch ấy cho tôi, trong mỗi cánh cửa là một kỉ vật bé nhỏ, ví dụ như một cái nơ, một sợi dây chuyền... và luôn kèm theo một mẩu giấy nhỏ bằng tiếng việt, như "tớ yêu bạn", "chúc bạn một ngày tốt lành" hay "sẽ luôn là bạn tốt của nhau nhé, người bạn nhỏ của tớ!". Tôi hỏi bạn ấy học tiếng Việt ở đâu, bạn ấy chỉ tủm tỉm cười và bảo "đó là bí mật của tớ!".
Là một người lãng mạn và tôn sùng qui luật Cho và Nhận, tôi luôn nghĩ rằng những gì mình nhận được bao giờ cũng thật to lớn, vì thế tôi luôn cố gắng cho đi những gì nhận được để lắng nghe tiếng gọi của tình thương. Mùa Noel năm ngoái, trong một email gửi cho người bạn trai cũ của mình, tôi đã viết:
Khoảng cách Việt Nam-– Đức cách xa nhau nhiều quá, em không thể ở bên để cùng anh bóc lịch được. Nhưng mỗi ngày em sẽ gửi cho anh một tin nhắn, mỗi tin nhắn sẽ là những thông điệp dịu dàng, những thỏi socola ngọt ngào em dành nó cho anh. Hãy cùng nhau cố gắng anh nhé!
Đến ngày thứ 24 thì tôi nhận được điện thoại của anh từ Việt Nam và 2 ngày sau là bức thiệp gửi qua đường bưu điện của anh, chỉ vẻn vẹn một dòng chữ nhưng chứa đầy hy vọng và niềm tin yêu: "Đợi anh với...!"
Ngày 6/12 là ngày Nikolaus, tôi không nhớ rõ lắm lịch sử của ngày này, chỉ biết rằng mỗi buổi sáng thức dậy, bọn trẻ luôn được nhận một chiếc giày chứa đầy socola mà bố mẹ chúng đã chuẩn bị từ tối hôm trước. Tôi vẫn còn bé trong mắt ba mẹ nuôi nên năm nào trong chiếc giày của tôi cũng có một cái bút. Tôi đã dùng chiếc bút ấy để ghi lại những tháng năm đẹp nhất của đời mình.
Vào mỗi ngày cuối tuần của tháng 12, các thành phố ở Đức từ nhỏ đến lớn đều mở chợ Tết. Tôi và những người bạn Đức đã rong đuổi không biết bao nhiêu các thành phố lớn, để hưởng cái không khí náo nhiệt từ mọi miền khác nhau. Cùng nhau đi chơi, cùng nhau uống Punsch, ăn cả những món ăn mang đậm hương vị mùa Noel. Mặc cho ngoài trời tuyết bay, mặc cho cái lạnh có khi dưới âm 10 độ, những ai đi chợ Tết đầu không bao giờ cảm thấy lạnh. Có lẽ khi người ta hòa mình vào niềm vui chung của cả dân tộc thì cái lạnh không còn là nỗi ám ảnh nữa.
Năm nay tôi và lũ bạn sẽ qua Hà Lan xem chợ Tết, xem người Hà Lan đón Noel có hoành tráng như nước Đức của tôi không.
Mẹ nuôi tôi thường có sở thích làm bánh cùng các con của bà vào những ngày rảnh rỗi, khi đó cả nhà quây quần trong bếp và làm bánh. Chao ôi, cái mùi hương bốc lên nồng nực, khiến tôi và các em cứ thò tay vào "nếm thử", thế cho nên sau khi dọn dẹp xong xuôi, trong hộp bánh hầu như chỉ còn... một nửa.
Ngày 24 là ngày quan trọng nhất, buổi sáng mọi người trang trí cậy thông Noel. Năm nay tôi thật may mắn vì được sếp tặng cho một cây thông to bự, nhưng bù lại tôi lại phải ở lại công ty làm việc cho đến tận 13 giờ chiều. Về nhà, tôi giúp mẹ nuôi dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. Tối 24 nào cũng có vịt nướng, có gà quay, rau quả, salat và tráng miệng bằng nho, bằng kem vanille với mứt dâu Tây nóng hổi. Sau bữa tối, cả nhà quây quần trong phòng khách, ba mẹ bắt chúng tôi lên phòng xem tivi, các em tôi còn nhỏ nên chúng tin là ông già Noel sẽ mang quà tới cho chúng.
9275
|
Nghe ca khúc Mary's Boy Child của nhóm Boney M. |
Tôi lớn nên hiểu rằng ông già Noel ấy không ai khác chính là ba, là mẹ nên chỉ tủm tỉm cười và trông các em. 15 phút sau mẹ gọi mấy chị em xuống phòng khách, mỗi góc là mỗi đống quà cho từng đứa. Nhìn trong ánh mắt các em, đều sáng những giọt long lanh...
Ngày 25 và 26 là hai ngày nghỉ, vào ngày này cả gia đình tôi thường đi thăm ông bà và những người thân. Khác với ở Việt Nam, người Đức không dành thời gian đi chơi với bạn bè vào dịp Tết của họ, bởi với họ đó là ngày chỉ dành cho ba mẹ và những người thân trong gia đình. Đó là dịp duy nhất cả bố mẹ và con cái đoàn tụ với nhau, những đứa con đã trưởng thành thường ở lại nhà cho đến giao thừa và đêm giao thừa mới là ngày tất cả bạn bè tụ tập lại và đón năm mới cùng nhau.
Đến ngày 31 tất cả cũng nhau tiễn năm cũ, ở các thành phố lớn của Đức, hàng nghìn người tập trung ở quảng trường để đón thời khắc của lịch sử. Muối giây trước khi đồng hồ đổ chuông báo hiệu năm mới, tất cả mọi người đều bắt đầu đếm từ 10 trở xuống. Đến số 0 thì mọi người cùng chạm ly, bạn bè ôm nhau chúc một năm mới tốt lành và pháo hoa rực đỏ cả bầu trời. Một cảm giác thật ấm cúng xen lẫn niềm hạnh phúc.
Vài nét về blogger:
Cuộc sống thật thú vị khiến cho ta nửa khóc nửa cười, song nó chỉ dung nạp những ai vững bước đi lên! - Hoàng Yến Anh.