Trong khi phong trào tôn vinh sự đa dạng của hình thể đang được quan tâm khắp thế giới, ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vóc dáng "mình hạc xương mai" vẫn được xem là tiêu chuẩn sắc đẹp hàng đầu. Việc theo đuổi vóc dáng "càng gầy càng tốt" trở thành nỗi ám ảnh với phái đẹp ở quốc gia tỷ dân, đến mức họ liên tục sáng tạo ra những thước đo kỳ quặc để tìm ra hình mẫu cơ thể hoàn mỹ. Không theo một tiêu chuẩn nào, phụ nữ Trung Quốc sử dụng nhiều đồ vật xung quanh để so sánh với cơ thể. Nhiều trào lưu thậm chí quá cực đoan tạo nên tranh cãi.

Nổi lên từ năm 2015, trào lưu "vòng tay chạm rốn" được xem là tiền đề cho nhiều thước đo sắc đẹp của phái đẹp Trung Quốc sau này. Thời điểm đó, xu hướng này gây sốt đến mức vượt ra ngoài biên giới quốc gia tỷ dân, trở thành phong trào khắp châu Á. Chỉ khi bàn tay vòng ra sau lưng có thể chạm rốn, các cô gái mới được "chứng nhận" là có vòng eo thon thả.

Không chỉ tạo hiệu ứng trên mạng xã hội, những thử thách đọ dáng siêu gầy còn được sao Cbiz tích cực tham gia, biến tiêu chuẩn dáng siêu gầy ngày càng trở thành nỗi khát khao của mọi cô gái. Năm 2016, giới trẻ đổ xô theo thử thách "vòng eo A4". Nếu bề rộng cơ thể không lớn hơn tờ giấy, chứng tỏ người đó có vòng eo đẹp (theo Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế - ISO, tờ giấy A4 có kích thước 21 cm x 29,7 cm).

Dây tai nghe điện thoại cũng trở thành công cụ để phái đẹp khoe eo "con kiến". Người nào càng quấn được nhiều vòng dây, càng chứng minh được eo không ngấn mỡ.

Trào lưu vòng tay ra sau kẹp điện thoại nối tiếp sau đó cho thấy sự ám ảnh của phụ nữ Trung Quốc với thân hình mảnh mai. Mọi bộ phận trên cơ thể đều được phái đẹp mang ra "đo" để chứng minh ai có thân hình gầy hơn, hoàn hảo hơn.

Sau trào lưu này, giới trẻ Trung Quốc thi nhau đo đầu gối bằng iPhone 6. Người tham gia sẽ chụm hai đầu gối và đặt chiếc iPhone 6 (dài 13,8 cm) theo chiều ngang. Nếu hai đầu gối bị màn hình điện thoại che khuất, điều đó có nghĩa người này sở hữu đôi chân thon gọn.

Được gọi là thử thách "100 tệ cuộn cổ tay" hay "Tiền cuộn cổ tay", trào lưu này thách thức cư dân mạng dùng tờ tiền 100 tệ cuốn tròn xung quanh cổ tay. Tờ tiền càng che phủ được nhiều diện tích cổ tay, bạn càng chứng tỏ có cổ tay thon thả. Trong khi nhiều người bày tỏ "quá mệt mỏi" với hàng loạt trào lưu đọ dáng vô nghĩa, chị em Trung Quốc vẫn đua nhau tham gia để biết mình có thừa cân hay không.

Thử thách "Đọ xương quai xanh bằng đồng xu" cũng một thời làm mưa làm gió trên các trang mạng như Weibo. Nếu các cô gái đặt được đồng xu "lọt thỏm" trong phần hõm của xương quai xanh mới được xem là vượt qua thử thách.

Cùng lúc, phong trào đặt son lên xương quai xanh cũng đình đám khắp Trung Quốc. Bờ vai càng mảnh mai, bạn càng dễ dàng dựng đứng thỏi son vững chãi. Trào lưu này "sốt" đến mức sau đó còn thịnh hành trên mạng xã hội Việt Nam, được hàng loạt sao Việt thử nghiệm.

Hồi tháng 3 năm nay, Dương Mịch gây tranh cãi khi tham gia thử thách "Khoe eo hoạt hình". Giống như các cô gái trên Xiaohongshu, Dương Mịch nằm úp thân người trên xuống sàn, lưng cong 90 độ, phần chân gác lên ghế. Phái đẹp Trung Quốc tin rằng cách tạo dáng này sẽ giúp khoe vòng eo thon, cơ thể dẻo dai, giống như nhân vật trong hoạt hình. Tuy nhiên, thử thách nhanh chóng bị chỉ trích vì tư thế không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến cột sống, thắt lưng.

Mặc những bộ đồ "tí hon" của trẻ em cũng trở thành mốt. Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc lại rộ lên hashtag "adults trying on Uniqlo children's clothes" (tạm dịch: người lớn mặc thử quần áo trẻ em của Uniqlo), nhận được hàng trăm triệu lượt quan tâm. Hình ảnh các cô gái trong phòng thử đồ, khoe cơ thể diện vừa áo phông mini của trẻ em tạo nên tranh cãi gay gắt về nỗi lo vóc dáng quá mức.

Tiêu chuẩn vóc dáng "siêu mỏng" còn giúp phong cách "BM Style" trở thành xu hướng gây sốt khắp Trung Quốc. Trào lưu xuất phát từ Brandy Melville - thương hiệu thời trang từ Italy - với những sản phẩm đặc trưng là croptop, áo hai dây, váy ôm, cardigan... Tất cả sản phẩm của hãng đều có size 0, chỉ những nàng có thân hình siêu gầy mới có thể mặc vừa. Sự lên ngôi của phong cách này khiến phái đẹp Trung Quốc ồ ạt giảm cân nhằm mặc vừa đồ của hãng, thậm chí họ còn tự tạo ra một bảng tiêu chuẩn chiều cao - cân nặng phù hợp để diện BM Style. Theo đó, nếu một cô gái cao 150 cm, họ chỉ được phép nặng 33 kg. Trong trường hợp cao 160 cm, 43 kg là "đúng chuẩn". Bảng đo lệch lạc này khiến nhiều người lo ngại phụ nữ Trung Quốc nguy cơ trầm cảm, rối loạn ăn uống.
Trang Shaelyn (Theo Vice, Jingdaily)