Bạn chắc chắn từng phải tự lên lịch trình từng bước cho chuyến đi nhưng không biết trước ngày khởi hành bao lâu thì nên làm những gì. Điều này dẫn đến việc thì làm quá sớm, việc thì làm quá muộn, hoặc nhiều việc chồng chéo một lúc khiến bạn bị quá tải, đôi khi gây rắc rối chuyến đi. Sau đây là tư vấn lịch chuẩn bị chi tiết dành cho các chuyến đi do nhiều blogger du lịch đưa ra, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ quên làm bất cứ điều gì và khiến chuyến đi kém vui.
Trước một tháng
- Làm visa: thực tế một tháng không phải là thời gian lý tưởng nhưng là thời gian muộn nhất mà bạn cần nộp visa cho đại sứ quán nơi muốn đến. Thông thường, việc xin visa chỉ mất 5-10 ngày làm việc. Tuy nhiên, bạn cần phòng trừ các trường hợp phải xếp hàng, bổ sung giấy tờ... Do đó, tốt nhất nên làm trước khoảng 45 đến 60 ngày và muộn nhất là 30 ngày trước khi đi.
Trước một tuần
- Đổi tiền: đổi tiền quá sớm khiến bạn sẽ phải ôm một số tiền ngoại tệ lớn trong nhà. Do đó, bạn nên lên chi tiết kế hoạch chi tiêu và bắt đầu đổi tiền trước một tuần là vừa đẹp. Nếu muộn hơn, bạn có thể gặp phải rủi ro khi các tiệm đổi tiền không có đủ ngoại tệ (trong một số dịp đặc biệt hay khi nhu cầu tăng cao bất thường cũng dẫn đến khan hiếm ngoại tệ)
- Mua bảo hiểm: trước khi khởi hành một tuần, bạn nên mua bảo hiểm du lịch. Lúc này, bạn đã chắc chắn mình sẽ bắt đầu chuyến hành trình vào ngày giờ đã định. Việc mua bảo hiểm dần trở thành thói quen của nhiều dân du lịch hiện nay khi bạn có nguy cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình khám phá một đất nước, thành phố mới.
- Download bản đồ: bạn nên tải bản đồ dạng offline ở nơi mà bạn sẽ đặt chân đến và tập làm quen một số địa điểm quan trọng, tạo điều kiện cho việc tra cứu bản đồ nhanh hơn khi sang tới nơi. Đặc biệt, bản offline sẽ là cứu cánh cho bạn khi không có mạng Internet.
- Lên lịch đi lại: lịch trình có thể chuẩn bị càng sớm càng tốt, nhất là khi bạn di chuyển giữa các thành phố khác nhau (tốt nhất là một tháng). Còn trong trường hợp bạn chỉ tham quan một thành phố thì một tuần là thời điểm muộn nhất để bạn xác định xem mình sẽ đi thăm những đâu, đi bằng gì, tuyến nào...
- Đọc luật địa phương: việc này không quá cần thiết nếu bạn đi du lịch các quốc gia có nền văn hóa tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu dành ra một vài tiếng để nghiên cứu các luật cấm đặc biệt ở đất nước mới sẽ không bao giờ là thừa. Việc bị phạt khi đi du lịch sẽ gây ra ít nhiều rắc rối.
Trước một ngày
- Kiểm tra hành lý, xếp đồ
- Photo làm nhiều bản các giấy tờ quan trọng, cất ở các vị trí khác nhau
- Ghi lại số điện thoại khẩn cấp và số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam ở nơi đó.
Trước giờ khởi hành, cần kiểm tra lại
- Vé máy bay
- Booking khách sạn
- Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân
- Tiền.