Hà thành là nơi mà ẩm thực được coi là thú vui tao nhã không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Người ta coi việc ăn không chỉ để no bụng mà còn là cả một nét văn hóa. Bởi thế mà mỗi khi chỉ cần thoáng nghe một cửa hiệu nổi tiếng nào đó chuẩn bị đóng cửa là cộng đồng lại xôn xao, "nhớn nhác" lo lắng, luyến tiếc cho một hương vị thân quen sắp không còn nữa.
Lẩu cua Khôi
Lẩu cua vốn dĩ không phải là đặc sản Hà Nội mà chỉ được du nhập ra thủ đô cách đây vài năm. Xuất phát từ một tiệm lẩu cua có tiếng trong Sài Gòn, lẩu cua Khôi "tiến quân" ra Hà Nội và nhanh chóng trở thành điểm hẹn của nhiều người. Nồi lẩu có thứ nước dùng chua chua ngọt ngọt đặc trưng không đâu có được, với những chú cua to, thịt chắc ngọt, màu sắc hấp dẫn đã làm vừa lòng thực khách Hà Nội khó tính. Do đó, dẫu giá thành thuộc loại cao, 650.000 đồng một nồi lẩu một con thì quán vẫn không lúc nào vắng khách, nhất là vào những ngày se lạnh.
Mới đây, cửa hàng bất ngờ ra thông báo chỉ bán hết ngày 30/11, sau đó ngừng bán tại Hà Nội (đã đóng cửa chi nhánh tại TP HCM trước đó) và không còn cửa hàng nào thay thế. Thông tin này khiến nhiều người hoang mang, tiếc nuối. Chỉ trong 3 ngày từ lúc ra thông báo, hầu như lúc nào cửa hàng cũng trong tình trạng quá tải vì khách đặt quá đông. Ai cũng muốn thưởng thức lần cuối hương vị độc đáo này. Do thiếu nhân viên nên chất lượng phục vụ những ngày cuối không được như trước nhưng khách hàng vẫn tình nguyện xếp hàng tới 21-22h để tới lượt vào ăn.
Xôi Yến
Bắt đầu mở cửa từ năm 1997, trải qua hơn 20 năm, xôi Yến - quán xôi sở hữu 2 mặt tiền ở phố Nguyễn Hữu Huân - từng là một "đế chế" ẩm thực ở Hà Nội. Lượng mặt hàng mỗi ngày bán ra luôn ở con số khủng và lượng khách từ sáng tới khuya thì luôn tấp nập, trong đó không ít là khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nhiều khách phương xa "nghiện" xôi Yến tới mức cứ đặt chân tới Hà Nội là phải lao ngay tới đây để thưởng thức cho thỏa cơn thèm. Xôi Yến có 3 loại xôi ăn kèm gần 20 loại "topping", giá cả thuộc loại cao, từ 30.000 đồng trở lên và phổ biến ở mức trên 50.000 đồng một suất.
Tháng 5 năm nay, quán xôi này bất ngờ đóng cửa không một lời thông báo cũng không có lý do, làm cho không chỉ khách quen mà nhiều người dân Hà Nội thắc mắc. Ít lâu sau, chủ quán lên tiếng giải thích rằng quán chỉ đóng cửa nâng cấp chứ không nghỉ hẳn. Tuy nhiên, tới nay, xôi Yến vẫn chưa mở lại, gây ra nhiều "thương nhớ" cho thực khách, nhất là trong những ngày mùa đông này.
Cháo sườn cô Là
Thế hệ học trò ở Hà Nội cách đây khoảng 10-20 năm hầu như không ai không biết đến quán cháo sườn dưới bảng tin phường ở phố Lý Quốc Sư. Quán không có cửa hiệu, không có bàn ghế, cô chủ quán chỉ có một nồi cháo to với hai loại: cháo sườn và cháo trai, khách ăn tới đâu thì múc tới đó. Xe để trên vỉa hè còn khách ngồi vây quanh chiếc nồi lớn để sưởi ấm, hoặc lấy ghế nhựa vừa làm bàn vừa làm ghế. Chen chúc chật chội là vậy nhưng chẳng ai phiền lòng bởi bát cháo sườn ngày đông quá hấp dẫn.
Cháo ở đây là loại cháo xay nhuyễn, mịn màng, vị cháo ngọt đậm nhờ xương và sườn lợn ninh kỹ, ăn cùng quẩy giòn, đặc biệt là có thể ăn cùng với ruốc mặn, hạt tiêu và ớt xay. Bát cháo nhỏ xinh với giá tiền hồi đó chỉ 8.000 đồng rất vừa túi tiền học sinh. Mùa đông, cô chủ quán - cô Là - còn bán thêm chè sắn nóng cũng nổi tiếng không kém.
Bẵng một thời gian, người ta không còn thấy cô Là ngồi ở góc cột điện thân quen nữa. Dù có nhiều hàng cháo bổ sung vào vị trí đó nhưng người Hà Nội vẫn mải "nhung nhớ" hương vị cháo năm xưa. Phần vì nhớ nghề, cần trang trải cuộc sống cũng như được khách quen hỏi thăm quá nhiều, cô Là bán cháo trở lại và thời điểm đó gây nên "cơn sốt" ở Hà Nội. Cô chủ chuyển địa điểm sang đầu phố, vừa bán tại chỗ vừa ship nên hàng hết rất nhanh, nhất là trong những ngày lạnh.
Bánh trôi bác Phạm Bằng
Thú vui trong ngày đông Hà Nội là len lỏi vào khu phố cổ, thưởng thức những thứ chè ngọt, nóng, để xua đi cái rét run rẩy của những cơn gió lạnh đầu mùa. Một trong những địa chỉ mang bao nhung nhớ nhiều năm nay với những ai đi xa thành phố chính là quán bánh trôi tàu nổi danh ở phố Hàng Giầy, mà người ta quen thuộc với tên gọi "bánh trôi bác Phạm Bằng". Với người Hà Nội, cố nghệ sĩ Phạm Bằng không chỉ là một diễn viên trên sân khấu mà ông được biết đến nhiều hơn là một ông chủ quán ăn ấm lòng suốt ba thập kỷ.
Tuy là thức quà của mùa đông nhưng hầu như ngày nào trong năm, quán cũng có khách. Quán chỉ bán đúng 3 loại là bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù - những món ăn mang phong cách ẩm thực của người Hoa. Gạo làm bánh phải là gạo mùa cũ, tức là gạo gặt từ năm trước thì làm bánh mới ngon. Thành phần trong các món đều có ít nhiều vị thuốc. Trong lục tào xá có hạt sen, đậu xanh, vỏ quýt... Bánh trôi tàu chan bằng nước gừng nóng, có hai viên, một là đậu xanh một là vừng đen. Chí mà phù là loại chè vừng đen, nhìn thì không hấp dẫn nhưng ăn tới đâu ấm lòng tới đó.
Những năm gần đây, quán từng nghỉ bán vài lần, người đi xa có dịp trở về thường đi qua số nhà 30 Hàng Giầy với bao tiếc nuối về hình ảnh người nghệ sĩ gốc Hà thành đứng bán quán và còn về những món ăn mùa đông ấm áp.
Tuy nhiên, cách đây ít ngày, cộng đồng thực khách ở Hà Nội lại thêm một lần xôn xao vì cửa hàng bất ngờ treo biển bán trở lại từ ngày 28/11. Con trai của nghệ sĩ Phạm Bằng muốn tiếp nối truyền thống của gia đình, sau đúng một năm ngày ông qua đời. Ngay ngày đầu tiên bán trở lại, quán đã hết sạch hàng chỉ sau chưa đầy 3 tiếng.
Nguyên Chi