Xem - Thứ ba, 9/8/2022, 00:17 (GMT+7)

Những phụ nữ vượt chuẩn mực đạo đức trong phim Park Chan Wook

Thang Duy, Lee Young Ae hay Kim Min Hee đều vào vai xinh đẹp, quyến rũ nhưng kỳ lạ và khó nắm bắt trong phim của đạo diễn Park Chan Wook.

Trong I’m a Cyborg, But That’s OK, sau khi người mẹ bỏ đi, nhân vật Il-soon bắt đầu mắc chứng nghiện ăn cắp vặt vì nỗi sợ một ngày nào đó mình sẽ biến mất, sẽ "chỉ còn là một dấu chấm". Không chỉ in đậm sự nhỏ nhoi, cô lẻ của nhân vật, chi tiết này còn là minh chứng cho nhận thức của đạo diễn Park Chan-wook về một trạng huống tồn tại của con người, rằng họ không chỉ đơn độc thuần túy mà còn đơn độc khi đối diện quyền lực và cái ác.

Lim Soo Jung và Bi Rain trong phim 'I'm a Cyborg, But That's OK' - một trong những phim đình đám nhất của đạo diễn Park Chan Wook.

Đây chính là khởi nguồn để ông kể câu chuyện đầy ám ảnh về những thân phận bên lề trong một thế giới đầy hận thù và bất trắc, trong đó nổi bật lên là những thân phận phụ nữ.


Những người phụ nữ trong phim của Park Chan Wook (từ trái qua): Lee Young Ae trong phim 'Lady Vengeance', Kim Tae Ri và Kim Min Hee trong phim 'The Handmaiden' và Thang Duy trong phim 'Decision to Leave'.

Từ nữ sinh trung học bị đổ tội giết người và bị cướp mất con trong Lady Vengeance, cô tiểu thư đài các trở thành thú tiêu khiển cho những gã đàn ông đầy dục vọng trong The Handmaiden, đến người phụ nữ vượt biên bị nhốt trong buồng chứa cá đầy chất thải trong Decision to Leave, những người phụ nữ trong phim của Park Chan-wook dường như luôn bị cuộc đời chà đạp đến tận cùng. Tuy vậy, họ luôn đối đầu, thách thức, từ chối thỏa hiệp với những quyền lực thao túng mình, luôn sẵn sàng hành động kể cả khi phải bước ra khỏi truyền thống hay chuẩn mực đạo đức.

Xinh đẹp, quyến rũ nhưng cũng kỳ lạ và khó lòng nắm bắt, họ là những nữ thần núp sau vẻ ngoài mềm yếu để chơi ván cờ tất tay với số phận - ván cờ có thể đưa họ tới sự hủy diệt hoặc tự do.

Trailer phim 'Lady Vengeance'
 
 
Trailer phim 'Lady Vengeance'

Mở đầu Lady Vengeance – một trong ba bộ phim làm nên Bộ ba Báo thù (The Revenge Trilogy) lừng danh của Park Chan-wook, Geum-ja (Lee Young-ae) được thả tự do sau 13 năm ngồi tù vì cáo buộc bắt cóc và sát hại một cậu bé 6 tuổi. Lần trở về này, Geum-ja quyết tâm tìm kiếm và báo thù thầy giáo Baek (Choi Min-sik), hung thủ thực sự của vụ thảm án và cũng là kẻ bắt cóc đứa con sơ sinh của cô. Song song với cuộc báo thù không khoan nhượng của Geum-ja là hành trình tìm kiếm và kết nối với Jenny – đứa con thất lạc năm xưa, nay được vợ chồng người nước ngoài nhận nuôi.

Với tên gốc là Geum-ja nhân từ, bộ phim đặt nhân vật chấp chới trên lằn ranh của thân phận - một bên là người mẹ và bên kia là kẻ đi báo thù. Thù hận, theo kiến giải của Park Chan-wook, luôn là thứ triệt tiêu nhân tính và hủy hoại con người từ bên trong. Tuy vậy, trong Lady Vengeance, chính sự trở về của con gái Jenny đã giúp Geum-ja không rơi xuống vực sâu của thù hận. Đó là tiền đề để khi mọi chuyện kết thúc cũng là lúc cơ hội sống cuộc đời mới được mở ra với mẹ con cô, thay vì dẫn tới cái kết bi thảm tột độ như trong Sympathy for Mr. Vengeance hay Oldboy.

Bên cạnh đó, với Lady Vengeance, cuộc trả thù bạo liệt được khắc họa song song vẻ đẹp nữ tính. Đó là Geum-ja lúc xuất hiện với đôi môi đỏ đậm và lớp trang điểm kỹ càng của người đàn bà từng trải, lúc lại trong sáng, thánh thiện tựa Đức Mẹ sầu bi. Cũng từ bộ phim này, đạo diễn họ Park luôn tập trung khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ như một biểu tượng của sức mạnh và lòng kiêu hãnh, đối nghịch với hận thù và cái ác.

Trong gia tài điện ảnh của Park Chan-wook, có lẽ bộ phim đã đưa tư tưởng nữ quyền của ông lên đến đỉnh cao chính là The Handmaiden. Chuyển thể từ tiểu thuyết Fingersmith của nhà văn người Anh Sarah Waters, câu chuyện phim kể về hành trình báo thù những gã đàn ông mê muội vì sắc dục của nàng tiểu thư Hideko (Kim Min-hee) và cô hầu gái Sook-hee (Kim Tae-ri), từ đó tìm ra lối thoát cho cuộc đời và cuộc tình đầy say đắm giữa họ.

Trailer phim 'The Handmaiden'
 
 
Trailer phim 'The Handmaiden'

Trong The Handmaiden, căn dinh thự đẹp đẽ như bước ra từ cổ tích là tấm bình phong hoàn hảo cho những bí mật tăm tối cùng sự trụy lạc, sa ngã vì dục vọng của con người. Giữa thế giới đó, nàng tiểu thư Hideko xinh đẹp, ngây thơ và lương thiện nhanh chóng bị biến thành con mồi của gã dượng và tên bá tước giả mạo. Số phận của nàng là sự nối dài của những thân phận phụ nữ trong dinh thự, giống như người dì đã hóa điên và tự tử bằng cách treo cổ trên cây anh đào.

Phim 'The Handmaiden'.

Mọi chuyện thay đổi khi nữ hầu Sook-hee – vốn là tay trộm vặt với vẻ ngoài có phần ngây ngô, khờ khạo do "bá tước Fujiwara" (Ha Jung-woo) sắp đặt xuất hiện, từ đó thay đổi cục diện và cứu vớt cuộc đời Hideko. Chất nữ quyền của phim được đẩy lên cao trào, mạnh mẽ khi hai người phụ nữ tưởng chừng yếu thế – một tiểu thư xinh đẹp, mong manh như búp bê trong lồng kính, một cô gái chuyên hành nghề trộm vặt trót sa lưới tình với vị tiểu thư mà đáng ra cô phải thông đồng với bá tước giả mạo để mưu hại, quyết định lật ngược ván bài, đẩy hai gã đàn ông bệnh hoạn vào chỗ khốn cùng.

Không chỉ mang đến kịch tính, thỏa mãn của một tuyệt phẩm thriller (tâm lý ly kỳ), The Handmaiden còn là câu chuyện tình yêu ngọt ngào, lãng mạn và nồng nhiệt giữa hai người phụ nữ bất chấp hiện thực tăm tối và rào cản giai cấp. Đó là khi họ cùng ở trong phòng thử đồ, khi Sook-hee dùng tay mài chiếc răng nhọn cho cô chủ, khi họ trao nhau nụ hôn có vị của cây kẹo mút. Đạo diễn Park Chan-wook nắm bắt trọn vẹn sự rung động thuần khiết của những trái tim lần đầu biết yêu, biết phản kháng và tranh đấu vì tình yêu.

Bên cạnh đó, phim còn ghi dấu ấn với những cảnh tình dục nóng bỏng mang sắc thái đối lập. Nếu như tình dục với những gã đàn ông như dượng Kouzuki hay bá tước Fujiwara là sự ám thị đầy bệnh hoạn về việc chiếm hữu thân thể phụ nữ thì cảnh thân mật giữa Hideko và Sook-hee lại là sự thăng hoa của hai tâm hồn tự do đang chìm đắm trong tình yêu.

Những cảnh lãng mạn của 'The Handmaiden'
 
 
Những trích đoạn lãng mạn trong phim 'The Handmaiden'

Trong điện ảnh, những cảnh làm tình thường dễ mang nhãn quan nam giới (‘the male gaze’) dẫn đến tình dục hóa và vật hóa phụ nữ. Tuy nhiên, với The Handmaiden, Park Chan-wook đã thành công trong việc biến tình dục thành công cụ giải phóng bản thân và tìm kiếm tự do cho người phụ nữ sau muôn vàn áp bức, đè nén.

So với những phim trở thành biểu tượng như Lady Vengeance, phá kỷ lục doanh thu như The Handmaiden hay đạt giải thưởng quốc tế như Decision to Leave, I’m a Cyborg, But That’s OK dường như kín tiếng hơn. Trong bộ phim tình cảm nhẹ nhàng và hài hước hiếm hoi của mình, Park Chan-wook giới thiệu với người xem nhân vật chính Young-goon – một cô gái trẻ tuổi phải vào viện tâm thần vì bỏ ăn uống và luôn tự coi mình là robot.

Tuy nhiên, chứng bệnh của Young-goon chỉ là ẩn dụ cho nỗi đau tinh thần về người bà luôn nghĩ mình là chuột nên bị cưỡng chế nhập viện tâm thần. Đạo diễn họ Park đã xoa dịu nỗi đau ấy bằng cách tạo nên một thế giới người điên siêu thực, khoáng đạt và có phần mơ mộng. Ở đó, Young-goon gặp gỡ Il-soon, anh chàng có mẹ bỏ đi từ nhỏ, sở hữu "biệt tài" trộm vặt và luôn đánh răng để không bị biến thành dấu chấm.

Trailer phim 'I'm a Cyborg, But That's OK'
 
 
Trailer phim 'I'm a Cyborg, But That's OK'

Cảnh Young-goon từ từ bay lên trong khi nghe Il-soon hát She Taught Me To Yodel qua ống nghe của chiếc điện thoại bằng nhựa có lẽ là cảnh tình yêu dễ thương và thuần khiết nhất trong thế giới điện ảnh ngập tràn bi kịch và cái ác của Park Chan-wook.

Đó cũng là khoảnh khắc giải phóng nhân vật khỏi nỗi đau và nỗi ám ảnh trong tâm trí để tiến tới sự hàn gắn, chữa lành.

Trong Decision to Leave – bộ phim mới nhất của Park Chan-wook, nhân vật Seo-rae của minh tinh Thang Duy có lẽ là một trong những hình tượng phụ nữ đặc sắc nhất từng được vị đạo diễn đưa lên màn ảnh. Ở nàng có nét quyến rũ chết người, có bi kịch cuộc đời và bi kịch tình yêu, có sự hoang dại và táo bạo đến khó tin. Tuy vậy, đến tận cùng, ẩn sâu trong trái tim nàng vẫn là những bí ẩn không thể giãi bày, tựa đại dương bao la và tăm tối.

Phim 'Decision to Leave'.

Dẫu mang diện mạo một tác phẩm trinh thám – hình sự, Decision to Leave thực chất là câu chuyện tình ngang trái giữa Seo-rae với thanh tra Hae-jun (Park Hae-il). Nội dung phim phần nào gợi nhớ Black Coal, Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa) của đạo diễn Điêu Diệc Nam, khi cùng kể về mối tình giữa thanh tra điều tra vụ án với vợ nạn nhân đồng thời là nghi can.

Trailer phim 'Decision to Leave'
 
 
Trailer phim 'Decision to Leave'

Ở đó, con người không ngừng bị giằng xé giữa nghĩa vụ đạo đức và tình cảm cá nhân, đồng thời khám phá ra những ngóc ngách bí ẩn, mong manh nhất trong tâm hồn mình.

Dù xây dựng Seo-rae là người nhập cư gốc Hoa, Park Chan-wook không đi theo lối mòn là nạn nhân hóa nhân vật. Ngay từ đầu, nàng femme fatale đã ngửa bài về con người thật của mình; nàng tự nhận mình không phải người nhân nghĩa nên không thích núi mà thích biển. Tuy nhiên, chi tiết này còn bao hàm một sự trêu ngươi số phận: Người phụ nữ một thân một mình đến Hàn Quốc trên con tàu cá bẩn thỉu vẫn dành tình yêu với biển, dù đó là nơi khơi gợi những ký ức đau thương.

Chỉ có thể lý giải rằng Seo-rae đã lựa chọn được sống với bản năng mãnh liệt nhất của một con người. Dù sinh tồn bằng cách lần lượt trở thành vợ của hai người đàn ông giàu có – một bạo hành và một lừa đảo, nàng vẫn khao khát yêu và rơi vào trò chơi tình ái với Hae-jun. Tình yêu ấy đem đến cho nàng tự do hay cầm tù nàng? Đây là một câu hỏi không dễ lý giải. Thế nhưng suy cho cùng, ta không bước vào tình yêu để được tự do hay bị cầm tù, mà chỉ đơn thuần là để được yêu, bởi cảm giác yêu vốn đã là một sự tự do không ai có thể tước đoạt.

Bài hát nhạc phim 'Decision to Leave'
 
 
Bài hát chủ đề của phim 'Decision to Leave'

Trong phim, song hành với bi kịch tình yêu cũng là sự thăng hoa của tình yêu. Đó là khi Seo-rae và Hae-jun cùng dạo bước trong ngôi chùa, khi Seo-rae đút tay vào túi áo của Hae-jun, khi họ hòa chung một nhịp thở để giúp Hae-jun chìm vào giấc ngủ hay trao nhau nụ hôn trên vách núi. Ngay ở những thời khắc cuối cùng, khi Seo-rae kể về câu "Anh yêu em" mà Hae-jun không thừa nhận mình từng nói, tình yêu ấy hàm chứa sự biệt ly và tan vỡ nhưng đồng thời cũng được tái sinh để trở nên bất diệt.

Và nàng Seo-rae, đến tận cùng, đã được tự do dưới hố cát do chính mình xây nên lúc thủy triều dâng. Giờ đây, Hae-jun sẽ chỉ còn có thể tìm thấy nàng, cũng như tìm thấy câu trả lời cho mối tình của cả hai ở một nơi nào đó sâu thẳm hơn cả đại dương.

Triều Dương

Đánh giá phiên bản mới