Thịt đỏ

Ăn nhiều thịt đỏ dễ gây nguy cơ ung thư đại trực tràng, tuyến tụy và tuyến tiền liệt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại thịt đỏ vào nhóm 2A, nhóm 'có thể gây ung thư' cho con người. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, lợn, cừu, bê và dê. Các chuyên gia đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ một lượng lớn thịt đỏ với ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt.
Vì nguy cơ này, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ ở mức ba phần mỗi tuần, với tổng trọng lượng đã nấu chín là 0,35 đến 0,5 kg.
Thức ăn chế biến
Các thực phẩm đã qua chế biến bao gồm bánh quy, khoai tây chiên, bữa ăn đông lạnh, ngũ cốc có đường, nước uống có ga, bơ thực vật và kem phô mai, kẹo và chocolate, đồ ăn nhanh như pizza, hamburger, gà rán. Thông thường, nhà sản xuất cho thêm các hóa chất như hương liệu, màu, chất nhũ hóa và các chất phụ gia khác để làm cho chúng ngon hơn, để được lâu hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hàm lượng muối, đường, chất béo cao và các hóa chất gây ung thư. Chúng cũng thường ít chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến có thể dẫn đến béo phì, một yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Thịt chế biến

Thịt chế biến chứa nhiều muối, không tốt cho sức khỏe.
Thịt đã qua chế biến là thịt mà các nhà sản xuất đã bảo quản bằng cách hun khói, xử lý hoặc ướp muối, bao gồm: xúc xích, thịt xông khói, giăm bông, thịt bò muối, thịt bò khô. Quy trình sản xuất những loại thịt này thường liên quan đến nitrit, chất cố thể gây ung thư. Ngay cả khi hun khói thịt mà không sử dụng hóa chất cũng có thể tạo ra hydrocarbon thơm, một loại chất gây ung thư.
Nguồn đáng tin cậy của WHO tuyên bố có bằng chứng thuyết phục rằng thịt chế biến sẵn gây ung thư. Theo một đánh giá năm 2019, tiêu thụ thịt chế biến là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với ung thư đại trực tràng. Các chuyên gia cũng chỉ ra sự liên kết giữa loại thực phẩm này với ung thư dạ dày và ung thư vú.
Có nhiều lựa chọn thay thế cho thịt chế biến, bao gồm cá và thịt gà tươi, thịt không hun khói. Có thể tham khảo lựa chọn các sản phẩm thay thế như thịt chay và đậu phụ.
Hóa chất gây ung thư trong thực phẩm
Hóa chất gây ung thư có thể có trong thực phẩm bao gồm: nitrit và nitrat (được dùng để bảo quản thịt chế biến), butylated hydroxyanisole (chất bảo quản có thể gây ung thư cho con người),
kali bromat (chất phụ gia bột mì), amin dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng (do hun khói và nướng thịt ở nhiệt độ cao).
Ngoài ra, nhiều hóa chất gây ung thư khác, chẳng hạn chất bảo quản, chất làm ngọt nhân tạo và thuốc nhuộm thực phẩm, có thể có trong thực phẩm chế biến.
Giải pháp thay thế là bạn có thể chọn mua thực phẩm hữu cơ được các nhà sản xuất trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất gây ung thư. Ngoài ra, sử dụng thực phẩm tươi mới, nguyên chất để chế biến các bữa ăn là cách tốt nhất để hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây ung thư.
Rượu bia
Rượu là chất gây ung thư nhóm 1. Các chuyên gia đã chỉ ra rượu bia có liên kết chặt chẽ với ung thư họng, thực quản, vú, gan, đại tràng và trực tràng.
Nguy cơ mắc ung thư do sử dụng rượu bia dường như phụ thuộc vào liều lượng đối với một số loại ung thư, có nghĩa là càng uống nhiều thì nguy cơ càng cao.
Đường

Ăn nhiều dường dễ gây tiểu đường, viêm mãn tính, gián tiếp tăng nguy cơ ung thư.
Thực phẩm nhiều đường tinh chế và carbohydrate tinh chế như kẹo, bánh mì trắng, mì ống và đồ uống có đường, có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư. Tiêu thụ một lượng lớn đường có thể góp phần gây béo phì, tiểu đường loại 2 và viêm mãn tính. Chúng đều là các yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường loại 2 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, vú và tử cung. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng lượng đường trong máu, một yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
Kết luận
Không một loại thực phẩm hoặc chế độ ăn nào có thể ngăn ngừa ung thư, nhưng việc tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng có thể giúp giảm nguy cơ. Hạn chế tối đa các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và thực phẩm nhiều đường, chất béo và muối. Thay vào đó, nên bao gồm các loại thực phẩm như hoa quả, rau, các loại hạt, protein nạc như cá và thịt gà, chất béo lành mạnh như dầu oliu và bơ, vào chế độ ăn uống của bạn.
Hướng Dương (Theo Medical News Today)