Theo nhiều trang tin quốc tế, nhà báo công dân Chen Quishi và Fang Bin đã biến mất từ hồi tháng 2 sau khi tải lên mạng xã hội các video cho thấy thảm cảnh do Covid-19 gây ra tại thành phố Vũ Hán. Trong khi đó, bác sĩ Ai Fen - người đầu tiên cảnh báo về loại virus mới giống SARS - cũng không thể tìm thấy từ ngày 29/3. Hiện mới có thông tin xác nhận cô sẽ trở lại làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vào cuối tuần này.
Các vụ "mất tích" được lật lại khi Trung Quốc áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất bản nghiên cứu học thuật về nguồn gốc của Covid-19. Chủ tịch RSF (Repoters Without Borders) Pierre Haski, cho tờ Le Parisian của Pháp biết rằng có "rất ít" thông tin về những chuyện đang xảy ra với những người mất tích.
Trước đó, Chen Quishi, một luật sư nhân quyền 34 tuổi, đã quay được những thước phim bên trong một bệnh viện ở Vũ Hán hồi đầu tháng 2, cho thấy các nhân viên y tế bị choáng trước dòng bệnh nhân đổ vào. Một video khác của Quishi, đăng vào ngày 29/1, tiết lộ anh cảm thấy "sợ" - vì mắc kẹt giữa lựa chọn công khai sự thật và uy quyền. Tới 6/2, tài khoản Weibo của Quishi bị xoá. Vài ngày sau, bố mẹ của anh được thông báo rằng anh đã bị "cách ly" dù không có triệu chứng nhiễm bệnh. Từ đó tới nay không ai thấy bóng dáng của Quishi.
Tương tự với Quishi, Fang Bin, một quản lý cửa hàng quần áo, đã công bố một đoạn video dài 5 phút vào ngày 1/2. Trong video, 8 thi thể được Bin cho là của những bệnh nhân Covid-19 được tìm thấy trước cửa và bên trong một bệnh viện ở Vũ Hán. Video này đã đạt hơn 1 triệu lượt xem. Tuy nhiên, ngay sau đó Bin bị cảnh sát tịch thu máy tính xách tay và bị thẩm vấn kéo dài. Một video khác của Bin đăng ngày 4/2 cho thấy những người đàn ông mặc đồ bảo hộ màu trắng cố xông vào nhà anh. Và từ 8/2 đến nay, không có video nào khác của Bin được tải lên mạng xã hội. "Cho đến nay, gia đình anh ấy vẫn không có tin tức gì", Pierre Haski tiết lộ.
Trường hợp "mất tích" của bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, lần đầu được chương trình thời sự của truyền hình Australia, đưa tin vào ngày 29/3. Cô được cho là biệt tăm sau 2 tuần trả lời cuộc phỏng vấn chỉ trích bản quản lý bệnh viện vì bác bỏ những cảnh báo sớm về virus corona, trên tạp chí Ren Wu, thuộc People's Daily.
Nội dung bài phỏng vấn được công bố vào ngày 10/3 nhưng nhanh chóng bị gỡ bỏ. Chỉ có các bản sao được người dùng mạng lưu lại và lan truyền. Gia đình cùng đồng nghiệp của Ai Fen lo sợ rằng cô đã bị bắt. Một số trang tin cũng cho biết không liên lạc được với cô. Tài khoản trên mạng của Ai Fen vẫn hoạt động và có một vài bài đăng trên đó. Tuy nhiên, tính xác thực của chúng bị công chúng nghi ngờ.
Được cho là phát tán từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, Covid-19 tới nay đã cướp đi mạng sống của hơn 127.000 người trên toàn cầu và khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh. Hiện các nhà khoa học đang tranh luận tìm ra nguồn gốc và giải mã loại virus có thể gây chết người này.
Tùng Anh (Theo IbTimes, NYPost, Mirror)