Vụ án “Tham ô”, “Cố ý làm trái....” xảy ra tại Vinalines đang được đưa ra xét xử phúc thẩm tại Hà Nội đã gây sự chú ý đặc biệt. Lẽ tất nhiên, người nào vi phạm pháp luật thì người đó phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình nhưng phía sau họ là gia đình, là vợ, là con, những người cũng đã và đang vướng vào những buồn đau khó có thể sẻ chia…
Vợ Dương Chí Dũng
Được tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và cũng là người thân bị cáo Dương Chí Dũng, bà Phạm Thị Mai Phương khép nép ngồi ở góc phòng xử án. Bà vốn đã nhỏ bé giờ càng nhỏ bé hơn khi chìm khuất bởi bóng áo xanh của lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa.
Không giống như những người dự khán, bà lặng lẽ theo dõi phiên tòa mà không bình luận và cũng không trò chuyện với ai xung quanh. Bà chỉ trả lời khi được HĐXX hỏi về những vấn đề liên quan đến tài sản chung của gia đình bà.
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 22/4, khi HĐXX hỏi Dương Chí Dũng về 2 căn hộ tại hai chung cư cao cấp ở đường Láng Hạ và Lý Thường Kiệt, Hà Nội mà Dương Chí Dũng đã mua cho “bồ nhí” Phan Thị Thảo, Dương Chí Dũng vẫn khăng khăng: “Tiền đó là tôi đưa cho Thảo”.
Không hài lòng với câu trả lời của người đàn ông đã suốt đời “đầu gối tay ấp”, chăm cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, bà Phương đã đứng lên phản đối: “Thưa HĐXX, hai căn nhà đó là tiền riêng của tôi, anh Dũng đã lấy tiền của tôi để mua nhà cho cô Thảo mà tôi không hề biết. Vì vậy đề nghị HĐXX không kê biên và trả lại cho tôi”.
Bà Phương khẳng định đây là tiền mà bà tự kinh doanh và có một số lớn là tiền của những người khác đưa cho bà để cùng kinh doanh bất động sản nhưng đã bị chồng mang đi cho bạn gái. Dù câu trả lời này của bà Phương có thể là do mong muốn giữ lại được khối tài sản khổng lồ này, nhưng thế nào chăng nữa nó cũng để lại nỗi đau không bao giờ xóa được trong lòng bà, đó là đi đòi lại tiền mà chồng đã mang cho “bồ”.
Có người đàn bà nào mà lại không đau xót khi phát hiện ra chồng mình đã phản bội. Nhưng khi ông Dũng đối diện với bản án tử hình, có thể mất đi mạng sống, bà Phương đã không bỏ mặc người đàn ông đã phản bội mình, mà vẫn lặng lẽ mang tiền đến nộp cho cơ quan thi hành án hòng mong giữ lại mạng sống cho chồng.
Ở phiên tòa phúc thẩm, khi có cơ hội để được gặp ông Dũng, bà cũng chẳng nói gì nhiều. Có lẽ những gì phải khai bà đã khai hết, những gì đã nói, bà đã nói hết. Người đàn bà lặng lẽ buồn ấy chỉ trao đổi với luật sư vài câu rồi ra về.
Khi phiên xét xử diễn ra, ở ngoài cổng tòa, cô con gái Dương Chí Dũng cũng ngong ngóng vào trong bởi không được cấp giấy vào tòa. Tất cả đều lặng lẽ, đượm buồn. Có lẽ cú sốc cực lớn đối với gia đình họ Dương giờ trút hết lên vai những người đàn bà. Bà Phương giờ vẫn sống ở căn nhà cũ số 26, Nguyên Hồng, Hà Nội.
Từ ngày Dương Chí Dũng bị công an điều tra, truy nã, bắt giam, rồi hàng loạt anh em trong gia đình cũng vướng vào vòng lao lý thì cuộc sống của những người trong gia đình đã đảo lộn rõ rệt. Hàng xóm đều nói bà Phương là người hiền lành, phúc hậu.
“Khi ông Dương Chí Dũng chưa bị bắt thì ngôi nhà đó lúc nào cũng bật đèn sáng choang, người ra người vào tấp nập. Từ sau khi chồng bị bắt, bà Phương sống khép kín, ít tiếp xúc với người khác. Khuôn mặt bà hiện lên sự khắc khổ, cô độc”, một người hàng xóm nhà bà Phương cho biết. Trước đó, khi ông Dũng bị bắt, bà Phương đã nghẹn ngào nói với báo giới rằng: “Cuộc sống không có chồng dĩ nhiên là phải khó khăn... Tôi chẳng muốn chia sẻ, buồn riêng thì tôi giữ một mình".
Ra tòa vẫn chỉ có bà Phạm Thị Mai Phương và 3 đứa con gái của bà đang lo lắng cho bố. Còn Phan Thị Thảo - người đàn bà “đẹp hơn, trẻ hơn” trong lòng Dương Chí Dũng thì cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không hề thấy bóng dáng đâu.
Vợ Mai Văn Phúc
Trong nhóm vợ các bị cáo bị buộc tội “tham ô”, vợ bị cáo Mai Văn Phúc trông trẻ hơn cả. Bà Ngô Thị Vân và ông Mai Văn Phúc có 3 người con. Trong vụ án này, bà Vân không được chú ý đến nhiều có lẽ do chồng bà không phải bị cáo đầu vụ. Hơn thế nữa, gia đình bà trước khi xảy ra vụ án sống khá yên ả tại một căn hộ chung cư ở Làng Quốc tế Thăng Long, không có scandal về tình ái giống như Dương Chí Dũng.
Thế nhưng sau khi Mai Văn Phúc bị bắt, bà cũng đã chạy đôn chạy đáo, gửi đơn khắp nơi để thanh minh cho chồng. TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án tuyên buộc Mai Văn Phúc án tử hình về tội “tham ô”. Cho đến phiên xét xử phúc thẩm ngày 22/4, Mai Văn Phúc vẫn khẳng định bị oan, không phạm tội tham ô và không có trách nhiệm phải khắc phục hậu quả về hành vi này.
Thế nhưng trước đó, bà Ngô Thị Vân đã đến cơ quan thi hành án nộp 3,5 tỷ đồng nhằm “khắc phục hậu quả cho chồng”. Khi được HĐXX phiên phúc thẩm hỏi: Bà lấy tiền ở đâu để nộp và nộp với mục đích gì khi chồng bà vẫn cho rằng không tham ô? Bà Vân đã nghẹn ngào: “Tiền do tôi bán nhà và vay mượn. Dù chồng tôi không đồng ý nộp nhưng tôi vẫn nộp để mong giữ được mạng sống cho anh ấy”.
Theo Lao Động