"Tony đang gặp rắc rối", người gọi nói với Philip Plastina, thành viên sáng lập ban nhạc điện tử thường xuyên biểu diễn trong các bữa tiệc của Hsieh trong thập kỷ qua.
Do đại dịch bùng phát, Plastina đã không thể gặp Hsieh kể từ khi vị CEO huyền thoại này chuyển từ thành phố Las Vegas, nơi ông đầu tư hàng trăm triệu USD, tới Park City, bang Utah, vào đầu năm nay. Người gọi điện đã yêu cầu Plastina hãy đến Park City ngay lập tức với hy vọng có thể giúp Hsieh thoát ra khỏi ám ảnh của xu hướng trốn chạy hiện thực, bao gồm cả việc lạm dụng ma túy và rượu ngày một nghiêm trọng.

Triệu phú bán giày Tony Hsieh. Ảnh: Bloomberg.
Ông Plastina cho biết đã gọi vào hai số điện thoại của Hsieh và gửi nhiều email nhưng không nhận được phản hồi. Và Plastina đã không bao giờ liên lạc được với người bạn thân thiết của mình nữa. Ngày 27/11, huyền thoại công nghệ Hsieh được thông báo qua đời ở tuổi 46, 9 ngày sau khi lính cứu hỏa ập tới căn nhà của ông tại New London, bang Connecticut, Mỹ. Quan chức y tế Connecticut kết luận cái chết của triệu phú Hsieh là tai nạn. Trong khi đó, Sở cứu hỏa cho hay đang điều tra nguyên nhân gây nên vụ cháy.
Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về cái chết của Hsieh. Những người bạn thân thiết của triệu phú cho rằng đó là đỉnh điểm của một vòng xoáy của rượu, ma túy và hành vi cực đoan kéo dài hơn 6 tháng qua. Vị doanh nhân này là người đã cách mạng hóa ngành công nghiệp giày trực tuyến, viết cuốn sách bán chạy nhất về văn hóa công ty mang tên Delivering Happiness. Tuy nhiên, bạn bè Hsieh cho biết năm nay doanh nhân huyền thoại gặp không ít khó khăn. Tháng 8 vừa qua, ông rời vị trí CEO Zappos, nơi giúp ông đến với đỉnh cao của sự thành công và nổi tiếng.
"Mọi thứ xung quanh dần sụp đổ với ông ấy", Plastina nói.
Huyền thoại trong giới kinh doanh
Hsieh có cha mẹ là người gốc Đài Loan và nhập cư sang Mỹ. Hsieh thành công rất sớm. Ở tuổi ngoài 20, ông đã bán dịch vụ quảng cáo trên Internet LinkExchange, công ty đầu tiên ông thành lập cho Microsoft Corp với giá khoảng 265 triệu USD. Sau đó ông đầu tư vào Zappos, công ty bán giày trực tuyến và được Amazon mua lại vào năm 2009 với giá hơn 1 tỷ USD. Hsieh vẫn giữ vị trí giám đốc điều hành Zappos cho tới tháng 8 năm nay.
Sau khi bán Zappos và thu khoản tiền khổng lồ, Hsieh chuyển trụ sở của Zappos tới Las Vegas. Tại đây, ông được nhiều người yêu mến vì đã đầu tư 350 triệu USD vào việc hồi sinh một phần trung tâm thành phố, bao gồm các nhà hàng, địa điểm bán lẻ và các công ty khởi nghiệp công nghệ, bắt đầu từ năm 2012.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tony Hsieh tại một sự kiện năm 2014. Ảnh: WSJ.
Hơn 20 năm làm giám đốc điều hành Zappos, ông Hsieh trở thành huyền thoại trong giới kinh doanh khi giúp định hình lại dịch vụ khách hàng, cố gắng hồi sinh sự hưng thịnh của Las Vegas và thách thức vai trò của hệ thống phân cấp trong các tập đoàn. Các nhân viên của Zappos rất thích cách quản lý của Hsieh, giúp họ thể hiện cá tính và hoàn thành vai trò trong một môi trường làm việc liêm chính.
Hsieh được đánh giá là người hướng nội nhưng có mong muốn sâu sắc là gắn kết mọi người với nhau, đồng thời đầu tư thời gian và tiền bạc vào cuộc sống của bạn bè. Một người bạn đã gọi Hsieh là "The Giving Tree", ám chỉ câu chuyện của Shel Silverstein, trong đó một cái cây trao mọi phần của nó cho chàng trai mình yêu nhưng không nhận được gì.
Bạn bè và đồng nghiệp cũ của Hsieh cho biết ông luôn quan tâm đến người khác, cố gắng thực hiện những giấc mơ của nhiều cá nhân và tìm cảm giác mới lạ hơn là niềm vui khi nằm trên đống tiền. Cách tiếp cận cuộc sống của ông đã mang lại cho ông sự giàu có, thành công và nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng cũng chính hào quang ấy khiến những ngày cuối đời của ông rơi vào bi kịch. Ông đột ngột nghỉ hưu, không tìm được bạn tâm giao và tìm đến các hành vi cực đoan để khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn.
Vòng xoáy ma túy, rượu và hành vi cực đoan
Trước đây Hsieh thường xuyên nói rằng tiệc tùng đóng vai trò trung tâm trong công việc và cuộc sống của ông. "Cuối cùng, hạnh phúc thực sự chính là tận hưởng cuộc sống", Hsieh viết. Trong cuốn sách Delivering Happiness, Hsieh nói việc uống vodka Grey Goose là một truyền thống của công ty. Vị doanh nhân này cũng chia sẻ với tạp chí Playboy vào năm 2014 rằng ông đã viết cuốn sách trên nhờ "những hạt cà phê ngâm trong vodka". Một vài người bạn kể Hsieh có thời gian ám ảnh với loại rượu Fernet của Italy.
Với Hsieh, văn hóa ở Zappos là theo đuổi niềm vui. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Zappos cho hay công ty "cam kết cải thiện môi trường làm việc an toàn, vui vẻ cho tất cả nhân viên. Để làm được điều đó, nhân viên được yêu cầu phải xem xét bộ Quy tắc ứng xử bao gồm những chỉ dẫn về cách làm việc nhóm và chức năng của công ty".

Tony Hsieh (áo đen, giữa) trong một sự kiện ở Las Vegas năm 2015. Ảnh: WSJ.
Sau khi nghỉ hưu và buộc phải cô lập do đại dịch, Hsieh bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Một vài người thân thiết với Hsieh cho biết ông bắt đầu tìm đến các loại ma túy như nấm ma thuật và thuốc lắc. Và đó chỉ là một phần nhỏ trong hành vi ngày càng cực đoan của Hsieh.
Một người bạn khác của triệu phú Hsieh kể ông cũng trở nên đam mê với nỗ lực tìm xem cơ thể của mình sẽ ra sao nếu thiếu đi các điều kiện sống. Ông bắt đầu bỏ đói bản thân, khiến cân nặng giảm xuống chỉ còn dưới 100 pound (khoảng hơn 45 kg), cố gắng không đi tiểu, thở bằng oxit nitơ gây ra tình trạng thiếu oxy.
Theo tiến sĩ Guadagnoli, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Nevada, ông Hsieh cũng đã tự mình thực hiện các thử nghiệm như giới hạn giấc ngủ chỉ 4 giờ mỗi ngày và leo lên 3 đỉnh núi cao nhất tại Southern California trong một ngày.
Vị doanh nhân còn thử thách ăn kiêng 26 ngày, chỉ ăn các thực phẩm bắt đầu bằng chữ cái "A" trong ngày đầu tiên và cứ thế, những ngày sau sẽ là những chữ cái tiếp theo. Ngày cuối cùng là chữ cái "Z", cũng là ngày gần như ông nhịn ăn.
Hsieh là người cuồng nhiệt với "văn hóa rave" (diễn tả sự thả hồn theo những giai điệu cuồng nhiệt phát ra từ các thiết bị điện tử và dưới bàn tay hòa trộn của nghệ sĩ âm nhạc điện tử).
"Được biết đến là người hợp lý và logic nhất trong nhóm, tôi đã rất ngạc nhiên khi cảm thấy mình bị cuốn theo cảm giác tâm linh bao trùm", Hsieh viết về văn hóa rave trong cuốn Delivering Happiness. "Như thể sự tồn tại của ý thức cá nhân đã biến mất và được thay thế bằng một ý thức nhóm thống nhất duy nhất".
Kể từ đó, Hsieh thường xuyên tham gia lễ hội âm nhạc Burning Man tại Nevada. Hsieh còn mời nhóm nhạc Dancetronauts tới các hội chợ nghệ thuật và những bữa tiệc do ông tổ chức để biểu diễn. Bên ngoài dự án "Công viên container" ở Las Vegas, nơi Hsieh tổ chức các buổi tiệc âm nhạc của riêng mình, ông cho trưng bày một con bọ ngựa cầu nguyện cao 12 m bắn ra lửa. Khu phức hợp Airstream của Hsieh ở Las Vegas cũng có một hố lửa và một sân khấu, nơi vị doanh nhân trưng bày mô hình bọ ngựa yêu thích và thường đi lang thang xung quanh khu vực đó. Một số bạn bè cho biết niềm đam mê với lửa của Hsieh thời gian gần đây cũng càng trở nên mãnh liệt. Một đại lý bất động sản bán cho ông biệt thự ở Park City cho hay họ thấy 1.000 cây nến ở đó khi ghé thăm ngôi nhà để lấy đồ.
Sau khi một nhà trị liệu khuyên nên "cai nghiện kỹ thuật số", Hsieh bắt đầu xa cách hơn với những người bạn lâu năm của mình. Thay vào đó, ông luôn đi cùng một nhóm người mới thỏa mãn theo những hành vi kỳ dị và cực đoan của ông. Nhóm này gồm một vài cựu nhân viên Zappos, chuyển tới Park City sống cùng Hsieh và kiếm tiền nhờ việc phục tùng ý muốn của ông. Hồi đầu tháng 7, khi gọi Facetime với Hsieh, một người bạn nhận ra "ông ấy nhìn không được tốt lắm". Một vài người như Plastina nói không thể gọi cho Hsieh vào tuần cuối cùng trong cuộc đời ông.

Mô hình bọ ngựa phun lửa bên ngoài công viên Container của Hsieh ở Las Vegas. Ảnh: WSJ.
Một người bạn tiết lộ Hsieh vốn không thoải mái với môi trường ít người và đại dịch khiến cuộc sống xã hội của ông càng giới hạn hơn. Đó là nguyên nhân khiến ông càng chìm vào rượu và ma tuý. Nếu như ở Las Vegas, Hsieh luôn có một nhóm bạn tại Zappos có thể ngăn ông khi nghe về những kế hoạch không hiệu quả. Còn khi đã nghỉ hưu và đến ở Park City, Hsieh được vây quanh bởi những người luôn nói "vâng" với mọi thứ ông đề nghị.
Có dấu hiệu cho thấy Hsieh biết bản thân đang gặp rắc rối. Chỉ một ngày trước khi xảy ra vụ cháy, ông vẫn lên kế hoạch đến kiểm tra sức khỏe tại một bệnh viện phục hồi chức năng ở Hawaii. Có thời điểm Hsieh nói với những người thân rằng ông sẽ tới nhà kho của căn biệt thự ở Park City và yêu cầu mọi người kiểm tra ông sau mỗi 5 phút. Tại đó, Hsieh đã sử dụng máy sưởi trong phòng đóng kín để giảm lượng oxy.
Ngày 18/11, các nhân viên cứu hỏa chạy đến một ngôi nhà ba tầng bên bờ biển đang bốc cháy ở New London lúc 3h34. Theo đoạn ghi âm qua radio của những người ứng cứu đầu tiên, một nhân viên cứu hộ cho biết một người đàn ông "mắc kẹt bên trong". Một số nhân viên cứu hỏa và điều phối viên gọi nạn nhân là "bị mắc kẹt".
Một mô tả khác lại viết: "Người đàn ông không chịu mở cửa. Mọi người đều đang ở ngoài. Họ cố gắng gọi để ông ta mở cửa". 9 ngày sau đó, Hsieh qua đời do biến chứng của ngạt khói.
Hsieh ra đi để lại khối bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD. Trong đơn gửi tòa án, các thành viên gia đình cho biết ông Hsieh dường như không để lại bản di chúc nào. Một thẩm phán ở Las Vegas đã để cha của ông Hsieh, ông Richard và anh trai Andrew, làm người đại diện pháp lý và quản lý các khu bất động sản của vị doanh nhân, nhằm "ngăn chặn việc thất thoát tài sản".
Trong một tuyên bố bằng văn bản, gia đình Hsieh cho hay sẽ không bình luận chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hsieh. Họ "biết ơn sâu sắc vì tình yêu, sự chia sẻ nhận được sau khi Hsieh qua đời". Đối với họ, Hsieh đã có tác động sâu sắc đến vô số người trên khắp thế giới.
Gia đình dự định "tiếp nối di sản của Hsieh bằng cách chia sẻ các nguyên lý mà khi còn sống ông đã tìm kiếm thông qua những trải nghiệm cuộc sống, truyền cảm hứng, giúp đỡ và mang lại hạnh phúc cho người khác".
Sơn Nam (Theo WSJ)