Nếu trong căn bếp Việt không thể thiếu những gia vị như nước mắm, hành, tỏi, hạt tiêu... thì ở phương Tây, họ cũng có những loại gia vị với hương vị và chức năng riêng để làm nên linh hồn của những món ăn. Họ chủ yếu sử dụng những loại lá khô hoặc tươi để tẩm ướp và chế biến, phổ biến nhất có lá hương thảo, xạ hương, bạc hà, húng quế... Và những loại rau gia vị này giờ được nhập khẩu về Việt Nam khá nhiều.
Hương thảo (Rosemary)
Cây hương thảo có mùi thơm rất đặc biệt và được sử dụng phổ biến cả trong chế biến món ăn lẫn trong y học cổ truyền. Chúng có thể được dùng để đuổi muỗi, trị liệu bằng xoa bóp, sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Trong nấu ăn, hương thảo được dùng chế biến bít tết, sườn nướng, cá hồi và đặc biệt được tẩm ướp trong món gà Tây ngày Lễ Tạ ơn. Hương thảo sẽ khử mùi hôi giúp làm dậy vị thơm của các món ăn.
Nguyệt quế (Bay Leaf)
Cây nguyệt quế có nguồn gốc từ các nước quanh khu vực Tây Á, Hy Lạp cổ đại, được coi như biểu tượng của quyền lực và sức mạnh dùng để trao cho những người chiến thắng. Trong nấu ăn, lá nguyệt quế cũng tỏ ra quyền lực giúp tạo mùi thơm cho các món soup và món hầm. Ngoài ra trong lá nguyệt quế còn có chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ ung thư, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Và đặc biệt lá còn có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm vùng da mụn và giúp giảm gàu cho tóc.
Xạ hương (Thyme)
Người ta coi xạ hương là "thần dược" cho thần kinh, hô hấp và cả tiêu hóa. Có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và nam Âu, lá thyme được sử dụng nhiều trong ẩm thực, trang trí và dược liệu cũng bởi mùi hương thơm quyến rũ mang đến cảm giác rất dễ chịu, cải thiện tinh thần và giúp dậy lên hương vị hấp dẫn cho món ăn. Người châu Âu sử dụng xạ hương gói cùng rau mùi tây, lá nguyệt quế để tạo ra "bó hoa kiểu Pháp" đặt vào nồi soup, các món hầm bởi chúng cho ra mùi thơm.
Bạc hà (Mint)
Với mùi thơm man mát và vị the hơi cay, lá bạc hà thường được sử dụng trong chế biến những loại nước uống, đặc biệt là mojito hay những loại cocktail khác. Bạc hà là một trong những loại lá có khả năng chống oxy hóa cao. Người ta sử dụng bạc hà trong chế biến các món như thịt cừu, soup, salad rau, còn với những món nướng thì dùng bạc hà sấy khô. Ngoài ra, bạc hà có tác dụng tuyệt vời trong điều trị cảm cúm, khó tiêu, dị ứng...
Húng tây (Basil)
Lá húng quế ở Việt Nam rất phổ biến, dùng để ăn kèm với các món nướng bởi vị hơi cay và mùi thơm khẽ. Húng tây cũng thế, vị hơi cay cay, hơi ngọt, tuy nhiên mùi thơm khá đặc biệt, rất phù hợp với những món ăn đi kèm với cà chua như soup, salad, pizza khiến đồ ăn có vị tươi mát dễ chịu. Đây được coi là loại thảo mộc lành mạnh nhất bởi nó chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin K, cần thiết cho việc đông máu, Vitamin A, tốt cho thị lực, giảm cholesterol, ngừa ung thư...
Mùi (Ngò) tây (Parsley)
Ngò tây thông thường có 2 loại, một loại lá thẳng thường có mùi nồng và được sử dụng nhiều như gia vị trong các món ăn Italy, loại còn lại lá xoăn thì có mùi nhẹ, thường được dùng để trang trí món ăn. Trong chế biến, lá ngò tây thường được cắt nhỏ và rắc lên trên các món ăn lúc vừa nấu xong giúp tăng hương vị vì khá mềm và dễ chín. Trong chế biến các món nướng, lá ngò tây xay nhuyễn cùng vụn bánh mì khô, bơ đun chảy và phô mai thành lớp phủ bên ngoài giúp món ăn thơm ngậy và giòn hơn.
Cải lông (Arugula)
Rau Arugula (hay rocket) thường được dùng tươi trộn cùng những loại rau khác làm salad hoặc được dùng để nấu thịt hầm và các loại nước sốt. Cải lông cung cấp vitamin A, C và ít calories, giàu chất xơ và chất sulfuraphane, giúp chống ung thư. Ngoài ra, Arugula còn có tác dụng giảm cân không ngờ.
Kinh giới cay (Oregano)
Khác với những loại lá gia vị ở trên, lá kinh giới cay khá phổ biến tại Việt Nam bởi chúng thường được sử dụng trong sốt cà chua để làm pizza hay mì spaghetti và những loại bánh mặn đặc trưng từ Italy. Món ăn sẽ thiếu vị nếu như đầu bếp không sử dụng loại rau gia vị này. Thêm vào đó, Oregano còn là một loại thảo dược có thể chữa bệnh, giúp giảm đau, sát trùng, chống co thắt, dễ tiêu hóa...
Nhụy hoa nghệ tây (Saffron)
Được ví là loại gia vị đắt nhất thế giới, nhụy hoa nghệ tây mang màu đỏ sậm có tác dụng tô màu cho món ăn, dùng để chế biến các món bánh ngọt, cơm, soup cá, thịt bê, thịt cừu nướng... Không những thế nó còn có cả công dụng trong chăm sóc sắc đẹp, là nguyên liệu chế biến mỹ phẩm hoặc đơn giản là vài nhánh nghệ tây hòa cùng nước nóng để uống giúp đẹp từ trong ra ngoài, giúp ngủ ngon và ăn ngon.
Thùy Dương tổng hợp