Ông Nghĩa, người "chăn dắt" trẻ ăn xin. |
Đêm, tiếng cười nói ngả nghiêng, ánh đèn hắt sáng từng bàn nhậu khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc. Đôi chân cậu bé còi như hai ống xương lê bước trên đường. Em giơ chiếc nón bẩn xin ăn. Bề ngoài cậu bé không hơn đứa trẻ 7 tuổi dù em cho biết mình đã 12. Ai hỏi chuyện, cậu cũng lí nhí: “Em tên Quang, 12 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Vào đây xin ăn với mẹ và bà”.
Quang cũng như hàng trăm trẻ em khác đang được một số đầu nậu “chăn dắt” ăn xin đưa vào TP HCM, tất cả đều có câu trả lời thuộc nằm lòng, đều nói một nội dung na ná. Nhưng khi hỏi đến chuyện học tập, cậu bé chùng giọng: “Hết lớp 3 em không được học nữa”. Nói đoạn, cậu bé nhận tiền rồi vội vã đi.
Cả tối, Quang thất thểu đi xin, không dám ngồi hay ăn bất cứ thứ gì khách cho. Chừng 24h, theo chân em, tại một góc tối (đoạn khu chung cư sau đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận), phát hiện một người đàn ông nhỏ thó ra nói với em câu gì đó.
Bám theo chiếc xe Dream của người đàn ông này. Ông ta cùng hai đứa trẻ ăn xin (trong đó có Quang) và một phụ nữ lớn tuổi ốm yếu giả mù xin ăn lên chiếc xe chạy về hướng quận Tân Bình. Đến số 30 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM, xe dừng lại. Cả bốn người mất hút vào dãy nhà trọ cạnh đó.
Hôm sau, tiếp tục bám theo Quang và người đàn ông, phát hiện ở khu nhà trọ này còn có một số trẻ em và người già khác. Người đàn ông tên Nghĩa. Tại đây, cứ 5h sáng, những đứa trẻ và người già phải dậy, cuốc bộ ra đầu đường đón xe buýt đi xin. Trong khi đó, gần 10h, cánh cửa phòng của “kẻ chăn dắt” vẫn đóng im lìm.
Trong vai những người làm dự án chăm lo việc học tập cho trẻ em lang thang, gõ cửa nhà ông Nghĩa. Vợ ông Nghĩa mở cửa, trả lời cau có: “À, mấy đứa nhỏ hả, đi làm chưa về. Chúng nó là cháu đấy mà, vào đây đi bán vé số, còn mấy người lớn đi làm hồ”.
Nhưng họ và những đứa trẻ ăn xin không có quan hệ mẹ-con, ông-bà gì. Thực chất họ cũng không bán vé số hay làm thợ hồ. Hàng ngày hai vợ chồng này cho cả nhóm đi ăn xin và khuya đón về để thu tiền. Chiếc xe Dream là của ông Nghĩa.
Ông Nghĩa vừa rít thuốc lào vừa lầm rầm mắng: “Công tác xã hội gì mà ghi với nhận, làm gì có tổ chức nào giúp đỡ các cháu. Tao ở đất này sáu bảy năm rồi, hiểu rõ quá. Có đứa nào cho tao đồng nào đâu. Không ghi ghi chép chép, quay phim gì cả.”.
Những nhà hàng xóm xung quanh biết về vợ chồng ông Nghĩa đều khẳng định: “Công việc của họ là ngủ và thu tiền trên sức lao động của các em”. Một số người còn cho biết các em ăn xin sống và sinh hoạt trong nhà ông Nghĩa rất tồi tệ. Cuộc sống chật chội, bẩn thỉu, ngột ngạt, hôi hám. Các em bị kiểm tra gắt gao. Tất cả đều phải theo giờ giấc đã quy định sẵn. Ngày nào về đến nhà, các em cũng vật người ra, nhũn như bún, phì phò thở và lịm đi trong mệt mỏi.
Cô con gái chủ phòng trọ thẳng thắn cho biết, ông Nghĩa thuê phòng làm ăn ở đây được nhiều năm. Giá thuê một phòng lẽ ra là 230.000 đồng, nhưng phòng ông có quá nhiều người nên phải trả hơn 400.000 đồng.
Hai vợ chồng ông Nghĩa thuê mấy người này với giá 300.000 đồng/tháng, họ đi ăn xin từ mờ sáng đến 12h mới về ăn cơm và chiều đi tiếp. Cô con gái chủ phòng trọ nói: “Mấy đứa nhỏ bị thay liên tục, ông tuyển người mới hoài, hồi năm trước còn có mấy đứa con gái nữa, thường một nhóm chừng 4-5 đứa”.
Các em nhỏ đi xin ăn cho biết, mỗi ngày phải kiếm được không dưới 50.000 đồng, có ngày gặp may thì 100.000-200.000 đồng. Trung bình một tháng các em xin được khoảng 4-5 triệu đồng.
Tuy nhiên, khách có cho 1.000 đồng hay 100.000 đồng/lần các em cũng không vui vì tất cả đều bị chủ “chăn dắt” thu trọn. Hàng ngày các em phải dậy để đi ăn xin từ sáng sớm đến nửa đêm nên em nào cũng ốm o gầy mòn và thiếu ngủ trầm trọng.
Theo chân một nhóm ăn xin khác, lần ra một kẻ “chăn dắt” ở khu hẻm 333 Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú). Đây là một thanh niên trẻ tên Huế. Anh ta chạy xe máy chuyên đón các em đi ăn xin về vào tầm 23-24h tại điểm hẹn là cầu Bùi Hữu Nghĩa. Trong “hang ổ” của Huế, thấy ngoài bé trai chừng 13 tuổi vừa được Huế chở về trong đêm, còn hai bé gái đang nằm ngủ. Lúc này là 0h, đèn trong phòng Huế còn sáng, đứa bé trai mới về đang ngồi ăn cơm.
Các nhóm “chăn dắt” đang rộ lên ở nhiều quận huyện. Một số bé ăn xin ở khu vực các quán nhậu đêm cho biết có trên 20 nhóm ở quanh quẩn Khu công nghiệp Tân Bình, Tây Thạnh, ở quận 6, quận 8, các phường thuộc quận Tân Phú.
(Theo Tuổi Trẻ)