Dương Hồng Giang, cựu SV ĐH Thương mại HN, hiện là kế toán trưởng Công ty Dệt may Nam Định, tâm sự với Sinh Viên VN: Tôi từng làm đủ nghề trong quãng thời SV của mình: gia sư, làm hướng dẫn viên du lịch, đi tiếp thị thuốc lá và cả làm phu chặt sắt trên Cầu Diễn. Nghề chặt sắt có thể là nghề không ai tin trong danh mục việc làm thêm của SV.
Tôi đem cầm cái nhẫn trị giá 1.500.000 đồng của ông anh cho được 200.000 đồng nộp các loại lệ phí ở trung tâm giới thiệu việc làm. VIP của trung tâm đưa tôi đến Cầu Diễn, thả tôi xuống đấy và lặn mất tăm cùng với 200.000 đồng. Tôi chưa thể hình dung nổi mình sẽ được làm ở bộ phận nào thuộc cái công ty như một bãi chiến trường ấy. Tôi nộp hồ sơ cho ông chủ và thay bằng việc đọc, ông ấy quẳng nó vào bếp lò rồi bảo tôi ra giữa trời nắng bắt đầu công đoạn học nghề.
Nhà ông chủ đi làm thuê cho công ty Điện cơ của Quân đội, chuyên sản xuất động cơ điện và hàng dân dụng. Các chàng trai lực lưỡng ngày ngày đứng bên cái máy dập phế liệu là tôn sillich ở các mô tơ ra.
Sau thời gian học việc, tôi bắt đầu vác búa đập mô tơ hỏng do chủ nhà mua về. Rồi gỡ lấy sắt thép. Những lá thép han rỉ và dầu mỡ. Sau đó để nó vào những máy đột dập cắt nó ra thành những lá thép nhỏ hơn. Dưới cái nắng chói chang mùa hè, một SV chuyên ngành kế toán trông không khác với cục sắt là mấy.
Có hàng loạt những yếu tố vô cùng độc hại từ bụi silich. Đồ nghề bảo hộ lao động không có. Khi đưa thép vào máy dập chỉ dùng tay không. Và chuyện bất cẩn để cho máy dập nát bàn tay hoặc bất ngờ một ngón tay từ biệt cũng là chuyện đã từng.
Tôi làm quần quật 5 tiếng liền, người ta trả 10.000 đồng. Được một thời gian tôi bỏ búa đập sắt, bỏ máy dập, bỏ những đống sắt cao ngồn ngộn với tiền công 10.000 đồng mà đi. Tôi về với cái bằng kế toán còn đang dang dở của mình. Sau lần ấy, tờ 10.000 đồng với tôi (một chàng công tử quen áo là thẳng ly, quen tiêu tiền của bố mẹ), bắt đầu có sức nặng.
Chuyện của Nguyễn Trí Tú, cựu SV trường ĐH Luật, hiện là Trưởng phòng pháp lý Công ty Redstar, 85 Tôn Đức Thắng HN.
Tôi không thể nhớ nổi số lượng các đầu việc mình đã từng làm thêm trong quãng thời gian là SV nữa. Lóc cóc bị cói, xe cuốc tôi đạp từ Chương Mỹ, Hà Tây đến trường mỗi ngày 50 km cộng thêm con đường đi làm thêm khá dài khiến xe của tôi có ngày lăn đến gần 100 km. Tôi học được tính kiên nhẫn và khả năng không lùi bước từ những con đường dài.
Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc lên giảng đường, đạp xe đi làm và nửa đêm mới đến giờ chong đèn ngồi học. Những người hàng xóm đi bán rau buổi sớm qua ô cửa sáng đèn ngày nào cũng nói vọng vào: "Tú ơi, sáng rồi, đi ngủ thôi!". Tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng công sức gia sư cho một em lớp 6, đóng học phí, mua quà cho bà nội và mua một con cá thật to về nhà.
Nhưng SV Luật không thể cứ đi gia sư, tôi bắt đầu chạy việc cho các văn phòng luật. Vẫn xe cuốc vẫn bị cói và những con đường dài. Tôi bắt đầu quen với việc tư vấn pháp luật và ký các hợp đồng bảo vệ bảo vệ độc quyền, sở hữu trí tuệ. Về sau, khi thành một chuyên gia trong lĩnh vực này tôi mới thấy hết ý nghĩa của những ngày tập sự trên con đường làm thêm chông gai của mình.
Thời ấy, tôi đã ký được nhiều hợp đồng, là cộng tác viên của các công ty luật nhưng có hiệu suất làm việc còn nhiều hơn cả các nhân viên chính thức. Ngày ấy mỗi hợp đồng của tôi là một phát súng nã vào không khí làm thêm đang rất náo nhiệt và tưng bừng ở lớp: Công ty thiết bị Hồng Đăng ký hợp đồng bảo vệ kiểu dáng sản phẩm và logo tên công ty, công ty bê tông thuộc VINACONEX, cơ sở ô mai Toàn Thịnh... Tôi có được 20% tiền hoa hồng từ mỗi hợp đồng. Thời SV khoản tiền ấy là cả một gia tài.
Thời ấy, tôi đã kiếm được những bản hợp đồng lớn cộng với những bài học vừa đau thương vừa huy hoàng chưa từng có tiền lệ trong các giáo trình: hơn 50 hợp đồng về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp đã thành công từ những ngày tháng làm thêm. Tôi học được cách trở thành một chuyên viên về sở hữu trí tuệ và cách tư vấn thành công: Tư vấn lập dự án xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam, dự án xây dựng sân golf Long Thành, SVĐ Quốc gia PhnomPenh...
Khái niệm làm thêm với SV bây giờ đồng nghĩa với tìm được địa chỉ tốt nhất với mức giá tốt nhất để bán sức lao động của mình.