Các em nhỏ nhiễm HIV là đối tượng tổn thương nhất trong các bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này. Ảnh: Reuters. |
Sự kỳ thị nặng nề về căn bệnh thế kỷ vẫn tồn tại trong cộng đồng ở Trung Quốc. Và, trẻ em có lẽ là nhóm đối tượng tổn thương nhất trong số các bệnh nhân AIDS. Ở trường, các em bị bạn bè xa lánh, thậm chí, bố mẹ và người thân còn bỏ mặc.
Tại trại trẻ mồ côi của Hội cứu trợ trẻ mồ côi mắc AIDS Phú Dương, những đứa trẻ được ăn uống đầy đủ, được học chữ và được uống thuốc. Bọn trẻ sống tại đây được tha hồ chơi điện tử và tham dự các lớp học, còn những em có bệnh sống cùng gia đình cũng sẽ nhận được sự quan tâm tương tự từ tổ chức này.
Chen hiện sống cùng ông bà trong căn nhà siêu vẹo. Ảnh: Reuters. |
Giám đốc Hội, ông Zhang Ying, cho biết: "Hiện giờ, các bệnh nhân nhí của chúng tôi đều có sự ổn định về tâm lý. Khi lần đầu tiên tôi bắt đầu làm quen, chúng tỏ ra không mấy thân thiện và luôn sợ hãi vì sự xa lánh, mặc cảm của người khác. Sau nhiều năm, bằng những việc làm thiết thực cho các em, dần dần, chúng không còn cảm thấy bị coi thường và đã tự tin hơn về bản thân".
Một trong những khó khăn nhất với các nhân viên thuộc tổ chức trên là giúp các em có HIV uống thuốc đều đặn, thường xuyên. Chen Xueyan, 9 tuổi, sống cùng ông bà ngoại tại một ngôi làng nghèo nàn gần thành phố Phú Dương. Em lây HIV từ người mẹ quá cố của mình. Bà nhiễm bệnh khi đi bán máu. Sun Panpan, nhân viên của Hội cứu trợ trẻ mồ côi nhiễm AIDS, cho biết, trước đây, Chen thường uống sai liều lượng thuốc HIV bởi bố và ông bà ngoại không giám sát em chặt chẽ.
"Nếu uống không đúng liều thuốc trong một thời gian dài, sẽ có nhiều khả năng bệnh nhân bị miễn dịch thuốc. Sau đó, em sẽ phải thay đổi loại thuốc đang uống", Sun nói.
Hàng ngày, những đứa trẻ được Hội cứu trợ cưu mang được uống thuốc đều đặn. Ảnh: Reuters. |
Từ khi ca mắc AIDS ở trẻ em đầu tiên qua đời vào năm 1985, tới giờ đã có khoảng 50.000 trẻ người Trung Quốc chết vì căn bệnh này. Những trường hợp đó chủ yếu mắc bệnh do truyền máu hoặc lây truyền từ đường mẹ sang con.
Theo Reuters, trẻ mắc bệnh phần lớn sống ở tỉnh Hà Nam và An Huy, nơi đại dịch AIDS bùng phát dữ dội vào những năm 90. Chính những chương trình bán máu thương mại của chính phủ ở những ngôi làng xa xôi, hẻo lánh đã khiến số người mắc bệnh ra tăng. Nhiều đứa trẻ mất cả bố lẫn mẹ vì căn bệnh AIDS. Bên cạnh nỗi đau mất mát ấy, các em phải đối mặt với thách thức khác, tồn tại bằng cách nào. Chính phủ Trung Quốc đảm bảo số thuốc miễn phí cho trẻ em nhưng lượng thuốc này không phải lúc nào cũng sẵn có và đầy đủ. Nhiều tổ chức phi chính phủ hiện thường xuyên tới thăm những gia đình có trẻ nhiễm HIV để đảm bảo các em uống thuốc đúng cách.
Bình Minh