Tiesuc
19h50' ngày 20/9, VOV Giao thông trên tần số 91Mhz bắt đầu tấn công vào hai sự kiện gây nóng truyền thông và cộng đồng mạng:
1. Bố chồng "dính" con dâu: là một sự xuyên tạc.
2. Bố, con trai và người mẹ là một thông tin chưa phản ánh hết toàn bộ sự thật kèm theo phỏng vấn của hai người thân.
Trường hợp 1, phát thanh viên không nói nhiều bởi tin sai sự thật này xuất phát từ nguồn VOV báo điện tử. Còn trường hợp 2 công bố thêm một số chi tiết ít ỏi về sự kiện bố con đánh mẹ nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục người nghe (cá nhân tôi).
Từ hai dẫn chứng trên, phát thanh viên báo động về:
- Chất lượng báo chí Việt Nam, đạo đức nghề báo.
- Nếu truyền thông không có chất lượng, người viết không có đạo đức thì các trang báo không khác gì trang mạng xã hội.
Tại đây, tôi thấy có nhiều sự bình thường và một sự không bình thường, tạm liệt kê như sau:
- Sự thật không nằm trong mọi hệ thống truyền thông ở bất kỳ đâu trên thế giới, đặc biệt là các vụ cướp, giết, hiếp. Mọi sự phẫn nộ, xúc động, đau đớn đều có thể bị bóp méo.
- Sự méo mó này ít hay nhiều là tùy thuộc vào: chất lượng nền báo chí; năng lực ban biên tập, phóng viên; đạo đức của một công dân có trách nhiệm và môi trường tự do phản biện.
Hai sự kiện xã hội gây nóng cộng đồng kia, tin đầu tiên là một sự méo mó điển hình của hệ thống phát tin, còn tin thứ hai là một sự lệch lạch điển hình của hệ thống nhận tin.
Bài phản biện trên VOV cũng là một sự méo mó, nhưng tạo cảm giác tích cực cho người nghe khi chịu tấn công vào cái sai và giúp người nhận tin phải đặt câu hỏi: "Có sự thật trong truyền thông hay không?". Câu trả lời của tôi là KHÔNG có "sự thật" trong đó.
Chi tiết đáng cảnh báo trong bài phản biện của VOV là đánh đồng hệ thống báo chí với "trang mạng xã hội". Mạng xã hội là kênh truyền phát thông tin không nằm trong kiểm duyệt, không nằm trong hệ thống và không thể đặt vào phép so sánh với truyền thông chính thống. Mọi hình thức tấn công vào nó chính là một sự bất lực của truyền thông chính thống.
Tuy nhiên, cả hai hệ thống truyền thông chính thống và mạng xã hội đều lệ thuộc vào một giá trị chung:
- Người thụ hưởng, tiếp nhận thông tin.
- Người đặt vấn đề, phản biện thông tin.
Chúng tốt lên hay xấu đi cũng do chính người đọc quyết định, và tại đây, mạng xã hội lại là môi trường có thể dễ dàng thanh lọc hơn truyền thông chính thống.
Thời điểm hiện tại, mạng xã hội tại Việt Nam đang nằm trong một vòng xoáy mà nó có thể bị cuốn trôi nếu người sử dụng nó không sáng suốt.
Lời khuyên của tôi là:
- Cẩn trọng khi share link của truyền thông chính thống, bời độ tin cậy của nó hoàn toàn có thể đáng nghi ngờ.
- Suy nghĩ kỹ trước khi share một tấm ảnh làm bạn giận dữ, đau thương được post bởi một cá nhân, một nhóm trong mạng xã hội và quan sát các bình luận phản biện (nếu có).
Cá nhân tôi cho rằng, những hình ảnh bạo lực cần được thanh lọc trên Facebook. Tôi tạm chia nhóm chúng như sau:
- Hình ảnh trẻ sơ sinh, chó mèo bị hành hạ.
- Hình ảnh một cá nhân bị phỉ báng, tẩy chay.
- Hình ảnh kêu gọi giết, tử hình hay quy kết một cá nhân là súc vật.
Và danh sách này có thể dài hơn nữa...
Quan trọng hơn là luôn đặt câu hỏi, suy nghĩ trước khi share những tấm ảnh có thể phát tán sự ngu dốt, vô minh, hận thù trong cộng đồng mạng xã hội. Nó chính là bộ mặt kỹ thuật số phản ánh xã hội của chúng ta.
Vài nét về blogger:
I'm that I'm - Tiesuc.
Bài đã đăng: Nỗi cô đơn của số nguyên tố, Nín thở và ngẫm về việc tốt, Anh sẽ trở về, trước khi cây sấu già rụng hoa, Muối của thiên đường, Sự dối trá của Midori.